Thứ Hai, 17/04/2017, 20:09 (GMT+7)
.

Làm thế nào để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch?

Nhận diện những luận điệu sai trái, đánh giá nguyên nhân, phân định những quan điểm lệch lạc để có những giải pháp đấu tranh hiệu quả là vấn đề quan trọng đặt ra trong việc bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch. Đây là một trong những nội dung được trình bày tại Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh, thành phía Nam, do Ban Tuyên giáo Trung ương vừa tổ chức tại TP. Đà Nẵng.

Ảnh: Vân Anh
Báo chí, truyền thông,đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phản bác các quan điểm sai trái, chống đối .Ảnh: Vân Anh

1. Từ nhận thức sai sẽ có những suy nghĩ, quan điểm trái chiều, từ đó dẫn đến những hành động chống phá. Đó là chuỗi tư duy của các phần tử cực đoan, các tư tưởng chống đối. Theo GS-TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, bên cạnh những phần tử, thế lực thù địch luôn trong tâm thế kích động chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, còn có những thành phần do ngộ nhận, nhìn vấn đề phiến diện nên có những “chuyển biến” âm ỉ do bản lĩnh về chính trị không vững vàng, đã bị tác động, lôi cuốn. Cụ thể: Về tác động khách quan, trong đó có những tác động từ tình hình thế giới, với sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, thông tin ngày càng nhanh, đa chiều, những ứng xử, hành động của các nước lớn đã tác động nhiều đến suy nghĩ, tư tưởng của người dân. Đối với trong nước, bên cạnh những thành tựu trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập về giáo dục, y tế, giao thông, tham nhũng… đã tác động đến suy nghĩ, tạo tư tưởng bất an, phân tâm theo từng giới, từ đó dễ có những suy nghĩ lệch lạc, bị tác động, lôi cuốn nếu ta không có cái nhìn toàn cục, bản lĩnh chính trị không vững vàng.

2. Từ những nhận diện trên, GS-TS Vũ Văn Hiền đã phân định các dạng sai trái như sau: Thứ nhất là các quan điểm chống phá của các thế lực thù địch bên ngoài đang sử dụng âm mưu “diễn biến hòa bình” để từng bước “đổi màu” chế độ theo cách “mưa dầm thấm lâu” thông qua các “chiêu” học bổng, đầu tư… hoặc tấn công vào nền tảng tư tưởng, đường lối lãnh đạo của Đảng. Thứ hai là, những quan điểm của thành phần thoái hóa, biến chất, bất mãn, cơ hội chính trị muốn phủ định lịch sử của đất nước, không công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta. Thứ ba là, quan điểm sai trái xuất phát từ nhận thức chính trị kém, chỉ nhìn hiện tượng bên ngoài qua tác động của các phương tiện thông tin mà đánh giá bản chất, từ đó có những so sánh, băn khoăn…

Từ những nhận diện, phân định trên, chúng ta phải làm gì để đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, hành động chống phá?

GS-TS Vũ Văn Hiền cho rằng, ta cần phải đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái bằng những luận cứ khoa học, khẳng định cái đúng trong nền tảng tư tưởng, đường lối lãnh đạo của Đảng ta. Xác định vai trò, thành tựu lãnh đạo của Đảng ta trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn trong sạch, vững mạnh để củng cố niềm tin của nhân dân. Nỗ lực xây dựng Nhà nước kiến tạo, liêm chính. Nắm bắt tâm trạng, giải tỏa những bức xúc của người dân. Cần chú ý đến thế hệ trẻ về tư tưởng, suy nghĩ, bởi đây là đối tượng dễ bị tác động, nhưng lại là thành phần quyết định cho tương lai của đất nước... Đặc biệt, Đảng phải lãnh đạo báo chí, truyền thông, phát huy vai trò của báo chí, nhất là các báo điện tử, mạng xã hội trong việc tuyên truyền, phản bác các quan điểm sai trái, chống đối, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo các cấp. Phải đấu tranh trên nhiều phương diện, nhiều lĩnh vực, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị...

DUY SƠN

.
.
.