Thứ Sáu, 08/09/2017, 20:02 (GMT+7)
.

Báo chí trước sự "lấn sân" của facebook

Trước làn sóng của mạng xã hội, đặc biệt là facebook phổ biến như “cơm bình dân” ở Việt Nam, báo chí truyền thống cần làm gì để có thể “sống chung” và phát triển? Đó là vấn đề đặt ra đầy thách thức.

Trong thời đại cạnh tranh thông tin hiện nay, để báo chí tồn tại và phát triển cần có sự tương tác nhiều hơn với công chúng và ứng dụng công nghệ nhiều hơn trong tác nghiệp. Mạng xã hội bùng nổ đã mang đến một “cuộc cách mạng thông tin”, tác động rất nhiều đến hoạt động báo chí. Hiện nay, đường truyền thông tin từ người viết đến người nhận đã thay đổi bởi cách thức tiếp cận của công chúng đã khác xưa, đa dạng, phong phú hơn.

Trên thế giới, hiện các cơ quan thông tấn lớn đều sử dụng các mạng xã hội như: Facebook, Twitter, Youtube… để tìm kiếm, chia sẻ thông tin và tương tác với công chúng; bởi suy cho cùng, hiệu quả thông tin được tính trên số lượng người tiếp nhận.

Hiện thế giới có gần 1,9 tỷ người sử dụng facebook, riêng Việt Nam là quốc gia đứng thứ 7 trên thế giới với 64 triệu người sử dụng, nên nhiều tờ báo tại Việt Nam đã lập những fanpage trên facebook để kéo độc giả đến với báo và nâng chất thông tin. Tuy nhiên, hiệu quả đến đâu trong cuộc tương tác này vẫn còn là vấn đề phải tính toán và tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Bởi mạng xã hội được xem như một “siêu cộng tác viên” cung cấp nhiều thông tin, nhưng thực tế không ít thông tin trên đó mang tính chủ quan, không chính xác, thậm chí là bịa đặt. Kế đến là, những fanpage chưa tạo sự hấp dẫn với người đọc, do tính tương tác trên đó vẫn còn hạn chế, mà chủ yếu là để dẫn bạn đọc đến với trang báo. Trong khi nguy cơ bị “tin tặc” tấn công qua những fanpage đang là mối lo của các tờ báo, cùng với tình trạng mạo danh các tờ báo thông qua những trang facebook thật, giả lẫn lộn đang là vấn đề làm “đau đầu” nhiều tờ báo uy tín.

Việc các tờ báo sử dụng facebook và các trang mạng xã hội khác để tăng hiệu quả thông tin với công chúng đã và sẽ là xu thế tất yếu. Vì thế, các cơ quan quản lý báo chí cần có những quy định chặt chẽ, xử lý nghiêm trong việc khai thác thông tin trên mạng sai sự thật của một số tờ báo; đồng thời cũng cần quản lý chặt hơn nữa và có biện pháp chế tài đối với các đăng tải thông tin trên mạng xã hội.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí cần có những quyết sách phù hợp trong việc khai thác thông tin từ facebook; trong đó việc xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên chuyên nghiệp có thể quản trị tốt hoạt động truyền thông, cũng như chọn lọc, khai thác thông tin trên các trang mạng là cần thiết. Đây là bài toán khó về tài chính, nhưng là xu thế bắt buộc trong tương lai của những tờ báo mạng.

Con người và nguồn tài chính là hai yếu tố cần thiết trong “cuộc chiến” với các mạng xã hội của các tờ báo. Đó là, những người làm báo có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, năng động, sáng tạo và am hiểu về công nghệ đa phương tiện; có khả năng viết, biên tập, phán đoán để khai thác có chọn lọc những vấn đề “nóng” đang diễn ra với cái nhìn khách quan, trung thực... Tài chính để có thể đầu tư hạ tầng công nghệ, cũng như trang bị cho phóng viên những thiết bị hiện đại là điều kiện tiên quyết trong xu thế làm báo hiện nay.

DUY SƠN

.
.
.