Thứ Sáu, 14/09/2018, 20:20 (GMT+7)
.

Cán bộ, chính quyền và mạng xã hội

1- Việt Nam với 64 triệu người sử dụng Internet, trong đó có 55 triệu người "xài" facebook; rõ ràng chưa bao giờ vấn đề về mạng xã hội lại “nóng” như hiện nay. Mạng xã hội (MXH) giờ đã len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống, nó không còn là cái gì xa xỉ mà như “cơm bình dân” tiếp cận đến mọi tầng lớp. Hiệu ứng của MXH thì rất lớn, tác động cả hai cực; bên cạnh yếu tố tiêu cực, thì MXH đã đem đến nhiều điều tích cực cho xã hội và cả chính quyền. Đó là sự lan tỏa thông tin, kết nối cộng đồng, giám sát của xã hội, giúp chúng ta nắm bắt dư luận xã hội tốt hơn.

Nếu như các phần tử xấu, các đối tượng thù địch dùng MXH để tuyên truyền, lôi kéo, kích động người dân; thì tại sao chúng ta không chủ động sử dụng MXH để định hướng dư luận. Đã đến lúc công tác thông tin, tuyên truyền của ta cần có sự thay đổi; đặc biệt là với những cơ quan làm công tác truyền thông, định hướng dư luận xã hội, trong đó có trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Mới đây trong buổi làm việc với tỉnh Bình thuận, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã phát biểu“ Chúng ta không nên coi MXH như tội đồ. Chính người dùng MXH có thể làm cho MXH tốt lên hay xấu đi. Nếu mỗi cán bộ đảng viên đều lan tỏa một thông tin tốt thì xã hội sẽ tốt lên rất nhanh”.

Rõ ràng, MXH không xấu, vấn đề là ở người sử dụng, vẫn biết đó là trang cá nhân, nhưng nếu mỗi chủ tài khoản đều chuyển tải những thông điệp tốt đẹp, hướng thiện, nhân văn thì tác động tích cực đến xã hội sẽ được cộng hưởng rất nhiều.

2- Ở nước ta, một số cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, đang nỗ lực kết nối với người dân thông qua MXH. Cụ thể, từ tháng 10-2015, Chính phủ đã lập hai tài khoản Facebook là “Thông tin Chính phủ” và “Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia” với kỳ vọng giúp người dân tiếp cận nhanh các văn bản, quy phạm pháp luật mới ban hành; thông tin thời sự chính trị, kinh tế - xã hội, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước... Việc làm này không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, mà còn khuyến khích người dân đồng hành cùng Chính phủ, góp phần thiết thực định hướng dư luận trên MXH. Đây cũng được coi là kênh giám sát dư luận xã hội hiệu quả, từ đó các cơ quan ban hành chính sách lắng nghe và có những điều chỉnh phù hợp với thực tế đời sống, nguyện vọng của nhân dân.

a
Lễ ký kết hợp tác ứng dụng Zalo với tỉnh Tiền Giang trong cải cách hành chính công.

Đầu tháng 7/2017 UBND tỉnh Đồng Nai đã hợp tác với MXH Zalo trên cơ sở khai thác những tiện ích của mạng này để triển khai thêm kênh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân như: tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ, gửi tin nhắn thông báo tiến độ giải quyết hồ sơ, biên nhận điện tử ZMS, thu thập ý kiến phản hồi của công dân…

Hay mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh mở thêm kênh tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân từ MXH Facebook bằng hình thức lập fanpage.(https://www.facebook.com/1022tphcm/). Với phương thức này, người dân có thể sử dụng tài khoản facebook của cá nhân để kết nối với Fanpage của hệ thống 1022. Fanpage của hệ thống 1022 cho phép người dân truy cập và cung cấp thông tin phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật xảy ra trên địa bàn thành phố.

Với Tiền Giang, từ đầu năm 2018, tỉnh đã ký hợp tác với Zalo, chính thức triển khai tra cứu Hành chính công, dịch vụ chính quyền điện tử 4.0, hướng tới xây dựng Mỹ Tho thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020. Hiện nay, người dân Tiền Giang có thể truy cập vào Zalo chính thức của tỉnh tại địa chỉ zalo.me/hcctiengiang hoặc tìm kiếm với từ khóa “Cổng Hành chính công tỉnh Tiền Giang”. Các dịch vụ hiện tại gồm tra cứu hồ sơ bằng mã biên nhận hoặc mã QR, cập nhật tin tức mới nhất về tình hình kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, chính sách mới trên địa bàn tỉnh…

Trong tương lai, khi Tiền Giang hoàn thành các dịch vụ khác của Đề án đô thị thông minh như: Du lịch thông minh, camera thông minh, giao thông thông minh, giáo dục thông minh, bản đồ xe bus, tra cứu các điểm ngập mặn… sẽ tiếp tục tích hợp lên Zalo để phục vụ người dân. Một số huyện trong tỉnh Tiền Giang cũng đang sử dụng MXH để tương tác với người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính.

 MXH với tính tương tác và sự lan tỏa của nó buộc chính quyền phải năng động hơn; nhưng cũng giúp chính quyền gần dân hơn. Đây cũng là điều cần thiết để các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước tiếp cận nhanh với người dân. Qua đó, tạo niềm tin vào hệ thống công quyền, khoảng cách giữa chính quyền và người dân mới từng bước được xóa bỏ, góp phần tạo nên sự đồng thuận trong xã hội, nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội.

VI THẢO

 

.
.
.