Thứ Bảy, 04/04/2020, 21:06 (GMT+7)
.

Ở nhà là yêu nước!

Khái niệm yêu nước lúc này có nội hàm rất giản đơn, đó là "ở nhà", "biết sợ" và đừng nghĩ con VirusCorona sẽ chừa mình ra!
 
Mấy ngày nay, dãy quán cà phê sầm uất nhất thành phố Đông Hà (Quảng Trị), trên đường Đào Duy Từ trở nên vắng vẻ, khách khứa lưa thưa, đến uống vội rồi đi chứ không cằn cà như mọi khi.
 
Chị chủ quán hối hả, tai mắt liên tục nghe ngóng, nhắc nhở những vị khách ngồi hơi lâu. Mấy người bán vé số không còn cơ hội tiếp cận khách hàng của mình như mọi khi, vài em tiếp thị thuốc lá, dầu gội đầu cũng chẳng thấy đâu.
 
Phần lớn cửa hàng trên các con phố đã đóng cửa, tàu hỏa không còn chạy nhặt như bình thường nên hai nhân viên gác chắn ngồi tiu nghỉu một góc nghịch điện thoại, chắc là đọc tin về COVID-19!
 
Bảy giờ mười lăm sáng trên trục đường trung tâm, nơi tọa lạc của nhiều cơ quan đầu não, dòng người không còn đông đúc hối hả như mọi khi, ai cũng vội vụt qua để về nhà, đương nhiên rồi - cái khẩu trang là vật dụng dễ thấy nhất.
 
a
Giờ cao điểm nhưng tuyến đường sầm uất nhất TP. Đông Hà (Quảng Trị) không đông đúc như mọi khi (Ảnh: Khắc Trà)
 
Ở nông thôn, sáng tinh mơ, loa xã (tương đương loa phường) phát đi bản tin không mấy dễ chịu với nhiều người, vậy là những dịch vụ “xa xỉ” nhất ở cái làng này là quán cà phê, ăn sáng bị hạn chế tụ tập.
 
Sáng 31-3, Thủ tướng chính phủ ban hành chỉ thị 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, đặc biệt là thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4.
 
Đây là lần cách ly đầu tiên trong lịch sử. Cách ly không phải là phong tỏa và cấm hoàn toàn việc đi lại, mà là dự lệnh, khuyến cáo, kêu gọi người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc để VirusCorona ít có cơ hội lây lan.
 
Kinh tế có thể suy thoái, thu nhập có thể hẹp lại, nhu cầu cá nhân tạm thời tiết chế, nhưng như thế chưa có gì là thảm họa nếu nhìn sang thảm cảnh tại các nước phương Tây như Ý, Anh, Mỹ, Tây Ban Nha...
 
Vì sao nước Ý xinh đẹp bỗng chốc “toang” trong giây lát bởi COVID-19? Vì sao một nơi thường tự hào vì các giá trị toàn cầu cống hiến cho nhân loại như Anh quốc trở nên khốn đốn? Vì sao nền kinh tế, kỹ thuật, khoa học mạnh nhất quả đất là Mỹ không ngăn nổi dịch bệnh?
 
Phương Tây đi trước chúng ta vài trăm năm về lĩnh vực khoa học thực nghiệm, bệnh viện, thiết bị y tế, vắc xin ngừa bệnh hiện nay đều xuất phát từ phương Tây.
 
Vậy thứ gì khiến COVID-19 dễ lây lan ở các quốc gia này? Đó là văn hóa, thói quen hàng ngày. Tại châu Âu, nụ hôn “má chạm má” được xem là biểu tượng của văn minh lịch sự, giống cái bắt tay ở Việt Nam.
 
Trường lớp phương Tây khuyến khích tư duy cá nhân, khác với tư duy tập thể của văn hóa Á Đông. Thậm chí, tư duy cá nhân là nền tảng trong giáo dục của họ. Mỗi cá nhân là một điều gì đó đặc biệt và không thể gom chung được.
 
Nhìn từ các quốc gia châu Á, phương pháp dự phòng dịch bệnh ở Pháp, nói riêng, và ở châu Âu nói chung, đã bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết, trong đó có vấn đề không đeo khẩu trang, được xem là một biên pháp cách ly cá nhân và di động hữu hiệu!
 
Dư luận vô cùng bức xúc khi xem video những người châu Á đi metro tại Paris và đeo khẩu trang đã bị la ó, miệt thị, nhạo báng. Khẩu trang cũng là thứ văn hóa khác biệt Đông - Tây.
 
Việc di chuyển, xê dịch, đi lại đối với người phương Tây cũng cố hữu như thói quen sợ thay đổi trong văn hóa Á Đông. Bởi vì tổ tiên của họ là những bộ lạc du mục trên thảo nguyên, nay đây mai đó. Chiếc quần bò, mũ cao bồi, cây đàn Tây Ban Cầm, súng đạn...là văn hóa của họ.
 
Nước Ý “chết” không phải vì kém hiểu biết, người Mỹ khổ sở vì COVID-19 không phải vì thiếu khoa học, kỹ thuật, mà là do tâm lý chủ quan, thiếu cảnh giác...
 
Thật hãi hùng khi một nơi nào đó không may bị lây nhiễm COVID-19 tràn lan, bầu không khí chết chóc tang thương bao trùm. Lúc ấy muốn ở nhà bình yên liệu có được?
 
Hai tuần ở nhà - không vấn đề gì. Lạc quan hơn, đây là dịp để chăm sóc gia đình, thiết kế những bữa cơm đầm ấm, và đừng nghĩ rằng COVID-19 trừ mình ra!
 
(Theo enternews.vn)
 
.
.
.