Thứ Tư, 24/08/2016, 15:07 (GMT+7)
.

Cần cái "bắt tay" chặt chẽ để trái cây đồng bằng vươn ra biển lớn

Bài 1: Gian nan trái cây đồng bằng
Bài cuối: Cần cái "bắt tay" chặt chẽ để trái cây đồng bằng vươn ra biển lớn

Vấn đề liên kết là cực kỳ quan trọng. Đây chính là chìa khóa của sản xuất hàng hóa. Còn nếu không liên kết được thì các mặt hàng nông sản không thể vươn ra thị trường xuất khẩu được. Để liên kết sản xuất hiệu quả, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền ở địa phương, cần cái “bắt tay” chặt chẽ giữa các vùng, các địa phương và các tỉnh thành với nhau.

Giải bài toán đầu ra

“Tổ chức như thế nào và thực hiện ra sao để đảm bảo được đầu ra cho nông sản thì nông dân thích thôi” - Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Của, THT sầu riêng Bình Hòa B (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy). Theo ông Của, nông dân trồng sầu riêng theo quy trình GlobalGAP rất khó khăn nhưng khi thu hoạch thì “bán đổ, bán tháo” cho thương lái, giá cả trong mô hình ngang bằng với giá ngoài mô hình. Chính điều đó, nông dân chán nản, quay lại phương thức sản xuất truyền thống và xin ra khỏi mô hình.

Nhiều loại trái cây nổi tiếng của Tiền Giang được triển lãm tại MDEC - Hậu Giang 2016.
Nhiều loại trái cây nổi tiếng của Tiền Giang được triển lãm tại MDEC - Hậu Giang 2016.

Ông Dương Cánh Dân, THT kinh tế vườn Hòa Lợi (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, Nhà nước và doanh nghiệp cần hỗ trợ THT các vấn đề quan trọng và cần thiết như xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bao tiêu chặt chẽ trên cơ sở các đối tác cùng có lợi… 

Đồng quan điểm, nông dân Vu Suổi (xã Hỏa Tiến, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) cũng cho biết, phải có sự liên kết trong sản xuất trái cây để tăng giá trị sản phẩm. Ông Suổi có 6 ha khóm Cầu Đúc - một thương hiệu trái cây nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang, mỗi năm đạt sản lượng từ 90 - 120 tấn trái, trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng.

Hiện bà con vùng chuyên canh như ông phải “tự sản, tự tiêu” là chính. Vào lúc thu hoạch rộ, nông dân còn phải chạy tìm thương lái, thậm chí đem sản phẩm bán lẻ tại các chợ nông thôn, phần khác cung cấp cho các nhà máy chế biến nhưng không nhiều. Đó là những nguyên nhân tác động giá khóm có lúc xuống rất thấp.

“Nhà nước cần đầu tư thêm nhà máy chế biến sản phẩm, tăng cường mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp (DN), chuyển giao kỹ thuật thâm canh… nhằm bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản, bà con hưởng lợi, an tâm sản xuất” - ông Suổi kiến nghị.

Trao đổi với nông dân tại một diễn đàn mới đây tại Tiền Giang, TS. Nguyễn Hữu Đạt (Hiệp hội Rau quả Việt Nam) cho rằng: “Chúng ta cần phát huy vai trò DN trong liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Có vậy mới giúp ngành cây ăn trái phát triển mạnh, bền vững, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội”.

Qua trao đổi, bà Nguyễn Thị Hồng Dung, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu Bảy Ngũ Hiệp cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhưng với điều kiện nông sản đó phải đạt chất lượng và đủ số lượng.

Vì thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đã chấp nhận cho trái cây Việt Nam được nhập khẩu như thanh long, chôm chôm, bưởi, chuối… Đây là những thị trường lớn, bán được giá cao nhưng đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Vì vậy, chúng tôi mong rằng DN và nông dân cần nhận thức rõ được tầm quan trọng của sự liên kết để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá thành hạ”.

Theo ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để đảm bảo sản xuất xanh và bền vững, việc liên kết lớn trong sản xuất trái cây là hướng đi tất yếu. Bên cạnh đó vai trò của Nhà nước trong giai đoạn đầu như các cơ chế chính sách, quy hoạch, đầu tư khoa học, hỗ trợ chính sách vốn, thị trường để tăng thêm sức cạnh tranh cho sản phẩm là hết sức cần thiết. Nếu thực hiện tốt việc liên kết, nông dân trồng trái cây vùng ĐBSCL sẽ có thu nhập tốt hơn.

Liên kết lại với nhau

Muốn trái cây đồng bằng phát triển, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém cũng như phát huy những ưu điểm đã đạt được. Trao đổi về vấn đề làm sao để đưa trái cây đồng bằng vươn ra biển lớn, PGS.TS Trần Văn Hâu, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ bộc bạch:

“Việc xử lý ra hoa nghịch vụ còn mang tính tự phát, dẫn đến được mùa nhưng mất giá, sản xuất thiếu định hướng. Tuy đã thành lập Ban chỉ đạo rải vụ nhưng việc vận hành còn chậm, mang tính địa phương và chưa đi vào thực tiễn sản xuất, chưa có giải pháp thích hợp để vận hành mang tính liên kết vùng, bền vững, không thể điều tiết sản xuất.

Chúng ta có nhiều chủng loại trái cây rất ngon, có thương hiệu, rất nổi tiếng trong nước, nhưng chưa được thị trường thế giới biết đến. Nguyên nhân do công tác tiếp thị chưa đủ, thông tin thị trường chưa được nghiên cứu kỹ, chưa cập nhật về chủng loại, thị trường, thời gian cung ứng, đối thủ cạnh tranh trên thế giới… Đặc biệt là ở mức độ nông hộ, người dân hoàn toàn thiếu thông tin thị trường. Chính vì vậy, việc điều tiết sản xuất gặp nhiều khó khăn và thiếu tính định hướng”.

Vấn đề quan trọng là phải thực hiện tốt việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất giữa các địa phương với nhau thành vùng sản xuất hàng hóa có định hướng, có điều tiết và quản lý tốt. “Ở đây, vai trò của nhạc trưởng có ý nghĩa quyết định sự thành bại của liên kết sản xuất và điều tiết rải vụ, nhạc trưởng phải điều tiết được tất cả các địa phương trong vùng cho sản phẩm đó…” - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam khẳng định.

Tuy giữa các tỉnh, thành ĐBSCL cũng có những điểm khác biệt mang tính đặc thù riêng, nhưng nhìn chung về những điểm cơ bản như hình thức tổ chức sản xuất, chủng loại hàng hóa, thị trường tiêu thụ có những điểm rất tương đồng. Vì vậy, trái cây đồng bằng muốn vươn ra biển lớn phải cần những cái “bắt tay” thật chặt giữa các nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN, nhà nông) và các tỉnh, thành  ĐBSCL với nhau.

SĨ NGUYÊN

.
.
.