Thứ Bảy, 06/01/2018, 16:05 (GMT+7)
.

Đầu năm bàn chuyện "cởi trói" cho xuất khẩu gạo

Hồi đầu năm 2017 trong quyền hạn của mình, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ quy định tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo trong cả nước do chính bộ này ban hành vào năm 2013, vốn bị nhiều chuyên gia và doanh nghiệp phàn nàn là rào cản cho các thương nhân muốn tham gia xuất khẩu gạo mấy năm qua.

Thương nhân trông chờ Chính phủ
Thương nhân trông chờ Chính phủ "cởi trói" cho xuất khẩu gạo nhiều năm nay. Ảnh: TC

Nay, bộ này tiến xa hơn khi trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4-11-2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo, với nhiều điểm thay đổi theo hướng tạo thuận lợi, thông thoáng, giảm tối đa chi phí gia nhập thị trường của thương nhân.

Chính sách hạn chế đầu mối xuất khẩu gạo đã có từ cuối những năm 2000 khi xuất khẩu gạo tăng trưởng nóng về lượng, từ 3-4 triệu tấn gạo tăng dần lên 6-7 triệu tấn mỗi năm. Kéo theo sau là hàng trăm thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, tới mức có thương nhân kinh doanh hàng điện máy thấy “bán gạo ngon ăn” cũng nhào vào mua gom xuất khẩu. Tình trạng cạnh tranh diễn ra, dẫn tới giá lúa gạo trong nước bất ổn, suy cho cung là thiệt hại chung cho nền kinh tế và người nông dân trồng lúa.

Vào tháng 8-2013, Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo căn cứ theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP. Quy hoạch này đã khống chế tối đa cả nước có 150 đầu mối xuất khẩu gạo đến năm 2015, cùng với tiêu chí về kho chứa, cơ sở xay xát lúa gạo, thành tích xuất khẩu gạo… để được cấp chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo.

Chính sách trên thuần túy hành chính, không phù hợp với tự do cạnh tranh và hội nhập quốc tế, nhưng việc khống chế số đầu mối xuất khẩu gạo lúc ấy ít ra cũng lập lại trật tự nhất định trong xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, khi xuất khẩu gạo mấy năm nay đã đi vào chiều sâu, thị trường tiêu dùng gạo thế giới đòi hỏi gạo chất lượng cao, gạo có thương hiệu, nhãn mác thì chính sách này đã không còn phù hợp.

Nhiều thương nhân chuyên kinh doanh thương mại, mặc dù có khách hàng, có thị trường nhưng không có năng lực tài chính, vốn hoặc đất đai và nguồn nhân lực cần thiết để đầu tư vận hành kho chứa, cơ sở xay xát thóc gạo, do đó, đã không đáp ứng đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận. Rõ ràng, những quy định như thế này này đã trở thành rào cản đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ khi tham gia thị trường.

Trong giới kinh doanh gạo, ai cũng biết muốn xây dựng thương hiệu gạo là cả một quá trình, từ sản xuất tới thương mại, tiếp thị và phải bắt đầu từ vài tấn, vài lô hàng, vài container hay vài chục tấn gạo chứ không thể ngay một lúc xuất khẩu gạo có tên tuổi hàng chục ngàn tấn.

Xuất khẩu gạo phẩm cấp thấp và gạo thơm không có thương hiệu của Việt Nam ngày càng khó, tìm thị trường ngách bán vài ngàn tấn gạo không dễ. Hơn ai hết, chính Bộ Công Thương cũng thừa nhận, cái thời bán gạo phẩm cấp thấp, không thương hiệu với khối lượng lớn sang các thị trường tập trung nhờ đàm phán cấp Chính phủ, nhờ Hiệp hội Lương thực Việt Nam đấu thầu đã không còn, việc “cởi trói” cho các doanh nghiệp nhỏ, bán gạo bằng thương hiệu, nhãn mác là chuyện buộc phải làm.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.