Thứ Ba, 10/10/2017, 10:47 (GMT+7)
.

Đôi điều suy nghĩ về "bệnh thành tích" trong giáo dục

Cách đây hơn 10 năm, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phát động phong trào chống bệnh thành tích. Những ngày ấy, hầu hết những ai lần đầu nghe đến cụm từ này có cảm giác “lạ tai”, nhưng nghe dần thì quen và rồi cùng khẳng định có lẽ đây là cụm từ chính xác nhất để chỉ một trong những thực trạng trong ngành GD-ĐT lúc bấy giờ. Thời gian đầu, việc chống “bệnh thành tích” trong ngành GD-ĐT đạt được những kết quả khá khả quan, nhưng dần dần căn bệnh này có vẻ “lờn thuốc” và “tái phát”, “biến chứng”.

Ảnh minh họa. Ảnh: Ngọc Diệp/dantri.com.vn
Ảnh minh họa. Ảnh: Ngọc Diệp/dantri.com.vn

Cho đến nay, căn “bệnh thành tích” đã như thế nào? Trong khuôn khổ bài báo này, xin mạnh dạn chỉ ra những biểu hiện của nó trong giáo dục phổ thông và đi tìm nguyên nhân cũng như “phương thuốc” để  “chữa trị”.

“Thành tích” được hiểu là: “Kết quả được đánh giá tốt do nỗ lực mà đạt được” (Từ điển tiếng Việt, do Hoàng Phê chủ biên, xuất bản năm 1994). “Bệnh thành tích trong giáo dục” căn cứ từ thực tế diễn ra trong hoạt động của ngành GD-ĐT, có thể được hiểu là “đề ra chỉ tiêu thành tích vượt quá khả năng thực hiện và kiên quyết đạt được chỉ tiêu thành tích ấy; khi không đạt được thành tích như mong muốn nên dối trá, báo cáo láo rằng đã đạt được”.

Trong hoạt động của bất cứ lĩnh vực nào, việc đề ra chỉ tiêu nhằm cố gắng phấn đấu, nỗ lực để đạt được đỉnh cao mới là một điều hoàn toàn tốt đẹp, sẽ thúc đẩy sự phát triển. Tuy nhiên, nếu đề ra chỉ tiêu vượt quá khả năng thực hiện, điều kiện khách quan không cho phép để có thể thực hiện mà lại cố gắng đạt được chỉ tiêu đề ra thì sẽ là “duy ý chí”, gây ra áp lực nặng nề cho người thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, trong không ít nhà trường phổ thông, kiểu “bệnh thành tích” này đã thể hiện qua các biểu hiện cụ thể, ở giáo viên (GV) và cả cán bộ quản lý như:

GV chủ nhiệm (GVCN) phải duy trì sĩ số học sinh (HS) lớp mình ở một tỷ lệ cao do chi ủy và ban giám hiệu (gọi tắt là lãnh đạo) nhà trường quy định, nếu không đạt được tỷ lệ duy trì sĩ số này, GV sẽ bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ. Ở các trường thuộc vùng kinh tế phát triển, điều kiện học tập của HS thuận lợi, chất lượng học tập của HS khá tốt thì việc duy trì sĩ số HS ở tỷ lệ cao là một điều hết sức đơn giản, nhưng ở những trường thuộc vùng kinh tế khó khăn, chất lượng học tập chưa cao thì việc duy trì sĩ số HS theo chỉ tiêu đề ra là một việc khó, nhất là đối với HS đầu cấp (lớp 6, lớp 10), trong khi hiện nay đa số các trường phổ thông đề ra chỉ tiêu duy trì sĩ số thấp nhất là 97%. Nhiều GVCN đã làm mọi cách để HS của mình không bỏ học, như nhờ GV bộ môn dạy kèm nếu HS học yếu; giúp HS từ quần áo, sách vở đến hỗ trợ học phí, đến nhà động viên, thuyết phục gia đình HS…; tuy nhiên, có HS vẫn bỏ học. Chúng tôi từng biết, có GVCN đến nhà thuyết phục HS đi học lại đã bị cha mẹ HS nói nặng lời…
GVCN phải hoàn thành các khoản thu từ HS, như các loại học phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể… Việc thu các loại tiền này có thang điểm trừ, điểm cộng trong chỉ tiêu thi đua hẳn hoi. Không thu đủ sẽ bị xếp loại “không hoàn thành nhiệm vụ”. GVCN nào cũng “rầu lòng” khi làm chủ nhiệm lớp có nhiều HS thuộc gia đình khó khăn về kinh tế hoặc cố ý không tham gia BHYT.

