Thứ Tư, 09/08/2017, 21:25 (GMT+7)
.

"Cởi trói" các điều kiện kinh doanh...

Trước con số hơn 5.700 “giấy phép con” còn tồn đọng, làm “khó” doanh nghiệp, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 diễn ra cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Giấy phép kinh doanh rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại. Đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp”.

aaaaaaaaaaaaa

Ảnh minh họa. (nguồn: Dân trí)

Dẫn ra số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có tổng số 5.719 điều kiện kinh doanh thường được biết với cái tên “giấy phép con”. Trong đó, nhiều nhất là Bộ Công thương có 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý với 1.220 điều kiện kinh doanh. Ít nhất là Bộ Xây dựng, nhưng cũng có đến 17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 106 điều kiện kinh doanh.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, một vấn đề khiến doanh nghiệp còn phải gánh chi phí rất lớn là kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiện tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành lên tới 35% nhưng tỷ lệ sai phạm chỉ là 0,06%.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ: “Có bộ đã ban hành danh mục kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định tiêu chuẩn và điều kiện kiểm tra, có nghĩa là bộ muốn kiểm tra gì cũng được. Mục tiêu đặt ra là phải kéo giảm tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15%. Nếu làm được, các chuyên gia ước tính có thể giảm được hàng chục ngàn tỷ đồng chi phí cho doanh nghiệp”.

Theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, con số điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực hiện nay còn có thể được cắt giảm nhiều hơn nữa. "VCCI cho rằng, còn có thể giảm được 1/10 những điều kiện kinh doanh hiện tại. Tuy nhiên, tôi cho rằng, con số này còn quá ít. Chúng ta có thể bỏ 2/3 số đó" - ông Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Theo nhiều chuyên gia, 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng tương ứng mỗi ngành nghề kinh doanh này lại có một hệ thống hàng trăm các điều kiện “con, cháu” khác. Trong một số trường hợp, khi đã đủ điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp còn phải chứng minh bằng việc xin một cái giấy nào đấy để xác nhận đủ điều kiện kinh doanh. Theo đó, để xin được giấy phép, các doanh nghiệp lại phải thực hiện hàng loạt các thủ tục hành chính… Điều này gây ra gánh nặng chi phí về mặt thời gian và cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. Nhiều khi làm xong được giấy phép kinh doanh, thì doanh nghiệp đã mất cơ hội kinh doanh.

VCCI cũng đã lựa chọn 3 nhóm ngành điển hình để rà soát sâu, gồm: Công thương, giao thông vận tải và khoa học công nghệ. Nhận định được đưa ra là nhiều đăng ký kinh doanh đang can thiệp quá sâu vào thị trường, vào hoạt động của doanh nghiệp. Chẳng hạn như: Quy định yêu cầu công ty vận tải phải có kế hoạch kinh doanh được phê duyệt; hoặc việc một công ty hoạt động đại lý tàu biển được yêu cầu phải có phòng, ban pháp chế, hay những yêu cầu bất hợp lý về quy mô cơ sở vật chất, máy móc doanh nghiệp cần trang bị...

Một số chuyên gia cũng cho rằng, phần lớn công cụ đặt ra chỉ ngăn cản kinh doanh chứ không thúc đẩy và đạt mục tiêu quản lý Nhà nước; ví dụ như: Điều kiện cơ sở kinh doanh muốn hoạt động phải qua lớp tập huấn do Bộ được quyền cấp phép tổ chức, trong khi người ta có thể học đâu cũng được, miễn là đạt trình độ đó... Tất cả những điều kiện kiểu này sẽ ngăn cản sự sáng tạo trong kinh doanh, ngăn cản xuất hiện của quy trình mới trong kinh doanh trong khi chính những yếu mới này lại thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.

Đáng chú ý, tại diễn đàn doanh nghiệp tư nhân mới đây, 65% doanh nghiệp cho biết, điều họ mong muốn nhất là Chính phủ “hành động”, 24% chọn “liêm chính” và 11% chọn “kiến tạo”. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp vô cùng mong chờ Chính phủ sẽ có những hành động quyết liệt hơn nữa để xóa bỏ những rào cản đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Bởi thực tế, có những điều kiện kinh doanh trá hình, không nằm trong danh mục cũng như ngành nghề cụ thể mà “ẩn” trong những văn bản, quy định với những tên gọi, hình thức khác mà hiện nay, các cơ quan quản lý vẫn chưa rà soát được, còn doanh nghiệp thì phải “chịu trận”.

Từ thực tế đó, nhiều người dân, doanh nghiệp cho rằng, cần đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, bãi bỏ giấy phép bất hợp lý là những việc cần được ưu tiên và thực hiện khẩn trương hơn, vì những giải pháp này không tốn kém, không cần đầu tư quá nhiều thời gian như các biện pháp khác, nhưng lại mang lại hiệu quả cao, tức thì. Đồng thời, xem xét vai trò, chức năng của từng bộ, trong đó phải tách khâu soạn thảo văn bản khỏi khâu thực thi quy định để tránh trường hợp "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

Ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các Bộ xử lý các báo cáo rà soát độc lập mới đây về điều kiện kinh doanh đã thể hiện rõ tinh thần Chính phủ hành động; kiến nghị cần có rà soát tổng thể với các cuộc thảo luận công khai về vấn đề này. Trong đó, cần sớm rà soát toàn bộ phí, lệ phí thủ tục hải quan, thuế, nhất là các biện pháp giảm tỷ lệ lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành; rà soát lại toàn bộ thủ tục liên quan đến giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin, chí phí phát sinh để làm các thủ tục. Phải loại bỏ điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt không hợp lý.

Bên cạnh đó, để giảm những chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh công khai, minh bạch, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, áp dụng các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 để người dân, doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với các dịch vụ mà không cần tiếp xúc trực tiếp với cán bộ nhằm hạn chế tiêu cực.

Theo dangcongsan.vn

 

.
.
.