Thứ Tư, 13/01/2016, 16:31 (GMT+7)
.

Phát triển ngành hàng cây ăn trái theo hướng bền vững

Tiền Giang được xem là “Vương quốc” cây ăn trái với nhiều chủng loại trái ngon. Tuy nhiên, việc phát triển ngành hàng này trong thời gian qua còn nhiều bất cập, cần được tháo gỡ để phát triển bền vững trong thời gian tới.

1. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh, năm 2010 diện tích cây ăn trái của tỉnh trên 67.500 ha, sản lượng đạt 1 triệu tấn, đến năm 2015 tăng lên 72.800 ha, sản lượng đạt 1,27 triệu tấn. Giá trị sản xuất tăng từ 7.416 tỷ đồng vào năm 2010 lên 11.991 tỷ đồng vào năm 2015, chiếm 51% giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Trong đó, phần lớn diện tích cây ăn trái tập trung ở khu vực phía Tây của tỉnh gồm các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và Châu Thành (chiếm 79% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh).

Đây cũng là vùng nguyên liệu quan trọng để tổ chức thu mua, chế biến, xuất khẩu. Đặc biệt, sau thời gian phát triển, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng trồng cây ăn trái đặc sản tập trung nổi tiếng như khóm Tân Lập, sầu riêng Ngũ Hiệp, xoài cát Hòa Lộc, thanh long, cam, bưởi, nhãn… góp phần rất lớn cho việc gia tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Khóm Tân Phước nổi tiếng ngon, rất được người tiêu dùng ưu chuộng.
Khóm Tân Phước nổi tiếng ngon, rất được người tiêu dùng ưu chuộng.

Trên cơ sở các vùng trồng tập trung được hình thành, Tiền Giang đã xác định được 7 loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh gồm xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, sầu riêng Ngũ Hiệp, sơ ri Gò Công, khóm Tân Lập, thanh long Chợ Gạo, bưởi lông Cổ Cò; đồng thời đã xúc tiến các bước đi cụ thể để phát triển chúng như các loại cây ăn trái này đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa tập thể.

Riêng xoài cát Hòa Lộc đã được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tiếp theo đó, ngành Nông nghiệp cũng đã Quy hoạch vùng sản xuất cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Cùng với đó, trước xu thế sản xuất nông sản theo hướng chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh việc hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, quy trình canh tác an toàn, GAP cho nhà vườn. Kết quả đến nay, bước đầu nhà vườn đã chú trọng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường thế giới.

Qua đó, trái cây của Tiền Giang được nâng cao giá trị sản phẩm, mở ra cơ hội lớn cho việc xâm nhập vào thị trường trái cây thế giới. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay toàn tỉnh có khoảng 400 ha cây ăn trái áp dụng và duy trì việc chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên sản phẩm cam sành, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, thanh long, sơ ri, nhãn, chôm chôm.

Để hạn chế tình trạng “được mùa rớt giá, được giá mất mùa”, một giải pháp hiệu quả và rất được nhà vườn quan tâm là áp dụng khoa học - kỹ thuật vào xử lý cây cho trái nghịch vụ, sớm hoặc muộn hơn mùa vụ chính để bán được giá, tránh ngập lũ.

Và việc áp dụng các kỹ thuật xử lý cho trái nghịch vụ của nhà vườn trên một số cây ăn trái đạt hiệu quả rất tốt, mang lại lợi nhuận cao, góp phần ổn định cơ cấu cây ăn trái. Cụ thể như qua áp dụng kỹ thuật xử lý nghịch vụ trên sầu riêng, thanh long, thu nhập hàng năm của nhà vườn tăng lên từ 300 - 400 triệu đồng/ha.

2. Giống có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định chất lượng, năng suất, sản lượng nông sản. Chính vì tầm quan trọng này mà từ nhiều năm nay, tỉnh đã tiến hành bình chọn giống cây đầu dòng đối với cây ăn trái; cấp mã đơn vị sản xuất, kinh doanh giống. Tính đến năm 2014, tỉnh đã cấp 13 mã số cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn.

