Chủ Nhật, 21/07/2019, 21:09 (GMT+7)
.

'Made in Vietnam', hiểu sao cho đúng?

Với bất kỳ một quy tắc xuất xứ nào, quy định công đoạn gia công trên lãnh thổ một quốc gia, vùng thì hoàn toàn có thể ghi "Made in..." hay "Assembled in…".
 
a
 
Tại buổi tọa đàm "Thế nào là Made in Vietnam?" mới diễn ra, bà Bùi Kim Thùy, đại diện đến từ Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN chia sẻ đừng lấy "Made in Vietnam" ra để đong đếm lòng yêu nước. Mọi người vẫn quen với việc ghi "Made in" đâu đó trên nhãn hàng hóa. Nhưng thực tế, chuỗi cung ứng toàn cầu đã rất đầy đủ cho phép doanh nghiệp sản xuất "Made in the world". Do vậy, với bất kỳ một quy tắc xuất xứ nào, quy định công đoạn gia công trên lãnh thổ một quốc gia, vùng thì hoàn toàn có thể ghi "Made in..." hay "Assembled…" tại nơi đó.
 
Bà nêu quan điểm không nên quan trọng có bao nhiêu nguyên liệu, đến từ đâu mà cần nhớ công đoạn gia công cuối cùng là ở Việt Nam và đặt quy tắc xuất xứ nên nghĩ đến vấn đề này.
 
Bà dẫn ví dụ về sản phẩm của một doanh nghiệp điều trong nước với quy trình lấy giống tại Việt Nam, ghép thêm giống tại Thái Lan thành cây con, trồng cây con ở Campuchia và sau đó có sản phẩm điều thô từ Campuchia lại chuyển về Việt Nam chế biến. Thành phẩm cuối cùng được bán tại Việt Nam. Từ ví dụ này, bà đặt vấn đề cây trồng ở Campuchia, giống ở phòng thí nghiệm tại Thái Lan và Việt Nam nhưng hàm lượng chất xám nhiều, của người Việt Nam nên không thể lượng hóa được với sản phẩm này.
 
Việt Nam hiện nay là quốc gia xuất khẩu điều nhưng 50% nhập khẩu từ châu Phi, cũng giống như Mỹ có thế mạnh trồng bông, Trung Quốc là công xưởng các sản phẩm linh kiện, điện tử giá rẻ.
 
Cũng theo đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, các hiệp định CPTPP, EVFTA đều quy định xuất xứ rất linh hoạt, gần như cho phép toàn bộ nguyên liệu có thể nhập ở bên ngoài, thậm chí cho nhập từ bất kỳ đâu với hàng điện tử, ôtô, máy móc, động cơ được kết nối từ hàng trăm linh kiện rời khác nhau, chỉ cần chứng minh mã HS đã được chuyển đổi.
 
Ông Trần Ngọc Trung, cố vấn cao cấp tại Công ty Luật Baker & McKenzie, cho rằng dưới góc độ người tiêu dùng, vấn đề xuất xứ cuối cùng chính là chất lượng hàng hóa.
 
Dưới góc độ doanh nghiệp, những quy định chặt chẽ, khó tuân thủ trở thành gánh nặng cho sự phát triển. Từ kinh nghiệm thực tế, chuyên giaBaker & McKenzie cho rằng những khách hàng lớn tại công ty này tuân thủ chặt chẽ về quy định xuất xứ song chính họ cũng mắc phải những sai lầm.Cơ quan quản lý Nhà nước phải song hành với chất lượng, chứ không chỉ tập trung vào vấn đề xuất xứ, còn sản phẩm đáp ứng quy trình xuất xứ nhưng hàng kém chất lượng thì thương hiệu Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng.
 
Trong vụ Asanzo, người tiêu dùng phản ứng vì không tin vào chất lượng hàng hóa Trung Quốc. Ông đặt câu hỏi: Nếu Asanzo nhập linh kiện từ Nhật Bản và gắn mác "Made in Japan" thì sao.
 
Do đó, theo ông, cần có sự cân bằng giữa việc quản lý chất lượng và quản lý xuất xứ. Việt Nam đang hội nhập, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nên nếu đặt ra quy định quá chặt về xuất xứ thì sẽ có nhiều sản phẩm không xác định được xuất xứ. Ngược lại, nếu các quy định quá lỏng lẻo thì những câu chuyện về quyền lợi người tiêu dùng cũng cần được đặt ra.
 
Ông Trung cho rằng ưu đãi về thuế không dựa trên xuất xứ. Bởi nếu dựa vào xuất xứ thì các ưu đãi sẽ vi phạm các cam kết quốc tế về vấn đề đối xử trong đầu tư, thương mại.
 
Tuy nhiên, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại thuộc VCCI, cho rằng xuất xứ là căn cứ xác định thuế cho sản phẩm. Việc đáp ứng các quy định về quy tắc xuất xứ giúp cho nền kinh tế quốc gia phát triển.
 
"Đôi giày muốn đáp ứng được quy tắc xuất xứ thì phải sử dụng những nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam, như da, vải, cao su sản xuất đế giày. Thực hiện đúng quy tắc xuất xứ tạo đà cho các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, như ngành công nghiệp về da, dệt, cao su", bà chia sẻ.
 
Đồng tình với ông Trung, bà Hương cho biết ứng xử của người mua bị tác động bởi chất lượng thay vì xuất xứ của sản phẩm. Ví dụ, người tiêu dùng mua một đôi giày Nike hay Adidas là thường mua thương hiệu, thay vì xác định nguồn gốc sản xuất.
 
Đề cập đến tình trạng gian lận thương mại, bà Hương nói các doanh nghiệp ngày càng tinh vi, mua đi bán lại nhiều lần nhằm trốn tránh sự kiếm soát của các cơ quan chức năng.
 
(Theo enternews.vn)
 
.
.
.