Thứ Bảy, 06/02/2016, 07:34 (GMT+7)
.

Về "vương quốc" trái cây, nhớ "Quýt Cái Bè nổi tiếng… miền Tây"


Quýt Cái Bè nổi tiếng ngọt ngay
Ai ăn rồi nhớ mãi miền Tây.

Câu hát ấy cứ thôi thúc tôi mãi trong chuyến hành trình về vùng đất quanh năm trái ngọt, nhưng để tìm gặp được những vườn quýt hôm nay thì không phải dễ. Tất cả giờ chỉ còn là ký ức về loại cây ăn trái tạo tiếng vang một thời còn lưu giữ lại trong những người dân trên “vương quốc” trái cây.

NHỚ NHỮNG MÙA TẾT NĂM NÀO 

Thú thật là chúng tôi không đặt nhiều kỳ vọng về chuyến hành trình tìm lại những người đã từng góp phần tạo nên thương hiệu quýt Cái Bè vang danh một thời. Chúng tôi ghé vào Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện với mong muốn “lượm lặt” được một ít thông tin về những người đã từng trồng quýt trên vùng đất quanh năm cây lành trái ngọt, nhưng có phần hơi thất vọng. Trong cái khó lại có cái thuận lợi. Tại đây, qua vài câu trao đổi, hỏi thăm, chúng tôi đã bắt chuyện được với chú Trương Văn Nghĩa, quê ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Đức Tây, người đã từng có nhiều năm trồng quýt.

Nói về nghề trồng quýt một thời của gia đình, chú Nghĩa cho biết, quýt Cái Bè nổi tiếng từ trước giải phóng với chủ yếu trồng các giống quýt Đường, quýt Ta và quýt Tiều Hồng. Lúc đó, cả một vùng đều trồng quýt và chỉ trồng bằng hạt, toàn bón phân hữu cơ. Trong đó, hộ của chú trồng khoảng 1,2 ha quýt. Một năm, quýt cho 2 đợt thu hoạch rộ là mùa tết và mùa khoảng tháng 3 và 4 âm lịch. Mỗi năm đến mùa tết, cả vùng rất nhộn nhịp.

Mỗi vườn có cả chục nhân công hái. Hái xong, quýt được đưa vào bội mang xuống ghe chở ra điểm “tập kết” ở An Hữu, Cổ Cò, chợ nổi Cái Bè... Tại đây, các xe nối đuôi nhau chờ lên hàng. Thời điểm đó không có nhiều thương lái như bây giờ, nhiều nhà vườn thu hoạch quýt rồi đưa thẳng lên Sài Gòn bán, có nhà vườn gởi cho các nhà vựa ở Sài Gòn bán lấy tiền “cò”. Các chủ vựa này trọng chữ tín lắm, họ bán xong gởi tiền về cho nhà vườn.

Thời điểm quýt tết sôi động nhất là từ ngày 23 đến 27 tết. Trồng quýt thời điểm đó cho thu nhập cao lắm, nhiều hộ đã làm giàu nhờ cây trồng này. “Một ngày thu hoạch quýt bán có thể mua được mấy cây vàng. Bán xong mùa quýt tết, chúng tôi không dám về một mình mà mang tiền bỏ vào cái bao để chung với các vật dụng khác, quá giang xe tải về nhằm tránh người nhìn ngó” - chú Nghĩa nhớ lại.

Vườn quýt của anh Ngô Văn Bình, ấp Lương Lễ, xã Mỹ Lương đang vào vụ tết.
Vườn quýt của anh Ngô Văn Bình, ấp Lương Lễ, xã Mỹ Lương đang vào vụ tết.

Chính vì cho thu nhập cao nên cây quýt đã nhanh chóng phát triển thành vùng chuyên canh rộng lớn trải dài từ cách Quốc lộ 1A khoảng 1 km về phía Bắc đến tận sông Tiền. Mỗi khi lũ đến, nhà vườn ra đồng chở rơm về ủ dưới gốc quýt để giữ ẩm cho cây vào mùa khô. Còn phân bón chủ yếu là phân trâu, phân bò, không có hoặc rất ít dùng phân, thuốc hóa học như bây giờ.

Vì thế, cây quýt sống rất lâu, có thể kéo dài đến 20 năm. Nhớ lại cây quýt một thời trên đất Mỹ Lương, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã kể: “Những năm sau giải phóng, quýt là cây trồng số 1 ở Mỹ Lương. Có ấp như Lương Trí, cây quýt chiếm đến 2/3 diện tích sản xuất trên địa bàn ấp. Nhờ trồng quýt mà nhiều hộ từ nghèo vươn lên khá, giàu”.

TIẾC LẮM NHƯNG…

Theo nhiều nhà vườn từng một thời gắn bó với quýt, cuối thập niên 1970, trận lũ lớn làm cho cây ăn trái nói chung và cây quýt nói riêng chết hàng loạt. Sau đó, có nhiều nhà vườn cũng trồng lại cây quýt nhưng dần theo thời gian do nhiều yếu tố khác nhau, diện tích cây trồng này bắt đầu giảm dần.

