Thứ Sáu, 24/01/2020, 11:31 (GMT+7)
.

Tìm một lời giải khác cho bài toán tam nông

Lật đọc mấy bận bài Lời giải cho bài toán tam nông là ở phát triển đô thị của tác giả Huỳnh Thế Du đăng trên TBKTSG ngày 2-1-2020, tôi cứ áy náy, thấy ngờ ngợ với các vấn đề tác giả đặt ra. Thay vì cổ xúy cho tích tụ ruộng đất hay hiệu quả quần tụ tập trung vào các đô thị như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, không lẽ ta không có phương sách nào khác, nhưng cần thiết và lâu bền cho hiện trạng nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam?

Thị trường thế giới đã thay đổi cách vận hành mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ảnh minh họa: Báo Đầu tư
Thị trường thế giới đã thay đổi cách vận hành mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ảnh minh họa: Báo Đầu tư.

Đúng là những bài học kinh nghiệm phát triển tam nông trên thế giới trước đây từng cổ súy cho tích tụ ruộng đất, đại nông trường, đại sản xuất... Cũng không phải không có những “cánh đồng lớn” được hình thành với chủ đích tạo cú hích cho tam nông cất cánh. Nhưng sự thể hình như đã khác. Vấn đề “cánh đồng lớn” ồn ào chưa được bao lâu, nay ít ai muốn nhắc đến, không phải do nhà nông hay doanh nghiệp không làm được, mà do cách vận hành của thị trường thế giới đã thay đổi.

Ngay tại nhiều nước Âu, Mỹ, nhiều đại công - nông trường, nhiều khu vực kinh doanh, làm việc tập trung, người ta đã thấy có cái gì đó không bền vững cho bản thân doanh nghiệp và nhất là cho sinh kế của mỗi khu vực và từng gia đình. Nhiều nhà nghiên cứu về tam nông ở một số nước châu Âu đang cho rằng cái vườn tạp đôi khi lại giúp cho sinh kế từng nông hộ ổn định và bền vững hơn là phải theo bài toán phát triển cũ.

Ở Việt Nam, hiện tình là ngay cả đất đai công sản, kể cả đất quốc phòng, còn bị xẻ thịt chia lô thì trộm nghĩ liệu còn có đủ lòng tin thúc đẩy tích tụ đất nông nghiệp giao cho các đại gia để họ làm ăn lớn? Tại sao ta không tìm cách giải bài toán từ thực tế: một nền sản xuất nông nghiệp nhỏ đang cần gì để trở mình phát triển, đang mong gì để tự nó phát triển bền vững?

Thật vậy, doanh nghiệp sản xuất lớn, có lượng hàng hóa lớn chưa chắc đã có tỷ suất lợi nhuận tốt và an toàn bảo đảm cho nhà nông phụ thuộc có được sinh kế bền vững. Ngay cả các thương phẩm như gạo, cà phê và nhiều thứ khác cũng không phải cứ tạo được nguồn hàng lớn là có thể “hét giá” cho thiên hạ sợ. Câu chuyện tích tụ ruộng đất, tạo cánh đồng lớn thời gian qua sở dĩ không thành công chính là do chúng ta cố sản xuất hàng hóa cho thật nhiều mà quên rằng tăng sản lượng phải đi đôi với lợi nhuận.

Nói vậy để thấy sản xuất và kinh doanh nông sản hiện nay phải... đi theo luồng, nhất là các mặt hàng có liên hệ mật thiết với các sàn giao dịch thương phẩm phái sinh. Đó là phải chiều theo dòng vốn - tài chính và tham dự vào chuỗi cung ứng của mặt hàng ấy. Một nước nào đó có lượng hàng nông sản xuất khẩu chủ lực áp đảo so với các nước khác, nếu không nắn dòng vào chuỗi cung ứng thì cũng đều phải chịu cảnh bán hàng rong, không hơn không kém! Điều mà nông dân và doanh nghiệp kinh doanh nông sản nước ta đang cần là các công cụ kinh doanh, các bài học giúp họ hòa nhập và chơi được những “trò chơi mới” của thị trường.

Thêm một câu hỏi được đặt ra là liệu có nhất thiết phải tập trung nông sản về các khu đô thị lớn? Theo tôi, một đất nước khí hậu nhiệt đới gió mùa, địa hình khó khăn về giao thông như Việt Nam, thì những trung tâm chế biến, các khu công nghiệp thực phẩm nằm ngay tại nguồn nguyên liệu là rất cần thiết. Cứ nghĩ phải chở một chuyến xe tôm từ Cà Mau lên TP. Hồ Chí Minh để chế biến xuất khẩu chẳng hạn, nghe ra chẳng có gì là hợp lý.

Một điều khác nữa, tỷ lệ đề tài nghiên cứu sản xuất và ứng dụng cho tiêu thụ sản phẩm trên thị trường là bao nhiêu, hay hầu hết chỉ tập trung vào các đề tài tăng sản lượng? Cần thấy xu hướng tiêu thụ thực phẩm hiện nay không còn mang tính đại trà. Củ khoai tôi ăn và cảm thấy khoái khẩu, nhưng người Nhật thích loại khác. Làm sao để sản xuất ra loại khoai bán cho thị trường Nhật mà vào tỉnh A thì là loại này, còn sang tỉnh B phải là loại khác. Điều này, cánh đồng lớn không làm được nhưng từng nhà nông thì biết chuyện ấy. Đáng tiếc, họ cần nhiều hơn những nhà chuyên môn, những cơ quan hữu trách cùng với họ tìm giống, chọn đất để làm cho ra củ khoai có mùi vị mà khách hàng muốn.

Nhà nông ngày nay thường nghe nói đến những vấn đề của “nông nghiệp thời bốn chấm”, nghe thì có vẻ hiện đại nhưng chung quy mục tiêu hiện vẫn là bảo đảm cho nhà nông, nhà vườn có thể tồn tại bền vững trên mảnh đất dù to dù nhỏ của mình và với sản phẩm của mình, theo một chuỗi cung ứng, tránh những cơn gió chướng về giá mà giới đầu cơ tài chính đang kiểm soát trên nhiều thị trường thương phẩm nông sản.

Giải bài toán tam nông nước ta hiện nay đâu cần điều gì xa vời mà chính ở việc các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu khoa học có chịu nhìn nhận thực tiễn sản xuất nhỏ, và dựa trên cơ sở ấy, giúp nhà nông phát triển các phương tiện sản xuất sản phẩm mới theo yêu cầu người tiêu dùng, đem được hàng ra thị trường, tăng thu nhập.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.