Tỉnh cũng đã tổ chức bình tuyển được 5 chủng loại cây ăn trái như xoài (xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu), bưởi lông Cổ Cò, khóm Queen, vú sữa Lò Rèn và sơ ri. Từ đó, diện tích các giống cây ăn trái cho năng suất, chất lượng thấp đã được thay thế dần bằng các giống có năng suất, chất lượng cao; đơn cử như các giống sầu riêng RI 6, Monthong, sầu riêng sữa hạt lép đã thay thế hơn 90% diện tích các giống sầu riêng khổ qua…

Dù vậy, theo ngành Nông nghiệp, toàn tỉnh chỉ có khoảng 60 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây ăn trái (2 cơ sở do Nhà nước quản lý) với số lượng giống sản xuất chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu sản xuất. Số nhu cầu giống cây ăn trái còn lại trong dân được cung ứng từ các tỉnh lân cận. Điều này bộc lộ những hạn chế là công tác đảm bảo tính đúng giống và kiểm dịch dịch bệnh còn hạn chế, thiếu một số cây đầu dòng và vườn đầu dòng để nhân giống sản xuất.

Việc sản xuất, kinh doanh cây giống còn nhiều hạn chế, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh giống chưa đảm bảo chất lượng xuất bán; tình trạng sản xuất giống ngoài danh mục do áp lực sản xuất lớn, nông dân truyền tay hay sản xuất theo thị trường nên khó quản lý.

Đó là chưa nói đến một số giống địa phương còn mang tính tự cung tự cấp, một số nông hộ sản xuất giống dựa vào kinh nghiệm, tự chuyển giao nên không đúng cách, giống chưa kiểm soát chất lượng, dịch bệnh; còn nhiều cơ sở sản xuất giống chưa đảm bảo điều kiện sản xuất, kinh doanh giống…

Tiếp tục cải thiện năng suất, chất lượng nông sản trong lĩnh vực cây ăn trái, Sở NN&PTNT định hướng thời gian tới sẽ tập trung vào đầu tư, phát triển các loại cây ăn trái đặc sản nổi tiếng như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, thanh long thành ngành hàng mũi nhọn của tỉnh theo hướng bền vững, có giá trị cao thông qua tăng quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn GAP với mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 30% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh đạt tiêu chuẩn trên.

Song, trước mắt ngành quy hoạch vùng sản xuất cho các loại cây ăn trái đặc sản lợi thế là xoài, sầu riêng, thanh long. Đối với công tác giống là tăng cường sản xuất, công tác quản lý chất lượng giống, chuyển giao quy trình canh tác tiến bộ; đầu tư cơ sở hạ tầng; tổ chức sản xuất; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…

“Trong đó, ngành sẽ chú trọng vào phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, xây dựng và phát triển liên kết chuỗi cho ngành hàng trái cây; đồng thời đẩy mạnh công tác nhân giống, bảo tồn nguồn gen cây ăn trái tốt” - ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã nhấn mạnh như thế.

NGÔ VĂN

Theo Sở NN&PTNT, mặc dù là tỉnh có diện tích, sản lượng trái cây lớn bậc nhất của cả nước nhưng hệ thống cơ sở chế biến chưa được đầu tư, phát triển tương xứng; mối liên kết bền vững giữa sản xuất và chế biến chưa phát triển; các cơ sở công nghiệp chế biến chưa chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu; công nghệ chế biến vẫn còn nhỏ so với năng lực sản xuất (mặt hàng chế biến chủ lực vẫn là khóm).

Cụ thể, hiện nay trên lĩnh vực chế biến trái cây ở địa bàn tỉnh có Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang hàng năm tiêu thụ khoảng 100.000 tấn trái cây tươi với hình thức chế biến trái cây đông lạnh, trái cây đóng hộp, trái cây ép cô đặc; Công ty TNHH Thịnh Phát tiêu thụ khoảng 8.000 tấn sơ ri/năm với chủ yếu sơ chế xuất khẩu tươi và chế biến dạng pure. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số đơn vị sản xuất trái cây nhưng số lượng ít như Công ty TNHH Long Nguyên, Công ty TNHH Hưng Phát.

Hiện nay, các mặt hàng trái cây có sản lượng tương đối lớn và có thể đưa vào chế biến gồm xoài, cam, bưởi, nhãn, chôm chôm. Thế nhưng các loại khóm, nhãn, sa pô đã được đưa vào chế biến dưới dạng nước đường đóng hộp hoặc cô đặc… ước chiếm chưa đến 10%.

 

.
.
.