Thứ Hai, 26/09/2016, 15:12 (GMT+7)
.

Vài suy nghĩ về liên kết Tiểu vùng Đồng Tháp Mười

Ngày 30-8-2016, Văn phòng Chính phủ có Công văn 6345/VPCP-V.III thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Đồng Tháp chủ trì, phối hợp với các tỉnh Tiền Giang, Long An và các cơ quan liên quan chủ động xây dựng Đề án “Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Đồng Tháp Mười” gắn với việc triển khai Quyết định 593/QĐ-TTg ngày 6-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ “Ban hành quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2016 - 2020”.

Vùng đất nhiều tiềm năng

Theo sử liệu, tên gọi Đồng Tháp Mười (ĐTM) xuất hiện từ đầu thế kỷ 19. Đây là vùng đất nằm ở hạ lưu sông Tiền. Đồng Tháp Mười có địa hình trũng như lòng chảo, đất đai nhiễm phèn, chỉ có cỏ lác mọc thành đồng.

Mỗi năm nơi đây phải hứng chịu 6 tháng nước lũ tràn về biến thành “rốn lũ”, rồi đến 6 tháng nắng hạn khiến cho đồng ruộng cạn kiệt nước đến độ không thể trồng được cây gì nên đành phải bỏ đất hoang. Ngay cả khi thực dân Pháp xâm chiếm miền Nam, đưa chuyên gia xuống nghiên cứu để thực hiện ý đồ khai thác, nhưng rồi phải trở về trong bất lực vì cho rằng ĐTM không thể trồng được lúa.

Cánh đồng mẫu ở Tân Phước. Ảnh: Nguyên Chương
Cánh đồng mẫu ở Tân Phước. Ảnh: Nguyên Chương

Sau ngày giải phóng, ĐTM vẫn còn là vùng đất ngập nước của ĐBSCL có tổng diện tích trên 697 ngàn ha (chiếm 17,7% diện tích đất tự nhiên khu vực ĐBSCL), trải rộng ở 3 tỉnh Tiền Giang, Long An và Đồng Tháp; đất mênh mông nhưng còn hoang dại, phèn nặng, dân cư thưa thớt, hệ thống thủy lợi tưới tiêu gần như không có gì, chỉ là những con sông, rạch thiên nhiên.

Từ thập niên 1980, đồng chí Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ đang là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp để bàn biện pháp cải tạo vùng đất này, trên cơ sở đó, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 3 tỉnh, ông đã chỉ đạo thực hiện thành công chương trình “sống chung với lũ” và “thoát lũ ra biển”, giúp thoát lũ, dẫn ngọt, tháo chua, rửa phèn, khai hoang, phục hóa hàng trăm ngàn ha đất, và vùng đất này bấy giờ đã được ví như “con hổ thức giấc” (riêng Tiền Giang có hơn 30 ngàn ha được đánh thức tiềm năng), nhanh chóng thay đổi diện mạo trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa nước ta từ một nước thiếu lương thực thành một trong những nước xuất khẩu gạo, thủy sản, trái cây quan trọng trên thế giới.

Thực tiễn thời gian qua cũng cho thấy, trong tiến trình phát triển thì 3 tỉnh có những cơ hội và điểm mạnh như: Xuất phát từ địa mạo, trầm tích, đất, nước và các yếu tố khác đã hình thành những cảnh quan tự nhiên với các hệ sinh thái đặc trưng, tương đồng cả về chế độ thủy văn và ngập lũ hàng năm, đặc biệt là tương đồng về sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là lúa, trái cây và thủy sản.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng có tiềm năng về phát triển nông nghiệp và du lịch sinh thái với sản phẩm đa dạng, đặc thù như: Ramsa Tràm Chim - Láng Sen, Khu bảo tồn sinh thái ĐTM, xoài cát Hòa Lộc, các cây có múi giá trị kinh tế cao…; vùng đất có sức hút đầu tư, kể cả nhiều tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, JICA và các chính phủ Úc, Nhật, Hàn Quốc… cũng rất quan tâm vùng đất này; đặc biệt, hiện 3 tỉnh cũng đang tập trung xây dựng đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng liên kết xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng và thương hiệu nông sản. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trên thì cũng còn những mặt hạn chế, khó khăn.

