Thứ Hai, 25/07/2016, 10:44 (GMT+7)
.

Thực trạng và giải pháp phát triển vùng chuyên canh khóm

Tân Phước là vùng chuyên canh khóm lớn của tỉnh. Hiệu quả kinh tế từ trồng khóm đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Song, đến vùng chuyên canh khóm chúng tôi bắt gặp không ít nỗi niềm trăn trở.

Khóm Tân Phước có thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Duy Sơn
Khóm Tân Phước có thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Duy Sơn

DIỆN TÍCH TĂNG

Diện tích trồng khóm toàn huyện hiện tại 16.346 ha, tăng 200 ha so với đầu năm 2016. Diện tích khóm tăng là do người dân chuyển đổi diện tích từ trồng tràm, lúa kém hiệu quả sang trồng khóm.

Chú Trương Dũng, ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa Đông, có 20 năm trồng khóm cho biết, trước đây vùng này trồng tràm, bàng. Do đất nhiễm phèn nên năng suất tràm, bàng thấp, thế là một số nông dân bắt đầu chuyển sang trồng khóm. Thấy trồng khóm hiệu quả, nông dân bắt đầu mở rộng diện tích. Nhờ vậy, diện tích trồng khóm của xã Tân Hòa Đông không ngừng tăng lên, hiện có 2.158 ha.

8 công đất khóm xen canh đậu phộng của anh Trang Hữu Thành, ấp Mỹ Thiện, xã Thạnh Mỹ cho hiệu quả khá cao. Anh Thành cho biết: “Tuy giá khóm không ổn định, nhưng anh vẫn đầu tư trồng khóm, bởi từ lâu cây khóm giúp gia đình anh tăng thu nhập, có điều kiện lo cho các con ăn học.

Thời gian qua, được tham gia các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật (KH-KT) do Hội Nông dân xã tổ chức, anh đã mạnh dạn trồng xen đậu phộng, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình, vừa làm đất tơi xốp hơn, giúp cho việc trồng khóm vụ mới đạt năng suất cao”.

Mỹ Phước là xã có diện tích trồng khóm lớn nhất huyện với 2.689 ha. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết:

“Đa số nông dân Mỹ Phước đều có diện tích khóm. Cây khóm là nguồn thu nhập chính của nhiều nông dân trong xã. Rất nhiều nông dân thoát nghèo, không ít hộ vươn lên khá giàu, trở thành nông dân sản xuất giỏi các cấp từ cây khóm. Trong đó, phải kể đến những tỷ phú vùng khóm như ông Đặng Văn Hòa ở ấp Mỹ Thành với hơn 20 ha, bà Lê Thị Túng ở ấp Mỹ Tường với hơn 11 ha chuyên canh khóm”.

NĂNG SUẤT GIẢM

Diện tích trồng khóm tăng, nhưng năng suất khóm trong nhiều năm trở lại đây lại giảm do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Nhiều diện tích khóm già cỗi cho năng suất thấp. Bên cạnh, do điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng, độ phì nhiêu trong đất giảm, dẫn đến năng suất cũng như chất lượng khóm của vùng chuyên canh ngày càng giảm.

Khi khóm tăng giá, thương lái đến tận ruộng để mua.
Khi khóm tăng giá, thương lái đến tận ruộng để mua.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và nhiều người dân cố cựu ở đây cho biết: Trước đây vòng đời của khóm từ 7 - 9 năm, nhưng vài năm trở lại đây, chỉ sau 2 - 3 năm trồng là khóm đã già cỗi, người dân buộc phải cải tạo, trồng lại, rất tốn kém.

Nông dân Lê Văn Neo, xã Tân Lập 1 có 20 năm trồng khóm trăn trở: “Năng suất khóm giảm một mặt là do thời tiết, sâu bệnh bùng phát; mặt khác, độ phì nhiêu trong đất đã giảm rất nhanh. Một số vùng đất của Tân Phước không còn thích hợp cho cây khóm, người dân muốn trồng khóm phải đầu tư cải tạo rất tốn kém”.

