Thứ Ba, 02/05/2017, 06:47 (GMT+7)
.
"Xốc" vào nông nghiệp

Bài 3: "Bài toán" nông nghiệp công nghệ cao

Bài 1: Cách làm cũ - kịch bản cũ
Bài 2: Hiệu quả từ các chính sách?
Bài 3: "Bài toán" nông nghiệp công nghệ cao
Bài cuối: Nhìn lại để đi tới

Nông nghiệp (NN) ứng dụng công nghệ cao (CNC) đang là nhu cầu cấp thiết nhưng bắt đầu từ đâu, nguồn lực đầu tư thế nào, tiêu chí nào đánh giá và hiệu quả mang lại ra sao vẫn còn là một câu chuyện dài.

Một số mô hình sản xuất NN ứng dụng CNC được Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang (Sở Khoa học và Công nghệ) triển khai thực hiện.
Một số mô hình sản xuất NN ứng dụng CNC được Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang (Sở Khoa học và Công nghệ) triển khai thực hiện.

1. Thật ra, câu chuyện ứng dụng CNC trong sản xuất NN trên địa bàn tỉnh đã được đặt ra nhiều năm. Thời gian qua, tỉnh và ngành NN đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, nguồn nhân lực phục vụ phát triển NN ứng dụng CNC như: Cải tạo, nâng cấp Trại Giống cây ăn quả Hòa Hưng; Phòng Kiểm nghiệm hạt giống; Phòng Kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trực thuộc Trung tâm Tư vấn và Kiểm định chất lượng nông, lâm, thủy sản (Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản) với chức năng phục vụ quản lý Nhà nước, cung cấp dịch vụ tư vấn và kiểm nghiệm thuộc lĩnh vực chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại nông lâm sản, thủy sản. Đồng thời, ngành NN cũng đã tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao ứng dụng CNC vào sản xuất NN từ tỉnh đến cơ sở.

Nhiều dự án phát triển NN ứng dụng CNC cũng đã được ngành NN triển khai, đặc biệt là 12 dự án nằm trong Kế hoạch 82/KH-UBND ngày 22-6-2012. Đến thời điểm hiện tại, ngành NN đã triển khai lồng ghép 8/12 dự án vào các hoạt động hằng năm của ngành với một số dự án cụ thể như: Xây dựng Đề án Khu NN ứng dụng CNC Tiền Giang với quy mô trên 197 ha (đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Đến nay, đã có 4 công ty nộp hồ sơ đăng ký đầu tư vào Khu NN ứng dụng CNC của tỉnh gồm: Công ty TNHH Rồng Hoa Thái Đăk Lăk, Công ty TNHH Thương mại Nhất Thống, Công ty Mekong Xanh và Công ty cổ phần Yến sào Gò Công.

Song song đó, Dự án “Khảo nghiệm, chọn lọc các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu tốt với sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu” bước đầu thực hiện thành công Đề tài nghiên cứu “Đánh giá, tuyển chọn giống lúa cao sản thích nghi điều kiện canh tác nhiễm mặn tại huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang” (đã chọn được 2 giống lúa OM 5451 và OM 6976 có khả năng thích nghi tốt với điều kiện canh tác đất nhiễm mặn tại huyện Tân Phú Đông trong vụ thu đông); thực hiện lai tạo giống lúa và đã chọn được 46 dòng thế hệ F3, 37 dòng thế hệ F4, 17 dòng thế hệ F6 có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án Ứng dụng CNC xử lý chất thải trong chăn nuôi cũng đã và đang triển khai thông qua các mô hình ứng dụng đệm lót sinh học, men vi sinh nuôi gia súc, gia cầm. Cùng với đó, một số dự án đã và đang được triển khai: Dự án Ứng dụng CNC trong chẩn đoán, sản xuất các chế phẩm phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; Dự án Nâng cấp các trại giống, các trang thiết bị kiểm nghiệm; ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý môi trường vùng nuôi thủy sản...