GVCN phải chịu trách nhiệm về sự rèn luyện của HS lớp mình. Có trường, nếu HS vi phạm nội quy, quy chế, GVCN cũng bị trừ điểm thi đua. Hằng tuần, giám thị nhà trường tổng kết các tiết học của HS, xếp hạng thi đua giữa các lớp. Lớp nào có số điểm trừ nhiều (do HS vi phạm nội quy nhiều, như không thuộc bài, không làm bài, gây mất trật tự trong giờ học, làm vệ sinh trường lớp theo phân công không tốt…) thì GVCN hoàn toàn chịu trách nhiệm. Vậy mới có trường hợp GV này vui vẻ khi được phân công chủ nhiệm lớp “ngoan”, GV kia thở dài lo lắng khi phải chủ nhiệm lớp “quậy”.

GV dạy lớp phải đạt được các chỉ tiêu về tỷ lệ chất lượng môn lớp mình phụ trách (bao nhiêu phần trăm HS có điểm trên trung bình, khá, giỏi…). GV có thể đăng ký tỷ lệ này, nhưng phải trên mức tối thiểu do lãnh đạo nhà trường quy định. Thực tế đã có không ít GV “rớt” thi đua vì không đạt chỉ tiêu chất lượng bộ môn mình giảng dạy. Tóm lại, HS bị điểm thấp thì GV phải chịu trách nhiệm. Có những trường ở tỉnh ta, học sinh lớp 10 có điểm tuyển sinh đầu vào là 7 điểm (điểm thi tuyển 3 môn Toán, Văn và Anh văn, trong đó Toán và Văn đã nhân hệ số 2, cộng thêm 1 điểm nếu HS ở vùng sâu), mà quy định GV giảng dạy phải đăng ký tỷ lệ HS trên trung bình tối thiểu là 50%, tỷ lệ HS lên lớp thẳng chiếm trên 85% thì quả là khó đạt được…

Về phía lãnh đạo nhà trường, phải lãnh đạo, quản lý, điều hành nhà trường đạt được những chỉ tiêu thi đua do cấp trên quy định, như duy trì sĩ số HS toàn trường, tỷ lệ HS lên lớp thẳng, tỷ lệ HS tham gia BHYT (phải là 100% HS tham gia) và nhiều chỉ tiêu khác do áp lực từ cấp trên hoặc tự họ đặt ra, để khẳng định chất lượng giáo dục của nhà trường…

Nếu như “bệnh thành tích” vừa kể trên chỉ gây áp lực căng thẳng cho GV, cho bộ phận quản lý nhà trường thì kiểu bệnh “khi không đạt được thành tích như mong muốn nên dối trá, báo cáo láo rằng đã đạt được” thì rất nguy hại.

Vậy đâu là nguyên nhân của “bệnh thành tích”? Có thể do những nguyên nhân sau:

Sự áp đặt chỉ tiêu từ các cấp quản lý. Nếu cứ muốn thành tích đạt được phải cao mà không căn cứ vào tình hình thực tế ở cơ sở thì sẽ tạo ra tình trạng “chạy thành tích” ở các cơ sở giáo dục cấp dưới.

Lãnh đạo các trường mắc “bệnh thành tích” không có năng lực lãnh đạo, quản lý nên không đưa được chất lượng giáo dục nhà trường đi lên, buộc phải gian dối, báo cáo láo.

GV không chịu nổi áp lực chỉ tiêu được giao hoặc không đủ năng lực giảng dạy.

Các cấp quản lý giáo dục buông lỏng kiểm tra, đánh giá, không nắm bắt được tình hình thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở nên “bệnh thành tích” cứ hoành hành.

Để “chữa trị” căn “bệnh thành tích” trong giáo dục, có nhiều “phác đồ điều trị”, nhưng có lẽ những biện pháp sau đây không thể thiếu: Xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể chạy theo thành tích “ảo”. Khi giao chỉ tiêu thi đua cho cá nhân hoặc cơ sở giáo dục nào đó thì phải có sự khảo sát, phân tích, đánh giá khách quan, khoa học những thuận lợi và khó khăn mà đối tượng được giao nhiệm vụ sẽ đối mặt. Biểu dương sự cố gắng phấn đấu và phê phán sự yếu kém. Đừng xem trọng những con số trong các báo cáo, mà hãy đánh giá bằng thực tiễn. Tăng cường thanh tra, giám sát, tư vấn để các tập thể, cá nhân hoàn thành nhiệm vụ được giao. Uốn nắn tư tưởng cán bộ quản lý giáo dục và GV để họ dũng cảm đối mặt với sự yếu kém của mình, chứ không chạy theo thành tích...

“Bệnh thành tích” trong bất cứ lĩnh vực nào cũng gây tác hại, đáng lên án, đặc biệt là trong giáo dục “bệnh thành tích” rất nguy hiểm, vì “sản phẩm” của giáo dục là con người, có tri thức, có tư tưởng, tâm hồn. Nền giáo dục chạy theo thành tích “ảo” là nền giáo dục  yếu kém. Chúng ta tin rằng “căn bệnh thành tích” trong nền giáo dục nước ta sẽ nhanh chóng bị đẩy lùi.

PHAN NGỌC THANH

.
.
.