Nắng hạn kéo dài, đất trồng khóm khô khốc kéo theo khóm bị bệnh nên cây mau xuống sức. Ông Cao Văn Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Mỹ cho biết: “Trước đây, khóm tơ cho thu hoạch một năm trên 20 tấn/ha, nhưng những năm trở lại đây chỉ đạt từ 17 - 18 tấn/ha. Bên cạnh, trọng lượng trái cũng giảm đáng kể, khóm từ 1,2 kg trở lên rất ít”.

Sâu bệnh xuất hiện trên cây khóm ngày càng nhiều hơn. Nguyên nhân theo người dân là do nguồn nước ô nhiễm ngày càng tăng, thời tiết thất thường... Trong khi đó, giá khóm bấp bênh, không ổn định. Thu nhập người dân vì thế cũng bấp bênh theo giá khóm. Song song đó áp lực giá phân, thuốc tăng cao và liên tục đã đưa người trồng khóm vào thế khó khăn.

Đến vùng chuyên canh khóm, chúng tôi bắt gặp tâm trạng lo âu của những nông dân nơi đây khi giá phân, thuốc trên thị trường đang tăng liên tục. Ông Huỳnh Tấn Khoa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện bày tỏ:

“Giá khóm lên xuống  thất thường, trong khi đó đầu ra cũng không ổn định. Năm nào khóm có giá thì nông dân phấn khởi. Năm nào rớt giá nhiều nông dân phải chịu lỗ. Mấy tháng nay, giá khóm ở mức cao, nông dân Tân Phước chỉ mong giá khóm giữ ở mức ổn định như hiện nay”.

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN

Xác định khóm là cây trồng chủ lực của huyện Tân Phước, thời gian qua, các ngành hữu quan của tỉnh đã tích cực hỗ trợ địa phương hoàn thiện cơ sở hạ tầng: Giao thông, thủy lợi, đê bao ngăn lũ kết hợp trạm bơm điện tưới tiêu cho vùng chuyên canh khóm… đã giúp hàng hóa nông sản tiêu thụ thuận lợi, được giá, an sinh xã hội đảm bảo.

Hiện nay, 100% diện tích khóm chuyên canh đều có đê bao ngăn lũ bảo vệ, không chỉ đảm bảo phòng tránh thiên tai mà còn giúp chủ động nguồn nước tưới tiêu, thuận tiện để áp dụng KH-KT thâm canh theo hướng GAP. Kiện toàn cơ sở hạ tầng giao thông - thủy lợi phục vụ vùng chuyên canh để gắn kết giữa sản xuất, tiêu thụ và chế biến xuất khẩu một cách chặt chẽ…

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Tân Phước hiện có khoảng 40% diện tích khóm già cỗi cần phải cải tạo, trồng mới, tập trung ở các xã: Hưng Thạnh, Tân Lập 1, Tân Lập 2. Vì thế, để tăng năng suất cho cây khóm, nông dân cần cải tạo lại diện tích, cũng như chuyển đổi cây trồng không hiệu quả sang trồng khóm để tăng diện tích. Bên cạnh, phải tăng cường quảng bá thương hiệu, tạo đầu ra cho sản phẩm để nông dân yên tâm sản xuất.

Hiện nay, diện tích khóm được công nhận VietGAP của vùng chuyên canh Tân Phước còn quá khiêm tốn. Từ mô hình trên, trong các năm tới Tân Phước cần nhân rộng, tích cực mở rộng diện tích khóm VietGAP.

Để đạt kết quả, cần thiết phải mời gọi, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực bao tiêu sản phẩm, gắn kết nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học, Nhà nước theo chủ trương “liên kết 4 nhà”. Có như thế mới có thể tiến tới hình thành vùng trồng khóm chuyên canh rộng lớn mang hàm lượng khoa học - công nghệ cao, hướng đến xuất khẩu trên Đồng Tháp Mười.

PHƯƠNG MAI

.
.
.