Thứ Tư, 01/01/2020, 20:37 (GMT+7)
.

Động lực mới cho tăng trưởng

Năm 2020 là năm bản lề kết thúc chu kỳ 5 năm với mức tăng trưởng GDP đồng thời tạo đà cho chu kỳ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030.
 
Chính vì vậy, để hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt từ phía Chính phủ, các ngành, các cấp và các doanh nghiệp.
 
 
Nhận diện 6 “rào cản”
 
Thứ nhất, hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực. Theo Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo của Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 79% tổng số lao động, hậu quả là thiếu các kiến thức cơ bản, thiếu kỹ năng tay nghề, kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, đạo đức nghề nghiệp chưa cao, thiếu tinh thần và ý thức trách nhiệm trong công việc, tự do, tùy tiện, chậm thích nghi với môi trường làm việc mới.
 
a
Cơ cấu lao động đào tạo hiện không phù hợp, Việt Nam đang thiếu một đội ngũ thợ lành nghề để thực hiện vận hành một nền kinh tế hiện đại.
Thứ hai, cơ cấu lao động đào tạo không phù hợp. Nếu xét cơ cấu theo cấp đào tạo từ cử nhân/trung cấp/công nhân, chuẩn mực của các nước đang phát triển là 1/4/10, thì ở Việt Nam hiện nay là 1/0,98/3,02. Điều này phản ánh Việt Nam đang thiếu hẳn một đội ngũ thợ lành nghề để thực hiện vận hành một nền kinh tế hiện đại.
 
Thứ ba, chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo ngày càng tụt hậu. Số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, thậm chí nhóm có trình độ chuyên môn cao ở Việt Nam có khuynh hướng hiểu biết lý thuyết khá, nhưng lại kém về năng lực thực hành và khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp. Khả năng làm việc theo nhóm, tính chuyên nghiệp, năng lực sử dụng ngoại ngữ là công cụ giao tiếp và làm việc của nguồn nhân lực còn rất hạn chế. Đây là điểm yếu trong môi trường làm việc có yếu tố nước ngoài của lao động Việt Nam.
 
Thứ tư, công nghệ thấp, chính sách đầu tư tạo công nghệ cao còn nhiều bất cập. Công nghệ sử dụng phổ biến ở Việt Nam chủ yếu ở trình độ thấp và lạc hậu. Theo kết quả của một cuộc điều tra, khoảng 80 - 90% công nghệ mà các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng là công nghệ nhập ngoại, trong đó có tới 76% máy móc, dây chuyền công nghệ thuộc thế hệ những năm 80 - 90 của thế kỷ trước. Tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam chỉ đạt 2% trong khi đó tỷ lệ này ở Thái Lan 30%, Malaysia 51%, Singapore 73%.
 
Chính sách chuyển giao công nghệ thông qua FDI gần như không thực hiện được, đa số các dự án FDI đều chỉ nhằm mục tiêu sử dụng lao động rẻ và khai thác bòn rút tài nguyên. Chính sách “hun đúc công nghệ trong nước” thông qua R&D hiệu quả thấp. Nhiều nghiên cứu không được triển khai, có thể không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với thực tế, nhưng cũng có trường hợp không có cơ chế triển khai.
 
Thứ năm, khó khăn trong hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân. Quy mô doanh nghiệp quá nhỏ và đang có xu hướng “nhỏ hoá”. Trong số các DNNVV, có tới 98% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khu vực tư nhân còn thiếu các doanh nghiệp lớn, đồng thời lại thiếu những doanh nghiệp vừa để có thể sớm trở thành những doanh nghiệp lớn.
 
Thứ sáu, chưa tạo được vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, dựa trên thế mạnh là các sản phẩm nông nghiệp có quy mô lớn, giá trị kinh tế cao. Trên thực tế, Việt Nam có khả năng tạo dựng chuỗi giá trị sản xuất liên kết nông nghiệp – công nghiệp chế biến - thương mại dịch vụ, dựa trên cơ sở các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, mang tính đặc trưng, có lợi thế gắn với từng địa phương, thu hút được các doanh nghiệp, các nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, đồng bộ từ khâu đầu vào - sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Nhưng thời gian qua, chúng ta chưa tổ chức được nên chỉ tồn tại ở xuất khẩu nông sản thô, giá trị thu được không cao.
 
4 giải pháp để xác định vị thế
 
Để có thể thực hiện được các mục tiêu Việt Nam trở thành nước phát triển có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 cần tháo gỡ những rào cản vốn làm chậm tốc độ phát triển kinh tế Việt Nam thời gian qua.
 
Một là, cần có khu vực tư nhân đổi mới, năng động, sáng tạo, thực sự là động lực tăng trưởng số 1 của nền kinh tế, dựa trên nòng cốt là các tập đoàn kinh tế tư nhân chi phối ngày càng nhiều ngành và lĩnh vực của nền kinh tế. Để thực hiện điều này, cần thay đổi tư duy để thực sự cởi trói và giải phóng sức sản xuất cho khu vực này. Trong quá trình giải phóng sức sản xuất cho khu vực tư nhân, cần tăng cường giám sát của xã hội đối với khu vực này để tránh trường hợp trục lợi hay chi phối, móc nối bất hợp pháp với nhà nước.
 
Hai là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao luôn duy trì động lực sáng tạo, mạnh dạn khởi nghiệp và phát triển kinh doanh theo phương thức hiện đại và chấp nhận rủi ro. Để thực sự có được động lực này, cần tạo sự cạnh tranh đối trong giáo dục đào tạo, lấy việc đáp ứng nhu cầu xã hội là cơ sở để kiểm định chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo, thực hiện đa dạng hóa loại hình đầu tư giáo dục, ví dụ có cả sự tham gia của FDI. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư phát triển giáo dục cấp tiểu học - cơ sở của giáo dục) và giáo dục nghề -đáp ứng nhu cầu xã hội cần có.
 
Ba là, đẩy mạnh áp dụng KHCN cao trong các ngành kinh tế như sản xuất, kinh doanh và thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Để tạo dựng thực sự động lực này, cần kết hợp chính chuyển giao công nghệ từ bên ngoài, đặc biệt nhấn mạnh đến nhập khẩu công nghệ bằng nguồn vốn của tư nhân, thay đổi tư duy thu hút FDI theo hướng chất lượng dòng vốn. Nghiên cứu, phát triển công nghệ đặc thù trong nước, nhấn mạnh đến mô hình khu công nghệ cao, chính sách gắn kết các nhà khoa học công nghệ với các tập đoàn, đơn vị kinh tế nhằm đổi mới công nghệ. Nhà nước tăng cường quỹ đầu tư mạo hiểm.
 
Bốn là, thiết lập được vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chuỗi giá trị này bắt nguồn từ những ngành sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, quy mô lớn. Từ đó, đầu tư phát triển các ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ tương ứng với quy trình cung cấp đầu vào là xử lý chế biến và đầu ra theo chiều sâu, tiêu thụ các sản phẩm dựa trên công nghệ cao.
 
(Theo enternews.vn)
.
.
.