Thứ Năm, 27/04/2017, 17:01 (GMT+7)
.
"Xốc" vào nông nghiệp

Bài 1: Cách làm cũ - kịch bản cũ

Bài 1: Cách làm cũ - kịch bản cũ
Bài 2: Hiệu quả từ các chính sách?
Bài 3: "Bài toán" nông nghiệp công nghệ cao
Bài cuối: Nhìn lại để đi tới
 

Thực tiễn ngành Nông nghiệp (NN) hiện nay đặt ra nhiều vấn đề về tư duy sản xuất, định hướng nào cho nền NN công nghệ cao, đặc biệt hiệu quả các chính sách đầu tư của Nhà nước cũng như của doanh nghiệp (DN). “Xốc” vào lĩnh vực NN cũng nhằm mục tiêu là tìm lời giải cho những vấn đề căn cơ như thế.

Vào thời điểm này của năm 2016, tình hình hạn, mặn bủa vây cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tác động nặng nề lên ngành NN các tỉnh trong khu vực nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng thì năm nay biến động về giá cả của một số nhóm ngành hàng như heo, cá, lúa gạo... ước lượng thiệt hại cũng không thua kém gì.

1. Cần phải nói ngay rằng, chăn nuôi heo đang là hiện tượng “nóng” nhất của ngành NN. Chưa bao giờ giá heo hơi lại xuống thấp như hiện nay, chỉ dao động từ 27.000 - 28.000 đồng/kg, thậm chí có nơi còn 22.000 - 25.000 đồng/kg. Theo dự báo, giá thịt heo nhiều khả năng còn giảm xuống thấp hơn khi bước vào những tháng hè nắng nóng. Hàng loạt nguyên nhân đã và đang được đề cập đến và một trong những tác nhân chính là do tăng đàn quá nóng. Nhìn vào thực tiễn dễ dàng nhận thấy, do giá heo 2 năm gần đây tương đối ổn định ở mức cao, đặc biệt là vào thời điểm tháng 5-2016 giá đã tăng lên đến 55.000 đồng/kg nên người dân đổ xô vào đầu tư. Dẫn chứng thực tế cho thấy, chỉ riêng tỉnh Đồng Nai cách đây 2 năm chỉ có 1,3 triệu con heo nhưng hiện tại đã tăng lên gần 2 triệu con heo.

Sản phẩm heo, cá tra xuất khẩu đang là chủ đề “nóng” của ngành Nông nghiệp. Ảnh: Võ Nguyên Phú
Sản phẩm heo, cá tra xuất khẩu đang là chủ đề “nóng” của ngành Nông nghiệp. Ảnh: Võ Nguyên Phú

Ngay trên địa bàn Tiền Giang, thực tế chăn nuôi heo cũng cùng chung xu thế tăng đàn tương tự. Chúng tôi lấy thí điểm ở huyện Chợ Gạo, địa phương có đàn heo cao nhất tỉnh, tỷ lệ tăng đàn heo trong thời gian gần đây cũng ở mức báo động. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thống kê huyện Chợ Gạo, tính đến thời điểm 1-10-2016, toàn huyện có trên 165.300 con heo, tăng 37% so cùng kỳ. Còn trên bình diện chung toàn tỉnh, tính đến ngày 1-3-2017, có 719.000 con heo, tăng 19,5% so cùng kỳ. Theo đó, chăn nuôi heo theo hình thức trang trại cũng nằm trong xu hướng tăng nhanh với số lượng nuôi ở mỗi trang trại cũng ngày càng tăng.

Nếu nhìn ở góc độ khác, bên cạnh quy mô chăn nuôi heo ở nước ta nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng tăng nhanh, năng suất nuôi cũng được cải thiện đáng kể nên đã rút ngắn thời gian nuôi. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, nhờ vào chất lượng con giống tốt, chuồng trại, kỹ thuật nuôi... nên chỉ cần nuôi 3 tháng, heo đã đạt trọng lượng khoảng 1 tạ/con thay vì phải mất từ 8 tháng cho đến 1 năm như trước đây. Còn theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại có 95% tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh là các giống heo lai từ tổ hợp giống heo lai có từ 3 - 4 máu ngoại nên cho năng suất cao.

Một khi số lượng tăng đàn quá nóng cùng với chi phí đầu tư cao, nhưng giá bán thấp dẫn đến lỗ vốn là điều đương nhiên. Những người chăn nuôi heo ở huyện Chợ Gạo đã tính toán với chúng tôi rằng, với giá bán như hiện tại, mỗi tạ heo người nuôi có thể lỗ vốn từ 1 - 1,5 triệu đồng. Tất nhiên, người nuôi lỗ ít hay nhiều còn tùy thuộc vào các chi phí đầu vào. Chẳng hạn như con giống tự sản xuất hay mua ngoài, thức ăn mua từ đại lý cấp I hay qua trung gian, quy mô nuôi... Dù thế nào đi nữa, có một điều chắc chắn rằng, người nuôi heo rất khó kiếm lãi trong thời điểm hiện tại, chưa kể là rất khó bán khi heo tới lứa xuất chuồng. Mặc dù hiện chưa có con số thống kê chính xác về những thiệt hại cũng như lượng heo đến lứa xuất bán trên địa bàn tỉnh nhưng có một điều chắc chắn là danh sách hộ chăn nuôi “vỡ nợ” được dự báo sẽ ngày càng dài ra.