TS. Lê Quang Huy (chuyên ngành Hóa sinh và Công nghệ sinh học) cho rằng, tiềm năng sản xuất NN trên địa bàn tỉnh còn rất lớn, đặc biệt là NN ứng dụng CNC. Ứng dụng CNC trong sản xuất NN không chỉ thực hiện trong khâu sản xuất mà còn cả ở khâu đầu ra như nghiên cứu tiếp cận thị trường tiêu thụ chế biến sâu nhằm tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Một yếu tố khác cũng được đặt ra là nhiều tỉnh, thành đang cùng làm NN ứng dụng CNC nhưng chưa có sự liên kết, chia sẻ dẫn đến sản xuất cùng loại sản phẩm. Muốn làm CNC, Nhà nước cần có đội ngũ hướng dẫn chính sách, kỹ thuật, công nghệ cho nông dân. Một khi nông dân thấy được lợi ích từ việc ứng dụng CNC sẽ mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất và tập trung ứng dụng CNC.

2. Theo đánh giá của ngành NN, việc triển khai ứng dụng CNC trong sản xuất NN đã góp phần nâng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản; từng bước nâng cao ý thức trong việc sản xuất theo hướng an toàn, sạch bệnh, bảo vệ môi trường. Song, mặc dù đạt được những kết quả nhất định, nhưng ứng dụng CNC trong sản xuất NN vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Một trong những tồn tại, hạn chế sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy là chưa hình thành Khu Phát triển công nghệ sinh học để thực hiện chức năng nghiên cứu, ứng dụng CNC vào NN do tiến độ triển khai Đề án Thành lập Khu NN ứng dụng CNC và Khu Thực nghiệm sinh học còn chậm.

Mặt khác, sản xuất NN ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh chủ yếu dừng lại ở các mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật. Việc ứng dụng CNC, công nghệ sinh học, các quy trình canh tác tiên tiến... để sản xuất ra các nông sản chất lượng, an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến, CNC còn khó khăn do vốn đầu tư lớn, đòi hỏi trình độ quản lý và tay nghề cao cũng như có nhiều rủi ro về giá cả, thị trường tiêu thụ. Mặc dù các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào NN, nông thôn trên địa bàn tỉnh triển khai kịp thời nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NN ứng dụng CNC do hạ tầng chưa hoàn chỉnh, vốn đầu tư xây dựng mô hình rất lớn. Giá cả sản phẩm đầu ra không ổn định và chưa có sự chênh lệch giữa việc áp dụng sản xuất theo mô hình CNC và mô hình sản xuất truyền thống dẫn đến các tổ chức, cá nhân chưa mạnh dạn đầu tư. Quy mô sản xuất NN còn manh mún, nhỏ lẻ, mối liên kết hợp tác sản xuất chưa chặt chẽ nên khó ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, CNC vào sản xuất cũng như khó khăn trong đầu tư phát triển hạ tầng trong khi nguồn vốn đầu tư từ ngân sách ngày càng khó khăn...

PHƯƠNG ANH
(Còn tiếp)

TS. Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường (Viện Cây ăn quả miền Nam) nhìn nhận, hiện tại thật khó xác định thế nào là NN ứng dụng CNC, bởi tiêu chí nào để thỏa mãn NN ứng dụng CNC, cơ quan nào cấp giấy chứng nhận, việc bảo hộ và tiêu thụ như thế nào?... Thật ra, ứng dụng CNC trong sản xuất NN là cách làm khác với cách làm của nông dân hoặc sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như Đông Nam bộ đều có định hướng phát triển khu NN ứng dụng CNC với diện tích quy hoạch rất lớn nhưng không có vốn đầu tư và chưa có sản xuất dưới dạng quy mô lớn. Với tình hình thực tế như thế, còn lâu mới tạo ra sản phẩm NN ứng dụng CNC với số lượng lớn và mang tính đại trà.

Có một thực tế là sản phẩm sản xuất theo mô hình CNC với sản xuất truyền thống hiện còn quá “nhập nhèm” nên cần sự minh bạch. Bên cạnh đó, trong quá trình phân phối sản phẩm cần đa dạng về chủng loại. Trong khi nếu nhìn một cách tổng thể, khu NN ứng dụng CNC hiện chỉ dừng lại ở một số mô hình sản xuất chứ chưa đa dạng về chủng loại, chưa tạo ra được sản lượng lớn. Điều quan trọng là Nhà nước cần tập trung nguồn lực để đầu tư vào các trung tâm ứng dụng khoa học - công nghệ và có chương trình ứng dụng CNC hẳn hoi để đưa vào sản xuất mang tính đại trà với quy mô lớn.

 

.
.
.