Thứ Năm, 23/02/2017, 21:44 (GMT+7)
.

"Hoa nắng" bình dị giữa đời thường

Tôi gọi đồng đội mình là “hoa nắng”! Cách gọi này, không dành riêng cho nữ cảnh sát giao thông (CSGT)  như nhiều người vẫn gọi những bóng hồng duyên dáng làm nhiệm vụ điều hòa giao thông trên phố. Gọi những người làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn giao thông (ATGT) là hoa như một cách mà cá nhân đang muốn gửi yêu thương, trân trọng. Đó cũng là sự nhắc nhở bản thân về quyết tâm công tác, tinh thần gắn bó với lực lượng, nêu cao bản lĩnh vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của ngành và của nhân dân.

Ra quân, tham gia diễu hành giữ gìn TTATGT.
Ra quân, tham gia diễu hành giữ gìn TTATGT.

Mặc dù công việc của lực lượng CSGT không chỉ có làm nhiệm vụ trên đường nhưng hình ảnh dễ thấy và dễ ghi nhận nhất khi nói đến CSGT là công tác tuần tra, điều hòa giữ gìn trật tự ATGT.

Ở Tiền Giang, từ năm 2010, nhiệm vụ này không còn là “đặc quyền” của riêng nam CSGT, mà hình ảnh nữ CSGT trên những tuyến đường đã trở nên thân quen với mọi người. Để “bám trụ” với nhiệm vụ này, ít nhiều các cô phải chấp nhận hy sinh. Bởi, từ khi sương sớm còn vương trên vai áo, các cô đã vào nhiệm vụ. Rồi khi phố lên đèn, họ vẫn còn trên đường. Lễ, tết, các cô lại có mặt tại những chốt giao thông, những điểm vui chơi, giải trí… để cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ. Những ngày nắng nóng, hầu hết phụ nữ ra đường với khăn, khẩu trang che kín mặt, còn nữ CSGT thì ngược lại, vì theo quy định thì họ không thể “che chắn”. Ngoài ra, còn một số áp lực khác như những lời trêu ghẹo khiếm nhã; thái độ khiêu khích của một số đối tượng vi phạm… Để vượt qua được những thử thách đó, nữ CSGT phải trải qua sự rèn luyện nghiêm túc về sức khỏe, sự kiên nhẫn, không ngừng nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và bản lĩnh, kỹ năng xử lý mọi tình huống…

Tương tự, nam CSGT cũng phải đối diện với biết bao vất vả, nhọc nhằn. Giữa trời trưa nắng gắt, cái nóng có khi lên đến 40oC. Nóng dưới mặt đường, nóng từ trên cao “áp đảo”, các anh vẫn phải bám đường, đảm bảo trật tự ATGT.

Ngoài tác động của môi trường làm việc, lực lượng CSGT còn có những thử thách từ tội phạm và người vi phạm. Nhiều đối tượng vi phạm không chấp hành hiệu lệnh, có khi còn quá khích, sẵn sàng chống đối, tấn công lực lượng làm nhiệm vụ. Cụ thể như trường hợp một sĩ quan CSGT Công an huyện Cái Bè đã bị đối tượng tấn công bị thương và nhiều trường hợp khác CSGT trong khi xử lý vi phạm cũng bị người vi phạm tấn công. Sự nguy hiểm còn hiện diện trong các thủ đoạn mua chuộc, tìm mọi cách lôi kéo của tội phạm. Những cạm bẫy luôn giăng ra, có khi công khai, có khi được che đậy dưới nhiều hình thức. Nếu người CSGT thiếu bản lĩnh thì chuyện sa ngã là điều không tránh khỏi. Trên thực tế, điều này đã từng xảy ra ở một số nơi nên để lại “điều tiếng” không hay cho lực lượng CSGT và gây áp lực rất nặng nề đối với CSGT. Hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” ít nhiều làm lu mờ kết quả cống hiến của cả một lực lượng. Với sức ảnh hưởng 2 mặt của truyền thông, lực lượng CSGT được góp ý xây dựng nhiều hơn, hoàn thiện hơn nhưng đồng thời cũng tạo ra cái nhìn sai lệch về CSGT của một bộ phận người dân. Điều này đôi lúc làm ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm của một số CSGT.

Thực tế, từ năm 2010 đến nay, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT đã phát hiện hàng chục vụ trộm tài sản, bắt giữ nhiều đối tượng giao Công an địa phương xử lý. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đã có trên 60 lượt CSGT liêm khiết không nhận hối lộ. Trong công tác xã hội tình nghĩa, CSGT Công an tỉnh đã xây dựng 7 căn nhà đồng đội, 2 căn nhà đại đoàn kết, 2 căn nhà tình thương, 2 căn nhà tình nghĩa, 3 sổ tiết kiệm tặng các gia đình khó khăn với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. Từ năm 2010 đến nay, lực lượng CSGT có gần 200 lượt tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc trong công tác được các cấp khen thưởng…

Thế nhưng, chỉ cần một sơ suất trong công tác, chẳng hạn như: Thiếu kiềm chế trước hành vi khiêu khích của đối tượng vi phạm dẫn đến hành xử không hay, vi phạm quy trình trong công tác hay sa ngã trước cám dỗ của một cá nhân nào đó. Ngay lập tức, kết quả của cả một quá trình công tác, rèn luyện sẽ bị thông tin tiêu cực “che khuất”. Chính vì vậy, người CSGT phải hết sức bản lĩnh, ra sức rèn luyện, tu dưỡng để giữ gìn và phát huy truyền thống, nỗ lực công tác tốt.

Một lần nữa, xin được khẳng định rằng, cách gọi “hoa nắng” không phải để kể đến những khó khăn, vất vả hằng ngày của lực lượng CSGT trên mỗi tuyến đường, vì bên cạnh đó còn có những cám dỗ chực chờ trên mỗi bước đường thi hành nhiệm vụ…, kể cả sức ép dư luận đối với người CSGT. Tuy nhiên, như loài hoa luôn khoe sắc lung linh trong nắng, có sức sống mãnh liệt vượt qua cả những khắc nghiệt, mỗi cá nhân người CSGT sẽ luôn kiên định, bản lĩnh, vững vàng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để góp phần xây dựng hình ảnh, uy tín của lực lượng trong lòng nhân dân.

Trung tá ĐẶNG VĂN CƯỜNG

.
.
.