Con số thống kê của xã Mỹ Lương so sánh cách nay hơn 10 năm đã cho thấy phần nào hiện trạng buồn của loại cây có múi vang danh miền Tây: Diện tích trồng quýt từ khoảng 30 ha đến nay giảm xuống còn 3,2 ha, trong đó chỉ có 0,8 ha chuyên canh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên nhưng theo anh Lê Hoàng Nam, cán bộ nông nghiệp xã Mỹ Lương là do cây khó trồng, cây có xu hướng bị suy kiệt nhanh.

Để hiểu rõ những nguyên nhân này, chúng tôi gặp ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cái Bè và được ông cho biết, thời cực thịnh của quýt Cái Bè trồng chiếm 60 - 70% diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện. Còn bây giờ, quýt được trồng rải rác ở vài hộ nhỏ lẻ.

Ngoài nguyên nhân khó trồng, những năm qua, tuổi thọ của cây quýt ngày càng giảm do xu hướng sử dụng phân, thuốc hóa học trong chăm sóc cây của nhà vườn ngày càng tăng; nhà vườn khai thác quá mức khả năng cho trái làm cho cây suy kiệt và chết nhanh, cây dễ bị nhiễm bệnh.

Đặc biệt những năm gần đây, bệnh vàng lá gân xanh, khô cành, thối rễ lây lan rộng trên cây có múi cũng gây thiệt hại đáng kể cho cây quýt; trong khi đó nhiều giống cây ăn trái khác “xâm nhập” về vùng đất này với đặc tính dễ trồng hơn, năng suất tốt và cho hiệu quả cũng khá cao.

Mặt khác, có thể do qua nhiều năm trồng làm cho đất bị thoái hóa, mầm bệnh lưu tồn nên khi trồng lại cây dễ bị nhiễm bệnh, năng suất không cao… Đó là chưa nói đến hiện nay cây quýt chỉ còn được trồng nhỏ lẻ, rải rác nên thương lái mua cũng rất ít.

Như muốn có một cái nhìn rõ hơn về cây quýt hôm nay ở Cái Bè, chúng tôi đã quyết định tìm gặp một nhà vườn trồng quýt. Phải liên hệ và hỏi thăm nhiều nơi, cuối cùng chúng tôi cũng đã tìm được vườn quýt đang trồng của anh Ngô Văn Bình, ấp Lương Lễ, xã Mỹ Lương. Phải len qua nhiều vườn cây ăn trái, lội bộ sâu vào các liếp vườn, chúng tôi mới đến được vườn quýt của anh.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn quýt trái trĩu cành, anh Bình cho biết, nghề trồng quýt của gia đình được truyền từ đời ông nội, cách nay trên 30 năm. Lúc đó, người ta chỉ trồng quýt bằng hạt, chăm sóc bằng phân hữu cơ nên cây sống lâu, còn bây giờ nhà vườn chủ yếu trồng quýt ghép, phun thuốc, bón chủ yếu bằng phân hóa học và xử lý cây cho trái kéo dài nên tuổi thọ không lâu như trước.

Anh Bình cho biết, so với các loại cây ăn trái khác, trồng quýt cho lợi nhuận không kém, nhưng do đặc tính cây khó trồng, dễ bị bệnh nên nhà vườn ngán ngại. “Giờ mà tìm được vườn quýt như của tôi cũng hơi khó. Anh trai của tôi trước đây cũng có vườn quýt như thế này, nhưng sau 5 năm trồng cây bắt đầu chết dần nên giờ đã chuyển sang trồng cây khác” - anh nói.

“Thế anh sẽ tiếp tục gắn bó với cây trồng này chứ?” - chúng tôi hỏi. “Xong lứa cây này, tôi dự định chuyển sang trồng cam. Bởi, cây quýt cho lá mỏng nên rất nhạy cảm với thời tiết và bệnh. Hiện nay, biến đổi khí hậu làm thời tiết diễn biến bất thường nên trồng quýt sẽ càng khó hơn” - anh Bình cho biết.

Trao đổi về thực trạng quýt Cái Bè, ông Đoàn Văn Son, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè cho biết, vì diện tích trồng quýt quá ít, lại trồng rải rác nên ngành không có thống kê, cũng như chưa có dự án nào liên quan đến phát triển cây trồng này.

Còn Ths. Nguyễn Việt Hoa, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Cái Bè thì cho biết, Hội đã có ý định tiến hành đánh giá tính thích nghi của giống quýt không hạt đang trồng ở địa phương, để từ đó có cơ sở khôi phục, khuyến khích hay khuyến cáo cho người dân trồng. Song do không có kinh phí nên ý định trên chưa thể thực hiện.

NGÔ PHÚ ĐÔNG

.
.
.