Trước hết là tài nguyên thiên nhiên ngày càng khó khăn, nhất là vấn đề sử dụng đất (một phần do đã có thời kỳ chúng ta tập trung mô hình phát triển nông nghiệp theo chiều rộng, nghiêng về số lượng hơn chất lượng…), tiếp đến cái khó thứ hai là vấn đề nguồn nước trước tác động của biến đổi khí hậu, rồi tình trạng độc canh cây lúa, nông dân sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, diện tích đất nông nghiệp/nông hộ ngày càng hẹp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn ít, sau này tuy có nghiên cứu phát triển chuỗi giá trị nông sản nhưng nhìn chung còn “đứt đoạn” (chưa hoàn chỉnh), hàm lượng khoa học - công nghệ trong chuỗi chưa nhiều, chậm xây dựng thương hiệu… cũng làm chậm phát huy tiềm năng tiểu vùng, trong đó 2 yếu tố “đất” và “nước” là những vấn đề tác động rất lớn đến tiến trình phát triển của tiểu vùng nói chung và từng tỉnh nói riêng, chưa kể vấn đề hạ tầng cơ sở chưa tương xứng với tiềm năng vùng, hay như nhiều chuyên gia đã nhận định về ĐBSCL (trong đó có Tiểu vùng ĐTM) vẫn còn là “vùng trũng” về giáo dục, nguồn nhân lực có chất lượng và cả về năng suất lao động...

Vài suy nghĩ về giải pháp cho tiểu vùng…

Thật ra, những điểm yếu của tiểu vùng (cũng như cả vùng ĐBSCL) và những vấn đề trọng tâm của vùng cũng đã được phân tích khá thấu đáo qua 9 lần tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC), thậm chí có những nội dung được lập lại và làm rõ hơn, sâu hơn trong những lần tổ chức các cuộc Diễn đàn MDEC sau, nhất là vấn đề liên kết vùng (gần như MDEC nào cũng đề cập tới), hay vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế có mời cả các tổ chức, cơ quan nước ngoài dự, vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu hội thảo mời cả các chuyên gia quốc tế; rồi thì đề xuất các khâu đột phá phát triển hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, đào tạo nguồn nhân lực…, qua đó đã có sự điều chỉnh hợp lý về công tác phối hợp và về cách tiếp cận các vấn đề đặt ra chung của vùng. Thiết nghĩ, đây cũng là những thông tin quan trọng, cần được tổng hợp, nghiên cứu trong giải pháp cho mục tiêu phát triển bền vững Tiểu vùng ĐTM.

Để khai thác tốt tiềm năng vùng ĐTM, tạo điều kiện huy động nguồn lực bên ngoài vào tiểu vùng và cho từng tỉnh, gắn với những kết quả nghiên cứu trên, việc nghiên cứu xây dựng hẳn 1 đề án về liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng ĐTM trong tổng thể liên kết vùng ĐBSCL và cả với đô thị hạt nhân TP. Hồ Chí Minh là rất cần thiết, trong đó quan trọng là liên kết về phát triển hạ tầng - nhất là giao thông, thủy lợi; liên kết bảo vệ và khai thác tài nguyên nước; liên kết quy hoạch - phân công vùng sản xuất; liên kết mời gọi, xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch, xây dựng chuỗi ngành hàng và thương hiệu nông sản, kể cả các liên kết trong nghiên cứu, phản hồi (kèm đề xuất) chính sách cho Chính phủ và các nhà tài trợ quốc tế quan tâm đến tiểu vùng…

Và rằng, tất cả các liên kết dẫu là gì chăng nữa thiết nghĩ nên đảm bảo các nguyên tắc: (1) Xuất phát từ yêu cầu (nhu cầu) thực tiễn, (2) Các bên (3 tỉnh) - và toàn vùng phải đều có lợi; (3) Phù hợp quy luật tự nhiên (thiên nhiên) và điều kiện kinh tế - xã hội của vùng và từng địa phương; (4) Thu hút được sự tham gia của cộng đồng dân cư từ cơ sở và cả sự tham gia của các nhà khoa học, các doanh nghiệp.

