Thứ Tư, 14/06/2017, 10:52 (GMT+7)
.
Đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp:

Tạo không khí đồng hành, gần gũi giữa chính quyền và doanh nghiệp

Đó là nhận định của nhiều doanh nghiệp (qua kênh thông tin Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh) sau mỗi lần UBND tỉnh tổ chức đối thoại hoặc tiếp xúc, gặp gỡ với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nhìn lại từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có thể nói việc tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho nhà đầu tư đến với Tiền Giang nói riêng và phát triển doanh nghiệp nói chung là một trong những hoạt động xuyên suốt trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh, nhất là từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và tiếp đó Tỉnh ủy có Nghị quyết 06-NQ/TU về lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Ông Lê Văn Hưởng tiếp xúc với các doanh nghiệp ngày 29-4. Ảnh: Hữu Nghị
Ông Lê Văn Hưởng tiếp xúc với các doanh nghiệp ngày 29-4. Ảnh: Hữu Nghị

THẲNG THẮN, KHÔNG NÉ TRÁNH

Tính đến nay, UBND tỉnh tổ chức 4 hội nghị đối thoại doanh nghiệp, trong đó 3 cuộc tổ chức trong năm 2016 và 1 cuộc trong quý I-2017. Để nâng chất lượng đối thoại, trước mỗi hội nghị đối thoại, tỉnh đã thông báo công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Cổng Thông tin điện tử của UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các địa phương và hộp thư điện tử… để thu thập các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cũng là “trân trọng kính mời” lãnh đạo doanh nghiệp đến tham dự Hội nghị đối thoại doanh nghiệp. Cách làm này cũng có ý kiến nghi ngại: Không biết có giải quyết được gì không hay chỉ là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Câu trả lời đã có ngay sau Hội nghị đối thoại doanh nghiệp đầu tiên vào tháng 6-2016. Tại hội nghị đối thoại này, tính nghiêm túc, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu UBND tỉnh đã thể hiện rõ ngay trong khâu tổ chức: Ngoài Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị, cùng tham dự còn có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, người đứng đầu các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND 11 huyện, thành, thị.

Tại đây, có 15 nhóm ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc và sau đó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết hoặc giao từng sở, ban, ngành phải giải quyết rốt ráo (có quy định rõ thời gian phản hồi). Có lẽ vì vậy mà Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần II (ngày 6-10-2016), số doanh nghiệp tham dự tăng lên 60 (gấp 1,5 lần so với hội nghị lần I) và Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần III (ngày 24-12-2016) có 200 doanh nghiệp tham dự (kết hợp với lãnh đạo tỉnh họp mặt doanh nghiệp cuối năm).

Theo báo cáo tổng hợp, 4 hội nghị đối thoại doanh nghiệp từ đầu nhiệm kỳ đến nay (tính cả hội nghị tổ chức vào cuối quý I-2017) đã thu hút tổng cộng trên 340 lượt doanh nghiệp tham dự, trong đó có trên 80 lượt doanh nghiệp tham gia góp ý với 68 kiến nghị “sát sườn” với quyền lợi doanh nghiệp. Tất cả kiến nghị của doanh nghiệp ngoài số được Chủ tịch UBND tỉnh giải đáp tại chỗ hoặc chỉ đạo các sở, ban, ngành giải đáp tại chỗ (hoặc cam kết giải quyết trong thời hạn nhất định), số còn lại tỉnh ghi nhận, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối theo dõi, phối hợp sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu giải quyết hoặc tham mưu UBND tỉnh giải quyết. Tính chung đến thời điểm này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu giải quyết 65 kiến nghị của doanh nghiệp, đạt trên 95%; 2 kiến nghị liên quan cơ chế, chính sách được tỉnh tổng hợp, kiến nghị Chính phủ và 1 kiến nghị đang được các ngành, địa phương liên quan tiếp tục xem xét giải quyết (liên quan việc chuyển nhượng Dự án Chợ Đêm). Khảo sát cũng cho thấy rằng, qua việc giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, vấn đề vướng nhiều nhất vẫn thuộc lĩnh vực đất đai, tiếp đến là môi trường làm việc trong khu, cụm công nghiệp, thủ tục hành chính, công tác thanh tra, kiểm tra. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, về cơ bản các hội nghị đối thoại doanh nghiệp đã tháo gỡ, giải quyết kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

TIẾP XÚC ĐỂ LẮNG NGHE

Song hành với hoạt động tổ chức đối thoại doanh nghiệp, từ tháng 11-2016, vào mỗi thứ bảy của tuần cuối mỗi tháng (trừ các tháng tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp), Chủ tịch UBND tỉnh cũng trực tiếp tiếp xúc các doanh nghiệp, nhà đầu tư và công việc này đã được quy định trong Quy chế làm việc của UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định 45/2016/QĐ-UBND. Ngoài ra, hằng tuần, UBND tỉnh đều bố trí lịch công khai dành 1 ngày để Thường trực UBND tỉnh tiếp xúc nhà đầu tư, doanh nghiệp. Ngoài trao đổi cởi mở, đây còn là dịp để UBND tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp gần gũi hơn. Tính đến nay, hầu hết các đề nghị của doanh nghiệp tại các cuộc tiếp xúc doanh nghiệp, nhà đầu tư đã được giải quyết (riêng đối với bức xúc của doanh nghiệp nhưng còn khó khăn do liên quan cơ chế, chính sách, UBND tỉnh cũng đã giao ngành chức năng khẩn trương tham mưu UBND tỉnh xem xét, trả lời doanh nghiệp).

Cũng cần nói thêm, bên cạnh UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức tiếp xúc doanh nghiệp, nhà đầu tư, các ngành chức năng như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch cũng đã tổ chức tiếp và làm việc với các nhà đầu tư, sau đó báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cơ quan này đã tiếp xúc 128 nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh.

DOANH NGHIỆP “NHÌN NHẬN”

Việc tổ chức các hội nghị đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp, nhà đầu tư thời gian qua đã có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và việc thành lập mới doanh nghiệp nói riêng. Hay nói cách khác là môi trường đầu tư của tỉnh đã được doanh nghiệp đánh giá cao thông qua các số liệu: Năm 2016, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 577 doanh nghiệp, tăng 21,7% so với năm 2015; thu hút 27 dự án với vốn đầu tư đăng ký 10.899 tỷ đồng (tăng 52% so với năm 2015). Những tháng đầu năm 2017, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tiếp tục tăng mạnh (riêng tháng 3-2017 có 68 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhiều nhất từ trước đến nay). Song, theo chúng tôi, cái được lớn nhất là đã thực sự tạo được sự tin tưởng của doanh nghiệp, tạo được không khí đồng hành, gần gũi, thân thiện giữa chính quyền với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó bao hàm cả sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy của từ lãnh đạo đến công chức thực thi công vụ các cấp từ tỉnh đến cơ sở trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn...

PHÙNG QUỐC ANH

.
.
.