Thứ Hai, 20/02/2017, 14:59 (GMT+7)
.

Chuyện mặc áo phao khi đi đò: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra

Mặc dù từ ngày 1-7-2016, theo quy định của pháp luật sẽ xử phạt đối với những trường hợp không mặc áo phao mỗi khi đi đò; thế nhưng, tại các bến đò trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện nay, nhiều chủ phương tiện và hành khách vẫn phớt lờ quy định này.

Hành khách không mặc áo phao, vô tư ngồi trước mũi đò.
Hành khách không mặc áo phao, vô tư ngồi trước mũi đò.

Phớt lờ quy định 

Bến đò Song Thuận chạy trên tuyến sông Tiền, nối liền xã Song Thuận (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) với xã Phú Túc (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) luôn có phương tiện qua lại đông đúc, bởi nó là con đường đi tắt của người dân từ tỉnh Tiền Giang sang tỉnh Bến Tre.

Có mặt tại bến đò trên địa phận xã Song Thuận, tỉnh Tiền Giang chiều ngày 12-2, chúng tôi thấy tại bến đò có trang bị bảng nội quy, trong đó có dòng chữ: “Đi đò phải mặc áo phao”. Thế nhưng trên chuyến đò số hiệu TG - 1473 đầy ắp hành khách đang chuẩn bị xuất bến, theo quan sát của chúng tôi thấy không một ai thực hiện quy định trong nội quy trên. Ngay cả chủ đò cùng nhân viên trên đò cũng không mặc áo phao. Đáng nói hơn, một số hành khách bất chấp cả nguy hiểm, vô tư ngồi ngay trước mũi đò. Khu vực sông Tiền có rất đông tàu, thuyền qua lại, mỗi khi có gió lớn, sóng thường đánh rất mạnh làm đò chao đảo. 

Trả lời thắc mắc của chúng tôi, anh Phong, một hành khách đi đò cho biết, thời gian qua, anh không hề biết có quy định nào xử phạt người đi đò mà không mặc áo phao. Anh nghĩ nếu có xử phạt thì người bị phạt phải là chủ đò chứ không phải hành khách.

Tại bến đò Thới Sơn, áo phao được treo trên kệ bám đầy bụi bặm.
Tại bến đò Thới Sơn, áo phao được treo trên kệ bám đầy bụi bặm.

Còn tại bến đò Thới Sơn nối xã Bình Đức (huyện Châu Thành) với xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho), mặc dù chủ đò có trang bị áo phao và dụng cụ nổi, thế nhưng tất cả được cất ngăn nắp trên kệ, trông rất cũ kỹ và bám nhiều bụi bặm. Bến đò này hoạt động với tần suất rất lớn, hằng ngày chuyên chở nhiều học sinh và người dân qua lại, thế nhưng chủ đò và hành khách vẫn thờ ơ với quy định mặc áo phao. “Tôi biết là nguy hiểm nhưng mặc áo phao rất bất tiện vì vừa mặc vào chưa được bao lâu là đò đã cập bến. Với lại nhiều áo phao rất hôi và bẩn nữa nên khi đi đò tôi thường chọn chỗ nào có phao cứu sinh rồi vịn tay vào để tránh bị phạt” - chị Hạnh (ngụ xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho) chia sẻ.

Tại bến phà Tân Long (thuộc TP. Mỹ Tho) và bến phà Lộ Vàm (xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo), theo quan sát của chúng tôi vẫn là những hình ảnh tương tự như 2 bến đò trên, dù chủ đò đã có trang bị áo phao treo 2 bên thành đò, thế nhưng vẫn không có hành khách nào chịu mặc áo phao.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra

Thống kê từ Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 113 bến đò ngang, đò dọc hoạt động. Từ khi quy định xử phạt đối với hành khách, chủ đò, phà có hành khách không mặc áo phao qua sông có hiệu lực, Thanh tra GT-VT tỉnh thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức nhiều cuộc tuần tra, kiểm soát và tuyên truyền đến các chủ bến đò cùng hành khách về việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) đường thủy.

Theo kết quả kiểm tra của Thanh tra GT-VT tỉnh vào tháng 9-2016 cho thấy tình hình trật tự ATGT đường thủy trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có nhiều chuyển biến tích cực đáng ghi nhận. Các quy định về đăng ký, đăng kiểm, điều kiện thuyền viên được các chủ phương tiện tuân thủ chấp hành, không có trường hợp nào vi phạm. Tuy nhiên, qua kiểm tra tại một số bến đò, phà trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó vẫn còn tình trạng hành khách không tuân thủ việc mặc áo phao hoặc mang dụng cụ nổi cứu sinh mỗi khi đi đò. Có thể kể đến nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như do khoảng cách di chuyển quá ngắn, áo phao cứu sinh trang bị sơ sài, quá bẩn….,  chính những điều này đã khiến người dân còn e ngại trong việc mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi mỗi khi qua đò, phà.

Khoản 1, 2 Điều 27, Nghị định 132/NĐ/2016/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông.

Ông Huỳnh Văn Nguyện, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết, để đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa, trong thời gian tới Sở sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng địa phương thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về ATGT đường thủy nội địa. Ngoài ra, Sở cũng đề nghị các chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông cần trang bị áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh phải đảm bảo đầy đủ cả về số lượng lẫn chất lượng. 

“Trước khi rời bến, chủ phương tiện phải phát cho hành khách áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh và hướng dẫn cho họ cách sử dụng sao cho an toàn. Trường hợp cần thiết, chủ phương tiện có quyền từ chối chuyên chở những hành khách không chịu chấp hành yêu cầu nêu trên. Trong thời gian tới, ngoài công tác đẩy mạnh tuyên truyền, chúng tôi sẽ tiến hành thường xuyên kiểm tra và sẽ xử phạt thật nghiêm đối với những trường hợp cố tình vi phạm về công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa” - ông Nguyện cho biết thêm.

Để đảm bảo tình hình trật tự ATGT đường thủy trên địa bàn tỉnh, thiết nghĩ ngoài công tác tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở của lực lượng chức năng thì người dân cũng cần nâng cao ý thức hơn trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về việc mặc áo phao, mang dụng cụ nổi cứu sinh mỗi khi di chuyển qua đò, phà.

ĐỖ PHI

.
.
.