Thứ Sáu, 27/11/2015, 10:52 (GMT+7)
.

Khai thác du lịch ở Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM: Đừng chần chờ!

Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (thuộc địa bàn xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước) được tỉnh có chủ trương triển khai phát triển du lịch từ nhiều năm nay, nhưng không mang lại hiệu quả dù khu bảo tồn sinh thái này có nhiều cơ hội phát triển ngành công nghiệp “không khói”. 
a
Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM thuộc địa bàn xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước.

 Xây xong... chờ khách

Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (ĐTM) được thành lập vào năm 2000, với diện tích 106,8 ha, trong đó có 36 ha tràm là khu trung tâm, nơi dẫn dụ chim mồi. Vùng đệm xung quanh khu bảo tồn được xác định có diện tích 1.800 ha, chủ yếu là rừng tràm.
 
Hiện khu bảo tồn có đàn động vật hoang dã ước khoảng 10 ngàn con, gồm 60 loài chim, cá, thú... Trung bình mỗi năm, ở đây còn có thêm khoảng 1.000 chim thú sinh sôi và được dẫn dụ từ các nơi khác đến, nhiều nhất là các loài cò, cồng cộc, vạc, cúm núm... Khu bảo tồn đã được tái tạo như một khu rừng nguyên sinh, có diện tích rừng lớn và được xem là đẹp nhất vùng ĐTM. 
 

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn, nuôi dưỡng, chăm sóc các loài động, thực vật thiên nhiên thì Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM còn có tiềm năng phát triển du lịch. Do đó, năm 2009, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn 1, với các hạng mục công trình như:

San lấp mặt bằng, đường dẫn vào khu bảo tồn, đường nội bộ, cầu tàu nhỏ, nhà dừng chân, bãi đậu xe... với tổng kinh phí xây dựng 6,5 tỷ đồng. Các hạng mục công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào cuối năm 2010. Thế nhưng, qua hơn 5 năm đưa vào sử dụng, hầu như chưa có đoàn khách du lịch đúng nghĩa nào đặt chân đến đây tham quan.  

Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM có cảnh sắc thiên nhiên độc đáo và là nơi trú ngụ của nhiều loài chim, thú, động vật hoang dã.
Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM có cảnh sắc thiên nhiên độc đáo và là nơi trú ngụ của nhiều loài chim, thú, động vật hoang dã.

Trong khi đó, các tiện ích hạ tầng đã được đầu tư xây dựng đang bị dây leo, cỏ dại bao phủ. Trang bị nội thất một số công trình lâu ngày không sử dụng bị rỉ sét, hư hỏng; nền gạch nhiều nơi sụt lún, sơn bị bong tróc... Những công trình tiền tỷ, với nhiều kỳ vọng phát triển du lịch đang nằm im lìm, lặng lẽ phơi nắng, phơi mưa, để rồi ngày một xuống cấp theo thời gian, trong khi du khách thì vẫn “vắng bóng”. 

Có nhiều nguyên nhân chưa thể khai thác du lịch ở Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM cũng như các hạng mục công trình phục vụ du lịch ở đây đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa được đưa vào sử dụng. Theo Sở VH-TT&DL, do thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng giai đoạn 2 nhằm phục vụ du lịch trong khu bảo tồn đã bị hoãn lại. Thế là không có khách du lịch đến với khu bảo tồn và các công trình phục vụ du lịch ở đây cũng phải chịu cảnh xuống cấp.
 
Một nguyên nhân khác được ông Nguyễn Văn Viên, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM cho biết, trong thời gian qua, khu bảo tồn chỉ đón tiếp các đoàn khách là lãnh đạo trong và ngoài tỉnh hoặc những đoàn khách đến thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu chứ chưa mở rộng ra nhiều đối tượng khách du lịch. 
Một buổi làm việc giải quyết đề nghị của Công ty TNHH Du lịch Công đoàn Tiền Giang mở tour du lịch mới ở Khu Bảo tồn  sinh thái ĐTM.
Một buổi làm việc giải quyết đề nghị của Công ty TNHH Du lịch Công đoàn Tiền Giang mở tour du lịch mới ở Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM.
Theo ông Viên, để công tác du lịch được triển khai ở khu bảo tồn thì cần có kế hoạch xây dựng các đài quan sát chim từ xa, chứ không thể chèo xuồng tiếp cận gần nơi sinh sống của các loài chim, vì chim sẽ bị động mà bay đi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài chim cũng như các loài sinh vật khác và gây khó khăn cho công tác bảo tồn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tồn tại đã lâu mà những người làm công tác bảo tồn sinh thái và làm du lịch vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong khai thác du lịch ở khu bảo tồn sinh thái này. 
 
