Thứ Hai, 18/09/2017, 17:07 (GMT+7)
.

Huyện Cai Lậy "sống chung" sạt lở

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, kinh, rạch ở huyện Cai Lậy ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Nhiều diện tích vườn cây ăn trái, đất ở dần bị thu hẹp cùng tâm trạng nơm nớp nỗi lo khi mùa mưa bão, triều cường đến gần.

Đoạn đê bao dọc sông Trà Tân (thuộc địa bàn ấp 12, xã Long Trung) bị sạt lở.
Đoạn đê bao dọc sông Trà Tân (thuộc địa bàn ấp 12, xã Long Trung) bị sạt lở.

Xã Tân Phong được xem là “điểm nóng” về tình trạng sạt lở ở huyện Cai Lậy thời gian qua. Theo thống kê, toàn xã có 8 điểm sạt lở với chiều dài 5,2 km, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Là một cù lao trên sông Tiền, xã Tân Phong có diện tích tự nhiên hơn 2.300 ha, 90% hộ dân sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp. Để bảo vệ diện tích vườn cây ăn trái, nhà ở, chính quyền xã đã vận động người dân sử dụng nguồn nhân lực, vật lực tại chỗ khắc phục tạm thời. Tuy nhiên, những điểm cũ chưa gia cố xong đã tiếp tục phát sinh những điểm sạt lở mới.

Tại ấp Tân Thiện, người dân cho biết, trước đây, nhà họ cách sông Tiền cả trăm mét, nhưng những năm gần đây, bờ sông cứ lở dần, bãi bồi và hàng cây chắn sóng cũng “biến mất”. Sông lấn dần đất ở khiến người dân phập phồng nỗi lo khi mưa bão, triều cường đến. Từ đầu năm 2017 đến nay, tình trạng sạt lở càng nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (khu vực này tập trung các điểm du lịch miệt vườn thu hút khách trong nước và quốc tế). Anh Võ Quốc Trung, ấp Tân Thiện cho biết: “3 năm gần đây, hầu như năm nào tôi cũng đầu tư kinh phí gia cố điểm kinh doanh du lịch của gia đình, nhưng năm sau sạt lở lại lấn sâu hơn năm trước. Nếu tình trạng này tiếp diễn, tôi sẽ phải dừng hoạt động, bởi không đủ diện tích kinh doanh. Cách đây hơn 3 tuần, một trạm đón khách đã đổ sụp xuống sông, phải thuê cơ giới gia cố lại”.

Ông Trần Văn Nhịn, Chủ tịch UBND xã Tân Phong thông tin: Tình trạng sạt lở ven sông Tiền ở xã diễn ra đã nhiều năm, khiến diện tích vườn cây ăn trái, đất ở của người dân bị mất dần. Trong mùa mưa, bão, triều cường năm nay, xã đã có kế hoạch và giải pháp ứng phó như thông tin thường xuyên về tình hình mưa bão, triều cường trên hệ thống loa truyền thanh, thống kê các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở, vận động người dân chủ động gia cố, có phương án di dời hộ dân đến nơi an toàn trong tình huống khẩn cấp... Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng sạt lở một cách căn cơ, xã cần nguồn kinh phí hỗ trợ từ tỉnh, huyện để ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân.

Không riêng xã Tân Phong, nhiều nơi khác ở huyện cũng đối mặt với nguy cơ sạt lở. Tại xã Long Trung, những năm gần đây, tuyến đê bao dọc sông Trà Tân liên tục xuất hiện các điểm sạt lở, đe dọa diện tích vườn cây ăn trái của người dân khi triều cường dâng cao. Theo thống kê, dọc tuyến đê này có 4 điểm sạt lở với chiều dài trên 70 m, chính quyền xã đã hướng dẫn người dân gia cố tạm thời. Trong đó, nghiêm trọng nhất tại khu vực ấp 12, một đoạn đê dài trên 30 m đã sạt lở sâu vào sân nhà của một hộ dân, sụp một đoạn đường dal khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa qua khu vực này trở nên khó khăn. Sạt lở đã trở thành nỗi lo thường trực của các hộ dân sinh sống cặp bờ sông. Bà Lê Thị Biền, ngụ ấp 12 cho biết: “Mấy hôm đầu khi đường dal và một phần sân nhà sụp xuống sông, gia đình tôi không sao ngủ được vì lo sợ. Tôi chỉ biết gia cố tạm thời bằng bao cát, tràm và kéo lục bình chắn sóng”.  

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, toàn huyện hiện có 48 điểm sạt lở bờ sông, kinh, rạch với tổng chiều dài trên 1,3 km, ước kinh phí xử lý gần 9,6 tỷ đồng. Năm 2017, từ nguồn ngân sách tỉnh và địa phương, huyện sẽ khắc phục 22 điểm sạt lở với chiều dài 912 m, kinh phí trên 7,8 tỷ đồng, còn lại 26 điểm đang chờ chủ trương phê duyệt vốn. Để ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về sản xuất nông nghiệp trong mùa mưa bão, triều cường, huyện đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi đảm bảo tiêu thoát nước, khẩn trương khắc phục các đoạn đê sạt lở và vận động người dân chủ động gia cố đê bao xuống cấp. Các xã cũng chuẩn bị phương tiện cần thiết ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra và tiếp tục rà soát các khu dân cư có nguy cơ sạt lở, có phương án chủ động di dời để bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân.  

TRƯỜNG GIANG

.
.
.