Điểm thứ tư này theo chúng tôi là cực kỳ quan trọng, ví dụ, không thể nói “liên kết” mà 2 nông hộ sát cạnh nhau, một hộ trồng lúa đặc sản, chất lượng cao - thậm chí “vào” GAP, mà một hộ cứ giống lúa hàng hóa thông thường mà…làm tới, không cần biết “quy hoạch vùng sản xuất” hay GAP là gì (!?), hay một hộ trồng lúa, một hộ nuôi tôm sát cạnh nhau…

Nông dân huyện Tân Phước thu hoạch khoai mỡ. Ảnh: Thu Vân
Nông dân huyện Tân Phước thu hoạch khoai mỡ. Ảnh: Thu Vân

Thiết nghĩ, để làm được các việc trên, điều trước tiên chính là 3 tỉnh cần khẳng định quan điểm, tiếng nói chung, đồng thuận và thống nhất hành động vì sự phát triển của không chỉ của địa phương, của tiểu vùng mà còn là phát triển chung của cả vùng ĐBSCL.

Bên cạnh việc triển khai nghiêm túc từng nhiệm vụ được phân công trong Quyết định 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016 - 2020 (Bộ nào, ngành nào, địa phương nào phải làm gì, phối hợp với nhau ra sao trong tổ chức thực hiện... được quy định tại Chương III của Quy chế), thì việc đầu tiên là cần có 1 cơ quan đầu mối (hoặc Tổ công tác liên ngành bao gồm lãnh đạo một số bộ và 3 địa phương) đứng ra tập hợp được sự quan tâm, hợp tác của các nhà khoa học từ các viện, trường, các chuyên gia tư vấn, các doanh nghiệp tâm huyết và có kinh nghiệm về ĐTM để cùng vào cuộc (kể cả các chuyên gia, doanh nghiệp “bên ngoài”tiểu vùng).

Song song đó, cũng cần tập hợp các nghiên cứu đã có về vùng, như: Đề án liên kết vùng ĐBSCL về phát triển sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, trái cây, thủy sản; xây dựng Cổng thông tin quảng bá (hoặc Sàn giao dịch) nông - thủy sản; kết nối các tuor, tuyến du lịch sinh thái đặc trưng của tiểu vùng; vấn đề tăng trưởng xanh; nghiên cứu áp dụng đại trà các nghiên cứu vừa được trưng bày tại Hội thảo về các giải pháp kiểm soát mặn, trữ nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh tại Diễn đàn MDEC Hậu Giang 2016 như:

Mô hình thiết bị lọc nước uống, mô hình xử lý xói lở đất, mô hình hệ thống tưới tiết kiệm nước, mô hình công nghệ mới trong phát triển chuỗi giá trị sản xuất trong lĩnh vực lúa gạo và thủy sản do Bộ Khoa học và Công nghệ giới thiệu… Đặc biệt, về nguồn lực thực hiện, ngoài 5 nguồn lực (vốn) được đề cập trong Quy chế thì việc nghiên cứu cơ chế tự tạo nguồn lực cho tiểu vùng trong triển khai các liên kết cũng là điểm cần quan tâm.

Từ chỉ đạo của Chính phủ, việc xây dựng đề án phát triển tiểu vùng theo hướng liên kết toàn diện bằng các chương trình, dự án cụ thể hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nếu được triển khai hiệu quả, liệu có quá không nếu tin rằng “cú đột phá” của thập niên 1980 sẽ một lần nữa được lập lại ở một bình diện mới, vùng ĐTM sẽ lại bật dậy, vươn lên ở một thời kỳ mới sau một thời gian dài khá yên ắng...

PHÙNG QUỐC ANH

.
.
.