Thứ Sáu, 11/08/2017, 21:17 (GMT+7)
.

Cần ngăn chặn hiện tượng "bẻ cong ngòi bút"

Lại 2 nhà báo bị khởi tố với tội danh tống tiền doanh nghiệp và cưỡng đoạt tài sản, cũng với “chiêu’ mà Bộ Thông tin - Truyền thông, Thủ tướng Chính phủ từng bức xúc, lên tiếng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Đây là thực trạng đáng báo động khi một số người làm báo xem nhẹ chức năng thông tin, định hướng dư luận, giáo dục nhân cách… mà dùng báo chí như một công cụ kiếm tiền.

Việc nhà báo cấu kết “đánh hội đồng” doanh nghiệp, hay cùng thông tin về vấn đề tiêu cực của cá nhân, ngành, địa phương nào đó để trục lợi là có thật. Thoạt nhìn, cứ nghĩ đó là những nhà báo dũng cảm, có chính kiến, dám đấu tranh vì lẽ phải; nhưng thực chất phía sau là những toan tính cá nhân, vì tiền có thể "bẻ cong ngòi bút" theo hướng có lợi cho đối tác.

a
Vẫn còn nhiều nhà báo chân chính, lao động sáng tạo với cái tâm trong sáng. Trong ảnh, các nhà báo tác nghiệp ở một sự kiện lớn. Ảnh:S.P (Ảnh chỉ có tính chất minh họa.).

Giải quyết vấn đề này như thế nào? Thiết nghĩ mọi công dân đều thực thi theo pháp luật, nhà báo có thêm Luật báo chí chi phối; và mới đây 10 quy định về đạo đức người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành đã nêu rất rõ về vấn đề này. Bộ Thông tin - Truyền thông cũng đang soạn thảo Nghị định quy định xử phạt trong hoạt động báo chí, trong đó lợi dụng tư cách phóng viên, nhà báo để trục lợi phạt tới 40 triệu đồng.

Tuy nhiên, trước hết mỗi nhà báo cần phải giữ mình trước những cám dỗ thời kinh tế thị trường,cần trui rèn bản lĩnh để "tâm sáng, lòng trong, bút sắc” khi tác nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan chủ quản, lãnh đạo các tờ báo cần sâu sát anh em phóng viên, cộng tác viên, cần nắm những thông tin, dư luận sau bài báo, để không vô tình đồng phạm, tạo điều kiện cho anh em làm sai, gây mất uy tín tờ báo.

Trước xu thế bùng nổ thông tin mạng, cạnh tranh thông tin khá gay gắt như hiện nay, một số cơ quan báo chí quản lý đội ngũ cộng tác viên, phóng viên thường trú khá lỏng lẻo, vẫn tới nhiều sai phạm xảy ra. Thậm chí, một số tòa sọan báo buông lỏng công tác quản lý đối với nhà báo, phóng viên và cộng tác viên, không cấp kinh phí hoạt động, không trả lương cho phóng viên, cộng tác viên nhưng vẫn khoán doanh thu quảng cáo. Điều này đã dẫn đến tình trạng các phóng viên tự sử dụng cộng tác viên và cấu kết với một số đối tượng nhằm sách nhiễu doanh nghiệp để vòi vĩnh, ép ký hợp đồng quảng cáo...

Trước thực trạng này, Bộ Thông tin -Truyền thông ban hành Công văn số 2411/BTTTT-CBC về việc chấn chỉnh hoạt động của các Văn phòng đại diện và phóng viên thường trú của cơ quan báo chí,nhằm hạn chế tiêu cực.

Mặt khác các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng cần cảnh giác;các cơ quan, cán bộ nhà nước cần tu dưỡng rèn luyện, làm việc với tinh thần trách nhiệm, cái tâm trong sáng, khách quan; để “miễn dịch” với tiêu cực; không tạo cơ hội cho những nhà báo biến chất vòi vĩnh, sách nhiễu.

Song hành với các biện pháp hành chính trong xử lý, cần coi trọng công tác giáo dục, trong đó vai trò của người  đứng đầu các cơ quan báo chí là rất quan trọng, phải nghiêm khắc xử lý, không dung túng bao che cho cái sai của cấp dưới. Nắm bắt thông tin từ dư luận để kịp thời ngăn chặn, kiên quyết loại bỏ những suy thoái về tư tưởng, đạo đức; chỉ muốn vụ lợi từ nghề trong đội ngũ những người làm báo.

SƠN PHẠM
 

.
.
.