Thứ Sáu, 24/03/2017, 14:33 (GMT+7)
.

Giá cá tra tăng đột biến: Ai được lợi?

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, giá cá tra nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu (XK) mới chạm ngưỡng 26.000 đồng/kg và có khả năng tiếp tục tăng. Ai sẽ hưởng lợi xoay quanh câu chuyện biến động về giá này?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình hình giá cá tra nguyên liệu tăng nhanh. Phân tích từ đại diện doanh nghiệp (DN) chế biến XK trên địa bàn tỉnh cho thấy, điều đơn giản nhất dẫn đến câu chuyện hiện nay là ít nguyên liệu, khan hiếm nguồn cung trong khi nhu cầu của thị trường tiêu thụ vẫn ổn định. Chẳng hạn, thị trường Mỹ, châu Âu dần mang tính ổn định hơn, riêng thị trường Trung Quốc lại tăng mạnh. Nguyên liệu cá tra khan hiếm cũng bắt đầu từ nhiều lý do. Trước tiên, dư âm của những năm qua còn để lại là người nuôi cá tra không có lãi dẫn đến bỏ trống ao. Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể, lượng cá tra nuôi trong dân chỉ ước khoảng 20%, 80% còn lại là DN chế biến XK tự nuôi để chủ động nguồn nguyên liệu. Chính việc chủ động nguồn nguyên liệu của DN cũng là một trong những nguyên nhân chính làm cho giá cá tra không tăng đột biến trong thời gian dài. Đến một lúc DN tự nuôi cũng lỗ vốn dẫn đến thực trạng là bản thân DN cũng “tóp” lại vùng nuôi. Đặc biệt là trong vòng 3 năm gần đây, DN phải chịu tình trạng lỗ vốn khi đầu tư vào vùng nuôi nên buộc phải giảm sản lượng, diện tích nuôi. Đến khi cả người dân tự nuôi và DN cùng giảm sản lượng, hệ quả là thiếu nguồn nguyên liệu cung ứng.

Giá cá tra tăng đột biến trong thời gian gần đây.
Giá cá tra tăng đột biến trong thời gian gần đây.

Câu hỏi đang được đặt ra là vì sao DN chế biến XK lại giảm sản lượng nuôi trong khi nhu cầu tiêu thụ trên các thị trường vẫn ổn định? Lý giải về thực trạng này, giám đốc một DN chế biến XK thủy sản cho rằng, DN có sản lượng nuôi nhiều, chế biến XK với lượng lớn nhưng giá bán ra lại cứ giảm buộc lòng phải giảm sản lượng nuôi. Cụ thể hơn, vị giám đốc này chứng minh thêm là trong suốt năm 2016, chi phí nuôi 1 kg cá tra XK do DN tự nuôi vào khoảng 21.000 đồng, trong khi giá cá người dân tự nuôi bán ra chỉ dao động từ 18.000 - 19.000 đồng/kg. Thực tế này cho thấy, các DN không đầu tư vào vùng nuôi, mua cá ngoài sản xuất sẽ có lợi thế hơn nên “teo tóp” vùng nuôi lại. Lúc này câu hỏi một lần nữa lại được đặt ra là tại sao DN tự nuôi với quy trình khép kín, lại có chi phí cao hơn người dân tự nuôi? Khi tìm hiểu sâu về thực trạng này, chúng tôi mới nhận thấy rằng, trong một khoảng thời gian tương đối dài, người dân tự nuôi có thể chấp nhận lỗ vốn, vụ này nối tiếp vụ kia, chưa kể được “hà hơi tiếp sức” từ các tổ chức tín dụng, để kỳ vọng cho những vụ sau giá cá sẽ tăng. Đến mức càng nuôi càng lỗ, buộc lòng người dân phải “treo ao” do chi phí đầu tư quá lớn. Trong khi đó, hiện chưa có điều tra, thống kê nào được thực hiện một cách bài bản về sản lượng cá tra hiện có trong khu vực nên khi cả người nuôi và DN đều lỗ vốn, giảm sản lượng đã dẫn đến thực trạng như hiện nay.