Cần tận dụng cơ hội 
 
Theo đánh giá của Sở VH-TT&DL, Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM rất có tiềm năng phát triển du lịch, nhất là phát triển thành khu tham quan, nghỉ dưỡng với nhiều hạng mục vui chơi, giải trí truyền thống dân gian và chỉ đầu tư ở mức độ vừa phải, phù hợp cảnh quan thiên nhiên.
 
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2015 - 2020, ngành Du lịch sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, với các hạng mục công trình: Đường nội bộ, nhà nghỉ mát, đài quan sát... Vốn đầu tư dự kiến 4,5 tỷ đồng. Khi hoàn thành với điểm nhấn là Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM, cùng hạ tầng giao thông thuận lợi và khu tâm linh Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác vừa khánh thành, sẽ mở ra tour, tuyến du lịch mới.
 
Cùng với đó, vừa qua Công ty TNHH Du lịch Công đoàn Tiền Giang cũng đã đề nghị và được Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh Tiền Giang tổ chức thực hiện chuyến khảo sát điểm du lịch Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM. Bởi theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Công đoàn Tiền Giang, công ty muốn khai thác tour, tuyến du lịch mới tại Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM vì đây là tuyến du lịch đang có nhiều khách hàng của công ty yêu cầu được tham quan, khảo sát.
 
Tuy nhiên, hiện công ty không thể tổ chức cho du khách đến tham quan ở khu bảo tồn này, do gặp khó khăn về thủ tục, chủ trương. Do đó, công ty rất mong các ngành chức năng giúp đỡ trong việc chấp thuận về chủ trương cho phép công ty khai thác du lịch ở khu bảo tồn.
Các tiện ích hạ tầng phục vụ du lịch ở Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM được xây dựng hoàn thành từ lâu nhưng chưa được đưa vào  sử dụng, nay đã xuống cấp.
Các tiện ích hạ tầng phục vụ du lịch ở Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM được xây dựng hoàn thành từ lâu nhưng chưa được đưa vào sử dụng, nay đã xuống cấp.
Ông Nguyễn Văn Viên, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM cho rằng, việc khai thác du lịch trong khu bảo tồn hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là khu bảo tồn chưa có chức năng hoạt động kinh doanh du lịch; nhân sự, trang thiết bị phục vụ du lịch còn rất hạn chế.
 
Bên cạnh đó, Đề án Phát triển du lịch sinh thái của khu bảo tồn chưa được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, Ban Quản lý khu bảo tồn và Công ty TNHH Du lịch Công đoàn Tiền Giang cũng đã thống nhất tuyến tham quan trong khu bảo tồn nhưng trước mắt chỉ tổ chức tour thử nghiệm. 
 
Để thực hiện được tour du lịch trong Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM, trước mắt, các ngành chức năng yêu cầu Ban Quản lý Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM và Công ty TNHH Du lịch Công đoàn Tiền Giang cần có sự phối hợp trách nhiệm trong việc sớm đề xuất Sở NN&PTNT và Sở Nội vụ bổ sung chức năng “Tổ chức hoạt động du lịch” cho khu bảo tồn; đồng thời hoàn chỉnh Đề án Phát triển du lịch Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM thông qua các cơ quan chức năng có liên quan, sớm trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Đây là những việc cần làm ngay, nếu muốn tiềm năng du lịch của Khu Bảo tồn sinh thái ĐTM được đánh thức và không phải “ngủ yên” thêm nữa .
 
HỮU NGHỊ

 

.
.
.