Thứ Tư, 10/05/2017, 10:37 (GMT+7)
.

Xoay quanh câu chuyện giải cứu nông sản

Câu chuyện nóng bỏng của ngành Nông nghiệp hiện tại không nằm ngoài việc tìm giải pháp để “giải cứu” đàn heo đang bị ùn ứ. Thực trạng heo giảm giá, khó bán không chỉ xảy ra cục bộ ở một số địa phương mà gần như trên phạm vi cả nước. Tất nhiên, bao giờ xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa sẽ dẫn đến hệ lụy là những thiệt hại và người nông dân chịu thiệt là chủ yếu. Ngành chăn nuôi heo hiện tại cũng không ngoại lệ.

Giải cứu đàn heo đang bị ùn ứ không còn là câu chuyện mới của ngành Nông nghiệp, bởi cách đây không lâu chúng ta cũng đã từng có những những đợt “giải cứu” trên phạm vi lớn đối với dưa hấu, hành tím, khoai lang, gà công nghiệp...

Gà công nghiệp cũng từng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.
Gà công nghiệp cũng từng gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Câu hỏi đang được đặt ra là sau con heo, dưa hấu rồi đến lượt nông sản nào? Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, việc “giải cứu” những sản phẩm của ngành Nông nghiệp cứ “tái đi tái lại” liên tục và dường như rất khó có hồi kết nếu chưa được thay đổi một cách quyết liệt và đồng bộ.

Đến mức, thực trạng của ngành Nông nghiệp đã được đúc kết và đưa ra tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tổ chức gần đây: Giá cả nông sản hàng hóa bấp bênh, chất lượng không tốt, số lượng thiếu ổn định, người sản xuất khó dự báo được thị trường. Người nông dân sản xuất tự phát, bán sản phẩm thô, giá thấp, khó tiêu thụ...

Ai cũng biết rằng, ĐBSCL chiếm giữ vị trí địa lý, kinh tế trọng yếu trong vùng biển, vùng biên giới và trong tiểu vùng sông Mê Kông. ĐBSCL là vùng châu thổ rộng lớn nhất ở Đông Nam Á và trên thế giới, có diện tích khoảng 4 triệu ha, với hơn 18 triệu người.

ĐBSCL có bờ biển dài trên 700 km và vùng đặc quyền kinh tế biển khoảng 360.000 km2, nằm ở hạ lưu sông Tiền và Sông Hậu tạo thành mạng lưới sông ngòi chằng chịt. Với lợi thế như vậy, ĐBSCL là vùng nông nghiệp lớn nhất cả nước, cung cấp 50% sản lượng lúa, 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước… Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể, câu chuyện “giải cứu” sản phẩm nông nghiệp dường như trở thành kịch bản chung của cả ĐBSCL.

Nuôi tôm công nghiệp cũng có giai đoạn điêu đứng.
Nuôi tôm công nghiệp cũng có giai đoạn điêu đứng.

Có một thực tế được các nhà khoa học nhìn nhận rằng, vấn đề liên kết trong vùng ĐBSCL chưa thật sự được chú ý, mỗi tỉnh đều có cơ chế, chính sách na ná nhau và phát triển độc lập với nhau. Vùng ĐBSCL chưa có quy hoạch cho từng sản phẩm thế mạnh và còn thiếu cơ chế, chính sách mang tính toàn diện, đột phá nhằm tạo động lực cho việc phát triển các sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực một cách bền vững. Điều này thể hiện ở cả tư duy và cơ chế, về thiết kế liên kết vùng chưa rõ ràng…

Tuy nhiên, làm thế nào và thay đổi gì trong cơ chế, chính sách nông sản nói chung và các mặt hàng nông sản nói riêng thực sự đi vào cuộc sống, tiếp thêm sức mạnh cho các sản phẩm chủ lực cạnh tranh trong môi trường hội nhập là điều không đơn giản. Trước đây, việc hỗ trợ kinh tế cho nông dân thường chạy theo các thiệt hại như heo bị nhiễm bệnh chết, cúm gia cầm, lúa mất mùa, tồn đọng; mua lúa tạm trữ, mua cá tra… khi hàng tồn đọng. Tư duy này dường như không còn phù hợp và cần phải thay đổi.

Tiền Giang, một trong những tỉnh thuần nông nghiệp trong khu vực ĐBSCL, sẽ thay đổi ngành Nông nghiệp như thế nào trước những khó khăn, thách thức hiện tại và nằm trong kịch bản tái cơ cấu chung của cả nước. Theo các chuyên gia, Tiền Giang có nhiều lợi thế ở một số nhóm ngành so với các địa phương khác, việc thay đổi ngành Nông nghiệp nên bắt đầu tư đó. Đó là trái cây, thủy sản xuất khẩu, lúa gạo…

Tuy nhiên, cũng nằm trong bức tranh chung của các tỉnh trong khu vực ĐBSCL, nhiều năm qua dù có lợi thế nhưng ngành Nông nghiệp của Tiền Giang cũng chưa khai thác hết tiềm năng vốn có của nó. Nói thế nhưng muốn thay đổi một cách căn cơ cũng không phải là điều đơn giản. Bởi ngành Nông nghiệp vốn đã trì trệ, xé lẽ quá lâu, chưa kể muốn thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của nông dân hiện nay cũng không phải là điều đơn giản.

Có lẽ chưa bao giờ việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được đặt ra mang tính cấp bách như hiện nay. Trước đây, việc thay đổi ngành Nông nghiệp đã không ít lần được đặt ra ở nhiều cấp độ khác nhau. Thế nhưng lần này kịch bản về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được đưa ra từ Trung ương xuống các địa phương.

Chưa biết kết quả của kịch bản này đạt được như thế nào nhưng dẫu sao ngành Nông nghiệp cũng đã và đang được nhìn nhận lại đúng với vị trí, vai trò và những giá trị mà nó có thể mang lại. Mong muốn thay đổi ngành Nông nghiệp mang tính gấp gáp hiện nay có lẽ nó xuất phát từ những ngổn ngang, bề bộn trước những gì mà thực tế đang diễn ra.

ANH PHƯƠNG

.
.
.