Thứ Năm, 24/10/2019, 21:41 (GMT+7)
.

Có thể đánh giá con người qua... mạng xã hội

Những gì chúng ta “trưng” lên mạng xã hội đều được lưu lại. Nghĩa là, hôm nay bạn viết và bình luận gì về người khác là cơ sở để đánh giá về chính con người bạn
 
a
Đại biểu Thuận Hữu - Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam
Những vấn đề nóng bỏng, mặt trái của mạng xã hội đã được Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân Thuận Hữu (đoàn Đại biểu TP Hải Phòng) phát biểu tại nghị trường: “Mạng xã hội thể hiện quan điểm, lối sống, suy nghĩ, nhân cách của mỗi người. Nhưng thực tế hiện nay, mở máy ra thì thấy “mạng xã hội chửi từ trên xuống dưới, không chừa một ai; chửi tràn lan cơ quan công quyền như hát hay”.
 
Thời gian gần đây, với sự phát triển của công nghệ thông tin, chỉ cần một cái nhấp chuột, những hình ảnh, video có thể được truyền tải khắp nơi. Đó là kẽ hở cho những hành vi lệch chuẩn có đất dụng võ.
 
Theo một con số thống kê, Việt Nam hiện có 64 triệu người dùng Internet, chiếm 66% dân số. Trong đó có đến 99% người dùng Internet xem video mỗi tháng. Đặc biệt, có 96% người dùng xem video trên YouTube. Có thể nói số người dùng Internet ở Việt Nam được xếp ở thứ hạng cao trên thế giới.
 
Nghịch lý ở chỗ, càng tiêu cực, càng xấu xí lại càng dễ dàng nổi tiếng. Đó là hiện tượng “Lệ rơi” hát dở từng làm mưa làm gió; hay như “Trần My” với những phát ngôn thiếu suy nghĩ lại được tôn lên thành “trend”-xu hướng. Và quyền riêng tư, thông tin cá nhân của người dùng trên mạng xã hội hiện vẫn chưa được coi trọng.
 
Chẳng hạn: Từng có chuyện một nữ sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Đức Mậu, Nghệ An, tự tử tại ao nước gần nhà đã khiến dư luận không khỏi tiếc thương. Nguyên nhân dẫn đến cái chết đau lòng này xuất phát từ clip ghi lại cảnh nữ sinh này và bạn trai đang hôn nhau trong lớp bị phát tán trên mạng xã hội. Đoạn clip đã nhận được không ít những lời bình luận ác ý, chế giễu hướng về phía nữ sinh lớp 11.
 
Hoặc, nữ sinh lớp 10 ở Đồng Nai, tự tử bằng thuốc diệt cỏ do bị bạn trai tung clip “nóng” lên mạng xã hội; Nữ sinh lớp 12 ở Thạch Thất (Hà Nội), tự tử sau khi nhận được những lời thách thức, trêu đùa từ một tấm ảnh chế (ghép mặt mình với một cô gái có thân hình hở hang) đăng lên mạng xã hội; Nữ sinh lớp 12 ở Đà Nẵng uống thuốc an thần tự tử do bị một fanpage đăng tải bài viết vu khống, xúc phạm danh dự…
 
Và nói đến hiện tượng mạng xã hội thì chúng ta không thể nói đến “giang hồ mạng” Khá Bảnh. Đời sống của Khá “bảnh” được mô tả là sự tổng hợp của bạo lực, văng tục chửi bậy và khoe của. Đáng nói là những hành vi vô văn hóa của Khá “bảnh” tuy gây ảnh hưởng xấu nhưng lại không dễ để xử lý, thậm chí còn trở thành “biểu tượng” để tung hô của một bộ phận giới trẻ học sinh.
 
Nguy hiểm hơn khi theo kết quả đo lường từ một công cụ chuyên theo dõi YouTube, kênh video của Khá “bảnh” có lượng người theo dõi xếp thứ 59 tại Việt Nam, vượt qua rất nhiều kênh video nổi tiếng và có nội dung giáo dục.
 
Thực tế trên cho thấy, bên cạnh việc tạo kết nối, giao tiếp giữa người dùng, mạng xã hội còn giống như một cái chợ chứa đầy rẫy “rác văn hóa”. Trên Facebook, nhiều người tự cho mình được cái quyền đăng ảnh, clip của người khác, hay chửi bới, thậm chí làm nhục bất kỳ ai nếu họ thấy “ngứa mắt”.
 
Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: “Với lối sống của nhiều gia đình hiện nay đang hình thành một lớp người ích kỷ, vô cảm, thờ ơ, thiếu lý tưởng và thực dụng. Nền tảng gia đình có nhiều điều phải nói, giá trị nền tảng đạo đức, truyền thống lung lay nhưng hình như chưa được chú ý đúng tầm”.
 
Cũng theo Đại biểu Thuận Hữu thì “Việc ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội nhiều lúc bất lực. Những thông tin giả, xấu, kích động tung ra nhưng rất đáng tiếc là các cơ quan công quyền nhiều khi lại chạy theo truyền thông để xử lý vấn đề”.
 
Vấn đề ở chỗ, ít ai biết, những lời xúc phạm, nhục mạ người khác trên Facebook là tự bôi đen chính mình. Bởi vì, những gì chúng ta “trưng” lên mạng xã hội đều được lưu vào "lý lịch số". Nghĩa là, hôm nay bạn viết và bình luận gì về người khác là cơ sở để đánh giá về chính con người bạn.
 
Chính vì vậy, việc mạng xã hội phát triển quá mức và mất kiểm soát như hiện nay, các nhà quản lý xã hội thay vì tìm nguyên nhân, hãy tìm “chiếc áo pháp luật” thật vừa vặn cho mạng xã hội nói riêng và xã hội nói chung.
 
Đồng thời, mỗi cá nhân khi tham gi mạng xã hội cần phải tỉnh táo và biết kiềm chế những khen chê “vô thưởng vô phạt”, nếu không chúng ta rất dễ để mất cơ hội của mình.
 

(Theo enternews.vn)

.
.
.