Một khía cạnh khác cũng cần được nhìn nhận là tình trạng sản xuất con giống cá tra cũng có nhiều nét tương đồng với sản xuất cá thịt. Nhiều năm qua, sản xuất cá thịt gặp khó khăn, sản xuất con giống cũng cùng chung tình trạng như thế. Rất nhiều người không sản xuất giống cá tra làm cho nguồn cung cấp giống cũng yếu đi. Theo dự báo, việc khan hiếm con giống còn có khả năng kéo dài trong năm 2017, thậm chí đến năm 2018, một phần do ảnh hưởng dây chuyền của thời gian qua, một phần do tác động bất lợi của thời tiết. Khan hiếm con giống tất nhiên sẽ dẫn đến hệ quả là giảm lượng cá thịt, nhà máy tiếp tục thiếu nguyên liệu sản xuất, công nhân thiếu việc làm, trong khi các định phí sản xuất khác không giảm nên nhà máy chế biến thủy sản XK tiếp tục khó khăn “tập 2”. Bởi giá cá tra bên ngoài hiện tăng rất cao, khoảng 26.000 đồng/kg và đến mức nhà máy không thể mua cá ngoài vào để sản xuất do sản lượng trên thực tế không còn bao nhiêu. Thực trạng đang diễn ra là giá cá nguyên liệu tăng cao nhưng nhà máy lại “méo mặt” do không có cá để sản xuất.

Nhiều người đưa ra nhận định, tới đây, có khả năng xảy ra tình trạng “ùn ùn” làm cá giống do hiện tại lãi rất cao (giá từ 40.000 đồng/kg tăng lên 60.000 đồng/kg loại 50 con/kg). Có nguồn con giống dồi dào lại xảy ra tình trạng người dân và DN lại “ùn ùn” thả nuôi do mỗi kg cá thịt hiện tại có thể lãi khoảng 4.000 đồng/kg. Có 2 kịch bản có khả năng xảy ra là nếu tiếp tục thiếu nguồn cá giống, DN tiếp tục khó khăn nguồn nguyên liệu; còn con giống tới đây dồi dào sẽ dẫn đến lượng cá thịt lớn, chắc chắn lặp lại câu chuyện dư thừa nguyên liệu, tiếp tục xảy ra tình cảnh “được mùa mất giá”.

Đánh giá về thực trạng hiện nay, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc GODACO cho rằng, câu chuyện đang được đặt ra là khả năng điều tiết ở tầm vĩ mô. Trong giai đoạn biến động bất thường như hiện nay, vai trò điều tiết của Nhà nước là rất cần thiết. Thực tế cho thấy, điệp khúc “được mùa mất giá” đã quay đi quay lại rất nhiều vòng, mà cá tra nguyên liệu XK là một trong những bằng chứng cụ thể nhất, nhưng vẫn chưa thấy rõ nét vai trò điều tiết của Nhà nước. Lúc này vai trò của “nhạc trưởng” không chỉ dừng lại ở mức động viên, thông tin mà nên bắt đầu từ quy hoạch hay giải pháp mang tính hành chính và phải trả lời được các câu hỏi: Ai nuôi, ai chế biến, ai XK?... Kết quả là phải xây dựng được chuỗi sản xuất đảm bảo hiệu quả từng khâu từ nuôi trồng cho đến chế biến XK. Nói thế nhưng đó là điều thật sự không đơn giản đối với các mặt hàng nông nghiệp nói chung, thủy sản XK nói riêng. Bởi từng có thời gian nhà máy chế biến XK thủy sản “ùn ùn” mọc lên dẫn đến thực trạng là thừa công suất sản xuất, thậm chí bán phá giá lẫn nhau, nhất là trong giai đoạn thiếu nguyên liệu như hiện nay. “Cá tra hiện đang trong giai đoạn được giá nhưng mất mùa nên không mang lại nhiều ý nghĩa cho cả DN và người nuôi. Nếu tới đây được mùa nhưng mất giá thì kết quả cũng tương tự như thế. Điểm chính yếu mà các DN cũng như người nuôi mong mỏi là thị trường mang tính ổn định”- ông Nguyễn Văn Đạo nhấn mạnh.

PHƯƠNG ANH

.
.
.