Thứ Ba, 05/04/2016, 06:10 (GMT+7)
.

Đưa văn hóa giao thông "thấm" vào giới trẻ

Thực tế cho thấy, một phần không nhỏ giới trẻ hiện nay đang sống thực dụng (sống ảo), ham chơi, chưa có ý thức, trách nhiệm trong cuộc sống. Vì thế, một điều nghịch lý chúng ta vẫn thường thấy đó là: Thanh niên là lực lượng xung kích bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), nhưng theo đánh giá của cơ quan chức năng, thanh niên cũng chính là đối tượng vi phạm và gây tai nạn giao thông (TNGT) nhiều nhất (chiếm 70% tổng số vụ tai nạn). Giải pháp để hạn chế TNGT trong giới trẻ chính là xây dựng văn hóa giao thông cho chính giới trẻ.

Chị Nguyễn Thị Uyên Trang, Bí thư Tỉnh đoàn tuyên dương giới trẻ  tại liên hoan “Tuổi trẻ học đường với văn hóa giao thông”.
Chị Nguyễn Thị Uyên Trang, Bí thư Tỉnh đoàn tuyên dương giới trẻ tại liên hoan “Tuổi trẻ học đường với văn hóa giao thông”.

Thực hiện Cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động, trong thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã triển khai thực hiện sâu rộng với nhiều nội dung thiết thực, cụ thể. Các hoạt động tuyên truyền về ATGT được đẩy mạnh thông qua:  Hội thi “Thanh niên với văn hóa giao thông”, các diễn đàn “Hiểm họa rượu, bia và tai nạn giao thông”. Các cấp bộ Đoàn cũng đã tổ chức cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN), học sinh, sinh viên ký cam kết thực hiện các tiêu chí văn hóa giao thông.

Bên cạnh, các cơ sở đoàn đăng ký đảm nhận, xây dựng hoặc tổ chức ra mắt các mô hình, công  trình, phần việc thanh niên tham gia bảo đảm trật tự ATGT như: xây dựng “Cổng trường ATGT”; tuyến đường không tai nạn giao thông; triển khai thực hiện tuyến đường thanh niên tự quản; bến đò ngang an toàn; đội Thanh niên tình nguyện tham gia hướng dẫn trật tự ATGT tại khu vực các trường học, khu công nghiệp; các buổi tuyên truyền, lồng ghép về ATGT trong sinh hoạt dưới cờ…

Từ những việc làm, biện pháp trên ngày càng có nhiều hình ảnh đẹp, có văn hóa, nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh về thái độ và hành vi của thanh niên khi tham gia giao thông. Từ đó phát huy vai trò của thế hệ trẻ và tổ chức Ðoàn trong việc tham gia tuyên truyền, vận động cộng đồng thực hiện trật tự ATGT, tạo sự chuyển biến căn bản về cách hành xử của các chủ thể khác, góp phần xây dựng nếp sống văn minh trên đường phố.

Mỗi đoàn viên thanh niên là tuyên truyền viên tích cực đảm bảo ATGT.
Mỗi đoàn viên thanh niên là tuyên truyền viên tích cực đảm bảo ATGT.

Tỉnh đoàn vừa tổ chức Liên hoan sân khấu “Tuổi trẻ học đường với văn hóa giao thông”, đã tác động mạnh vào ý thức của giới trẻ. Trong khuôn khổ Liên hoan đã diễn ra các hoạt động: Tổ chức mit-tinh, tuần hành cổ động, tuyên truyền về ATGT trên các trục đường chính của nội ô TP. Mỹ Tho; thực hành các kỹ năng lái xe an toàn (kỹ năng cua vòng, kỹ năng thăng bằng trên ván ép...); tập huấn kiến thức ATGT, thực hành trên máy tập lái xe của Honda Việt Nam, tham gia sân khấu hóa các tiểu phẩm về ATGT sát với thực tế...

Chị Nguyễn Thị Uyên Trang, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: “Liên hoan nhằm tuyên truyền bằng các biện pháp trực quan sinh động đến cán bộ, ĐVTN. Từ đó, mỗi cán bộ đoàn, ĐVTN phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong thực hiện pháp luật về ATGT, trở thành những tuyên truyền viên tích cực; tuyên truyền cho thanh niên địa phương, học sinh ý thức chấp hành nghiêm luật giao thông: không uống rượu bia khi tham gia giao thông; không tham gia đua xe trái phép; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi tham gia giao thông…”.

Tuy nhiên,việc tuyên truyền về ATGT cho ĐVTN, học sinh hiện nay được thực hiện rải rác, chưa có chiều sâu nên hiệu quả còn hạn chế. Những giải pháp tổ chức Đoàn đã và đang triển khai đối với giới trẻ mới chỉ là giải pháp tình thế, giải quyết được phần “ngọn”.

Để giải quyết tận “gốc” của vấn đề đòi hỏi tổ chức Đoàn phải cố gắng hơn nữa, tìm giải pháp căn cơ cho vấn đề bảo đảm ATGT trong ĐVTN. Tại nhiều hội thảo, tọa đàm gần đây, hầu hết ý kiến cho rằng, để giới trẻ thực hiện tốt ATGT cần xây dựng được văn hóa ứng xử chuẩn mực trong giới trẻ với giao thông. Cần có chương trình giáo dục ATGT trong tất cả các cấp học.

Thực tế cho thấy, dù Bộ Giáo dục - Đào tạo đã quy định cấm học sinh đi xe máy đến trường, nhưng hiện tượng học sinh vi phạm quy định này diễn ra rất phổ biến. Đáng nói, hầu hết số học sinh đi xe máy không có bằng lái xe, không đội mũ bảo hiểm cũng có nghĩa là các em chưa được học Luật Giao thông đường bộ một cách đầy đủ.

Về lâu dài, để văn hóa giao thông thực sự “thấm” vào giới trẻ, ngoài sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các trường học và gia đình để các em có nhận thức đúng đắn, tự giác chấp hành thì cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của lực lượng Cảnh sát giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thay đổi phương pháp giáo dục, nâng cao nhận thức cho thanh niên bằng nhiều hình thức trực quan sinh động, có chủ đề, chủ điểm, có tình tiết, hoàn cảnh cụ thể là một việc làm rất cần thiết. Nhân rộng gương điển hình tiêu biểu để tạo sức lan tỏa.

P. MAI

.
.
.