2. Nếu nhìn ở góc độ khác, trong nền kinh tế thị trường, giá cả bất kỳ một loại hàng hóa nào đều có thể chịu biến động tăng giảm do sự điều tiết của lượng cung cầu trên thị trường. Thế nhưng, đối với chăn nuôi heo, giá biến động quá nhanh theo chiều hướng giảm sâu và duy trì trong một thời gian dài được nhìn nhận là điều “bất thường”. Bởi tình trạng này mới xuất hiện trở lại sau hơn 10 năm qua. Nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải trước thực trạng chăn nuôi heo bị ùn ứ hiện nay nhưng có lẽ điểm chung nhất là chuỗi sản xuất đang bị “nghẽn” ở khâu tiêu thụ và một trong những thị trường mang tính quyết định là Trung Quốc. Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhìn nhận rằng, sản phẩm thịt heo hơi của Việt Nam ngoài phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước còn xuất sang Trung Quốc và chủ yếu theo đường tiểu ngạch nên bị rủi ro cao, nhất là khi thị trường này giảm nhập khẩu do nguồn cung trong nước bảo đảm nhu cầu tiêu dùng.

Cũng cần phải nói rằng, Trung Quốc được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng của nông sản Việt Nam nhưng cũng hàm chứa rất nhiều rủi ro. Đây là điểm “mấu chốt” mà nhiều năm qua ngành NN bị tác động mạnh. Chưa dừng lại ở thực tế đối với con heo mà còn đối với một số mặt hàng NN khác. Một cảnh báo mới hiện đang được đặt ra trong ngành NN là đối với cá tra nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Bởi thời gian gần đây, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nổi lên một cách mạnh mẽ, hút một lượng lớn cá tra nguyên liệu xuất khẩu, tất nhiên đã đẩy giá cá nguyên liệu lên cao nhất trong hơn 10 năm qua. Giá nguyên liệu rất cao nhưng cả DN chế biến và người nuôi dường như không được hưởng lợi. Điều đáng nói là diễn biến đang xảy ra trên cá tra nguyên liệu cũng gần giống như những gì xảy ra đối với con heo hiện nay. Bởi có một giai đoạn của năm 2016, cá tra nguyên liệu cũng ùn ứ như thế, dẫn đến thực tế là cả người nuôi và DN đều bỏ ao. Đến khi nguồn cung khan hiếm trong khi thị trường tiêu thụ mới nổi lại hút một lượng hàng rất lớn, kịch bản cũ đã xảy ra đối với cá tra nhưng ở chiều tăng giá. Một kịch bản khác đang được dự đoán là người dân và cả DN lại “ùn ùn” đào ao, thả cá. Một kịch bản mới lại bắt đầu.

Lý giải về biến động thị trường tiêu thụ của nông sản, không chỉ đối với con heo hay cá tra xuất khẩu, để nhận ra rằng dường như sản xuất NN vẫn chưa thoát ra được tư duy sản xuất cũ, kết quả sẽ dẫn đến một kịch bản cũ và cứ quay vòng như thế. Tất nhiên, câu chuyện cũ này liên quan đến rất nhiều vấn đề và bản thân ngành NN không thể giải quyết “một sớm một chiều”. Lẽ đương nhiên, trong nền kinh tế thị trường, bất kỳ hàng hóa nào cũng chịu tác động từ rất nhiều yếu tố, rào cản ở nhiều thị trường khác nhau nếu tư duy sản xuất chưa kịp thay đổi để thích ứng.

PHƯƠNG ANH
(Còn tiếp)

Giá thành cao giảm khả năng cạnh tranh

Một trong những nguyên nhân làm cho người chăn nuôi heo lỗ là do giá thành cao nên giảm khả năng cạnh tranh, nhất là trong giai đoạn ùn ứ hàng hóa và cạnh tranh với sản phẩm cùng loại được nhập từ các nước. Theo đánh giá của các chuyên gia, lượng thức ăn dành cho nuôi heo trong nước cao hơn so với các nước chăn nuôi tiên tiến trên thế giới khoảng 10%. Trung bình để tăng trọng 1 kg thịt heo, chúng ta sử dụng từ 2,9 - 3 kg thức ăn, mục tiêu đặt ra cần giảm lượng thức ăn sử dụng xuống còn 2 - 2,5 kg thức ăn/kg heo hơi. Điều này không dễ thực hiện. Ngoài yếu tố giống và thức ăn tác động đến giá thành sản phẩm chăn nuôi, cách thức chăn nuôi cũng tác động không nhỏ đến tăng trọng của vật nuôi và giá thành sản phẩm. Giảm giá thành sản xuất cũng đang được đặt ra đối với các nhóm ngành hàng khác.

 

.
.
.