Thứ Sáu, 08/09/2017, 20:11 (GMT+7)
.

Tăng cường các giải pháp phòng, chống sạt lở

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, kinh, rạch trên địa bàn tỉnh ngày càng nghiêm trọng, với quy mô, mức độ sạt lở lớn, xảy ra nhiều hơn các năm trước và đang có xu hướng gia tăng một cách đáng lo ngại. Theo số liệu thống kê từ năm 2010 - 2015, trên địa bàn tỉnh đã tiến hành xử lý 329 điểm sạt lở bờ sông, kinh, với tổng chiều dài khoảng 12,48 km, kinh phí 64,7 tỷ đồng. Còn trong năm 2016, tỉnh đã xử lý 102 điểm sạt lở, với tổng chiều dài 4,69 km, kinh phí 37,2 tỷ đồng (đến nay cơ bản xử lý xong). Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 62 điểm sạt lở với chiều dài 3,417 km, kinh phí xử lý khoảng 29,1 tỷ đồng.

Người dân gia cố khu vực sạt lở ấp Tân Thiện, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy. 	             						                               Ảnh: QUẾ NGÂN
Người dân gia cố khu vực sạt lở ấp Tân Thiện, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy. Ảnh: QUẾ NGÂN

Theo báo cáo của ngành chức năng, các nghiên cứu khoa học và thực tiễn đã xác định một số nguyên nhân chính dẫn đến xói lở bờ sông, kinh, rạch là lượng phù sa, bùn cát từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về giảm mạnh. Bên cạnh đó, mật độ sông, kinh, rạch dày đặc với nhiều đoạn sông cong, nhiều ngã ba, ngã tư là những vị trí dễ bị sạt lở do dòng chảy “đạp” thẳng vào bờ. Tiếp đến là việc xây dựng nhiều nhà ở, công trình hạ tầng gần bờ sông như đê, đường giao thông, bãi vật liệu xây dựng hoặc các công trình lấn chiếm lòng sông, kinh, rạch đã làm co hẹp, chuyển hướng dòng chảy, từ đó làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ…

Về giải pháp khắc phục thời gian tới, tỉnh triển khai song song các giải pháp phi công trình và công trình. Về giải pháp phi công trình, hằng năm, tỉnh hỗ trợ kinh phí cho huyện để thực hiện tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng dân cư nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc phòng ngừa sạt lở; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện mô hình kè giữ lục bình và trồng cây để phòng, chống sạt lở trên địa bàn các huyện, thị phía Tây. Cụ thể, ngân sách cấp huyện hỗ trợ 50% cho ngân sách cấp xã để thực hiện mô hình: Đối với kinh chính và kinh cấp 1 sẽ hỗ trợ 92.000 đồng/m dài, còn đối với kinh cấp 2, cấp 3 hỗ trợ 90.000 đồng/m dài; còn đối với trồng cây phòng, chống sạt lở ven bờ sẽ hỗ trợ cho ngân sách cấp xã cây giống (7.000 đồng/cây).

Còn về giải pháp công trình, tỉnh chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát, phân loại, sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ sạt lở tại các khu vực sạt lở bờ sông, kinh, rạch; chủ động huy động các nguồn lực của địa phương và nguồn vốn khác để xử lý sạt lở bờ sông, kinh, rạch, trong đó ưu tiên thực hiện các giải pháp di dời nhà ở, di dời công trình… để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, đối với những điểm sạt lở nghiêm trọng vượt quá khả năng của huyện, UBND tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ kinh phí để xử lý, còn những điểm sạt lở nhỏ thì giao địa phương sử dụng nguồn kinh phí dự phòng xử lý. Bên cạnh các giải pháp chủ động về phía tỉnh, thời gian tới, tỉnh tiếp tục kiến nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ cấp bách cho các khu vực dân cư bị sạt lở nghiêm trọng, để đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng của người dân; đồng thời có hướng dẫn cụ thể về quy trình đầu tư xây dựng cơ bản cho trường hợp đặc biệt này.

Vừa qua, UBND tỉnh tổ chức họp bàn giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, kinh, rạch và chỉ đạo tập trung thực hiện một số nội dung như: Thành lập Tổ công tác kiểm tra, chỉ đạo xử lý sạt lở trên địa bàn tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng; chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành tỉnh có liên quan và UBND huyện Châu Thành kiểm tra và xử lý khẩn cấp sạt lở nghiêm trọng tại cầu Vĩnh Thới và bờ Đông kinh Thuộc Nhiêu (xã Vĩnh Kim); chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh có liên quan và UBND huyện Chợ Gạo nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị sớm triển khai Dự án Chống sạt lở kinh Chợ Gạo; chỉ đạo UBND huyện Chợ Gạo thực hiện xử lý khẩn cấp một số điểm sạt lở bờ kinh Chợ Gạo (bằng cừ tràm) đã và đang gây nguy hiểm về tài sản, tính mạng của nhân dân.

Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp, đôn đốc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thực hiện xử lý sạt lở khẩn cấp tại Trạm Kiểm soát Biên phòng ở Cồn Ngang. Đồng thời, tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp kết hợp mềm, dân gian và kè cứng trong phòng, chống sạt lở bờ sông, kinh, rạch trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu xây dựng ngắn gọn nội dung tuyên truyền về giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, kinh, rạch trên địa bàn tỉnh gửi cơ quan báo, đài, Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể để thông tin cho hội viên, đoàn viên, người dân biết và chủ động phòng, tránh...

QUỐC ANH

.
.
.