Thứ Sáu, 20/05/2016, 14:25 (GMT+7)
.

Phòng tránh tai nạn điện - không được lơ là

Điện là nguồn năng lượng chính trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của mọi người, song việc sử dụng điện cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm, nếu bất cẩn rất dễ dẫn đến các tai nạn nghiêm trọng. Trong mùa mưa bão sắp tới, người dân cần phải thực hiện các biện pháp an toàn khi sử dụng điện để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra tai nạn điện.

Thi công sửa chữa lưới điện.
Thi công sửa chữa lưới điện.

Nhiều vụ tai nạn thương tâm

Do nhiều người dân vẫn còn chủ quan, không giữ khoảng cách an toàn với lưới điện cao thế nên còn nhiều trường hợp dẫn đến tai nạn. Đơn cử như lúc 13 giờ, ngày 21-12-2013, trong lúc thi công nhà ở cho một hộ dân gần đường điện cao áp 22kV, ông Nguyễn Văn K. (xã Trung An, TP. Mỹ Tho) do không chú ý quan sát trong lúc chuyển thanh sắt lên mái nhà đã vi phạm khoảng cách an toàn với lưới điện, dẫn đến phóng điện, làm ông K. bị bỏng nặng.

Ngoài ra, việc sử dụng điện trong sản xuất nông nghiệp cũng ẩn chứa nhiều nguy hiểm, vì người dân ít kiểm tra độ an toàn của các thiết bị điện, sử dụng các dây dẫn điện bong tróc, không đảm bảo an toàn. Cụ thể, khoảng 9 giờ 30 phút, ngày 20-5-2013, ông Đỗ Phước T. (xã Trung Hòa, huyện Chợ Gạo), trong lúc đang kéo dây điện để đốt đèn xông thanh long, do bất cẩn chạm vào dây dẫn điện tróc vỏ, bị điện giật tử vong.

Cách sơ cứu nạn nhân khi bị điện giật

Khi phát hiện người bị điện giật, trước tiên cần nhanh cắt cầu dao điện. Dùng gậy gỗ khô, ván gỗ, cây nhựa…tách nạn nhân ra khỏi dòng điện. Đặt nạn nhân nằm ở nơi thoáng mát.

Đối với nạn nhân bất tỉnh, không có dấu hiệu thở: Tiến hành hô hấp nhân tạo và ép tim lồng ngực tại chỗ, cho đến khi tự thở được hoặc xác định nạn nhân chắc chắn đã chết thì mới dừng lại.

Đối với nạn nhân còn tỉnh táo: Kiểm tra mức độ tổn thương ở các vị trí nặng hay nhẹ. Đặc biệt, kiểm tra tổn thương nguy hiểm trước như ở đốt sống cổ, bởi những tổn thương này có thể gây liệt nếu không sơ cấp cứu kịp thời, sau đó tiến hành kiểm tra các bộ phận còn lại. Động viên, an ủi để nạn nhân yên tâm và nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

Việc sử dụng điện để đánh bắt cá vô cùng nguy hiểm, pháp luật nghiêm cấm, nhưng nhiều người vẫn còn xem thường.

Ngày 29-9-2014, ông Hà Phước H. (ấp Mỹ Phú, xã Song Thuận, huyện Châu Thành) rà điện bắt cá trong ao nhà, khi hất cá lên bờ, do cán vợt bằng gỗ đã mục nên gãy làm đôi, vợt điện đập vào người giật ông H. dẫn đến tử vong.

Chị Nguyễn Thị Kiều Diễm (con dâu ông H.) kể: “Hôm đó, khoảng 21 giờ, sau khi xong công việc ở quán ăn của gia đình về nhà, tôi không thấy cha chồng ở đâu nên nói chồng mình đi tìm.

Trong lúc tìm kiếm, chồng tôi phát hiện một sợi dây điện vẫn còn cắm điện dẫn ra vườn, đi theo đường điện ấy thì phát hiện cha chồng tôi đã tử vong, tay vẫn còn cầm vợt điện”.

Theo người dân xung quanh cho biết, có thể ông H.bị điện giật lúc 17 giờ vì khoảng 16 giờ 30 phút vẫn còn thấy ông H. đi lại trong vườn. Chị Diễm cho biết thêm, ông H. thường xuyên rà điện trong ao nhà để bắt cá, hôm xảy ra tai nạn chỉ có một mình ông H. ở nhà.

Theo thống kê của Phòng Kỹ thuật - An toàn, Công ty Điện lực Tiền Giang, từ năm 2013 - 2015, toàn tỉnh xảy ra 15 vụ tai nạn về điện, nguyên nhân chủ yếu là do người dân không tuân thủ các biện pháp an toàn khi sử dụng điện, không đảm bảo khoảng cách an toàn với lưới điện cao thế, sử dụng điện để rà cá, bẫy chuột, không kiểm tra thay thế dây dẫn điện theo định kỳ… dẫn đến nguy hiểm cho người dân.

Phòng tránh tai nạn điện trong mùa mưa

Trước mùa mưa bão sắp đến, để đảm bảo an toàn khi sử dụng điện, Phòng Kỹ thuật - An toàn, Công ty Điện lực Tiền Giang khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau đây để hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn điện trong mùa mưa bão:

Kiểm tra đường dây sau điện kế, chỉnh sửa các trụ điện nghiêng, kiểm tra sửa chữa băng cách điện bị hỏng, bong tróc nơi dây điện, hạn chế ra đường khi mưa bão, không chạm vào cột điện, dây chằng cột điện khi trời mưa để phòng điện giật.

Thường xuyên kiểm tra đường dây; thiết bị đóng ngắt và các thiết bị điện khác. Nếu phát hiện có rò rỉ điện phải ngưng sử dụng để sửa chữa hoặc thay thế, không được sử dụng tạm.

Khi chặt cây, tỉa cành hoặc thi công các công trình gần đường dây điện cao thế phải có các biện pháp che chắn, đảm bảo khoảng cách an toàn với lưới điện, để đảm bảo không bị phóng điện gây nguy hiểm.

Khoảng cách an toàn cụ thể như sau: 22 kV: 2 m; 110 kV: 4 m; 220 kV: 6 m; 500 kV: 8 m. Không được đến gần trụ điện ngã, dây điện đứt, mà phải thông báo cho mọi người xung quanh, liên lạc ngay đến đơn vị quản lý vận hành gần nhất để nhanh chóng xử lý, qua số điện thoại của đơn vị in trên hóa đơn tiền điện của khu vực đó.

Lắp đặt cầu chì, cầu dao, ổ điện… ở nơi khô ráo, tiện sử dụng, cách sàn nhà 1,4 m để tránh xa tầm tay trẻ em. Không cắm thẳng dây điện vào ổ điện mà phải dùng phích cắm. Không đứng nơi ẩm ướt để đóng cắt điện. Lau tay khô ráo khi chạm vào dây dẫn hoặc thiết bị điện. Khi rút phích cắm điện phải nắm vào phần vỏ nhựa của thân phích cắm, không được nắm vào dây dẫn điện.

Không phơi quần áo, treo móc các vật dụng lên dây dẫn điện. Không để thiết bị điện có phát nhiệt như bàn ủi, bếp điện… ở gần vật dễ cháy. Khi rời khỏi nhà nên cắt cầu dao chính. Tuyệt đối không sử dụng điện để rà cá, bẫy chuột, chống trộm.          

CAO THẮNG

.
.
.