Thứ Ba, 24/10/2017, 15:44 (GMT+7)
.

Những bất cập về việc học sinh học 2 buổi/ngày

Có thể nói, hiện nay, gần như tất cả các trường trung học phổ thông (THPT) trong tỉnh ta đều tổ chức cho học sinh (HS) học 2 buổi trong ngày, nhất là với HS lớp 12. Việc HS học 2 buổi/ngày sẽ có tác động tích cực và hiệu quả nếu được tổ chức một cách khoa học; ngược lại, sẽ gây hậu quả tiêu cực. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin nêu ra một số biểu hiện không hợp lý, không khoa học của việc dạy và học 2 buổi/ngày trong một số nhà trường THPT mà tôi từng biết.

Ảnh minh họa: Như Lam
Ảnh minh họa: Như Lam

Hiện nay, vì nhiều lý do khách quan, mỗi lớp học chính khóa đều có các đối tượng học sinh giỏi, khá, trung bình và yếu. Nếu ở lớp học trái buổi cũng xếp cả lớp chính khóa cùng học chung thì tình hình học tập chậm được cải thiện. Bởi nếu giáo viên (GV) quan tâm đến đối tượng HS yếu, giúp các em lấy lại kiến thức cơ bản, thì đối tượng HS cần kiến thức nâng cao sẽ không tiếp thu được kiến thức mới, vào lớp ngồi chỉ mất thời gian. Nếu dạy chương trình nâng cao cho HS giỏi, khá thì đối tượng HS yếu sẽ chán nản vì các em chẳng hiểu. Trường hợp bắt ép HS học thêm những môn các em không đăng ký dự xét tuyển vào các trường đại học cũng vậy, làm các em tốn thời gian và sức lực một cách vô ích.

Học thêm trái buổi, nhà trường bố trí GV dạy lớp chính khóa xuống dạy, có HS học yếu đã “than thở”, kiểu như: Ở lớp buổi sáng, thầy giảng em không hiểu gì cả; buổi chiều thầy lại giảng y như vậy, chán quá.

Hiện nay, ở chương trình chính khóa, HS học gần như kín hết các buổi trong tuần và còn học 3 tiết Thể dục và Quốc phòng trái buổi. Nay dạy thêm trái buổi và có không ít em đi học thêm ở bên ngoài vào buổi tối nên mệt mỏi, không còn sức lực để ôn bài, học bài và chuẩn bị bài mới.

Trong các lớp học thêm trái buổi trong trường, nội dung dạy học chủ yếu là GV giảng lại các kiến thức đã học ở chương trình chính khóa hoặc tăng cường kiến thức mà ở lớp chính khóa không có đủ thời gian để dạy. Lối dạy như thế này, nói nôm na là cứ “dạy đi dạy lại”, thụ động trong học tập, đi ngược với chủ trương dạy học tích cực, không phải “dạy cái”, mà là “dạy cách”, có nghĩa là, trong dạy học không phải dạy theo cách cung cấp, nhồi nhét kiến thức cho HS, mà là dạy phương pháp tìm kiếm, hình thành tri thức, HS tự kiến tạo tri thức cho mình trên cơ sở hướng dẫn của GV. Lối dạy học này sẽ phát triển năng lực tư duy, năng lực tự học, tự nghiên cứu của HS. Nếu trong các buổi học thêm, GV rèn luyện cho HS phương pháp tự học, tự nghiên cứu để HS  chủ động, tích cực lĩnh hội kiến thức bài học thì đó là điều rất tốt. Còn không, việc học thêm sẽ để lại hệ lụy không nhỏ cho HS: Mất nhiều thời gian, sức khỏe, tiền bạc…, mà hiệu quả chẳng là bao.

PHAN NGỌC THANH

.
.
.