Thứ Bảy, 04/04/2020, 20:34 (GMT+7)
.

Tiết Thanh minh trong mùa Covid-19

“Chín chữ cù lao công đức nặng

Một lòng thành kính khói hương thơm”.

Qua đó cho thấy, phong tục thờ cúng ông bà đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, để mỗi dịp lễ, tết nhắc nhớ con cháu gìn giữ nét văn hóa cổ truyền dân tộc.

Thật vậy, thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng dân gian có ảnh hưởng sâu đậm trong tâm thức của người Việt. Đây chính là đạo lý ngàn đời của dân tộc Việt luôn hướng về cội nguồn dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”.

Kính hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên vốn là tinh thần, ý thức của người Việt có từ thời xa xưa, chữ hiếu được xem là đạo hiếu. Ngày nay, dù xã hội phát triển, nhưng tục cúng ông bà, tổ tiên vẫn được nhiều gia đình, nhất là những dòng họ lớn đều tổ chức lễ cúng hằng năm.

Thờ cúng ông bà, tổ tiên
Thờ cúng ông bà, tổ tiên đã trở thành nghi lễ của người dân Nam bộ.

Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang Nguyễn Ngọc Minh cho biết: Tục thờ cúng ông bà, cha mẹ là nghi lễ để tỏ lòng biết ơn của con cháu đối với các bậc sinh thành, là dịp để các thành viên trong gia đình, dòng họ sum họp lại với nhau. Thờ cúng ông bà cha mẹ ngoài ngày giỗ, còn cúng vào những dịp khác như: Tết Nguyên đán, Tết Thanh minh (hay trong Tiết Thanh minh) hay trong các ngày hoan hỉ của các thành viên trong gia đình…

Thanh minh thường là dịp để những ai có nhu cầu đi bốc mộ hay xây mộ, sửa mộ, hay xây hàng rào mộ phần ông bà, tổ tiên thì sẽ thực hiện vào dịp này. Tại đây, theo thông lệ, các thành viên trong gia đình, dòng họ tề tụ về nấu mâm cơm cúng ông bà và kể cho con cháu nghe những câu chuyện thời khai hoang lập ấp, nhắc nhớ công lao tổ tiên để từ đó con cháu hiểu và truyền lại những giá trị tốt đẹp cho con cháu đời sau.

Tết Thanh minh năm nay nhằm ngày 12-3 âm lịch, rơi vào giai đoạn cao điểm chống Covid-19; còn Tiết Thanh minh từ ngày 4 hay ngày 5-4 và kết thúc vào ngày 20 hay 21-4 dương lịch (vào khoảng tháng 3 âm lịch năm Canh Tý 2020). Trong khi đó, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cách ly toàn xã hội từ ngày 1-4 đến 15-4, nên cách tưởng nhớ ông bà, tổ tiên của nhiều gia đình cũng khác.

Ông Nguyễn Thanh Phong, ngụ xã Long Hưng, huyện Châu Thành chia sẻ: "Đã thành thông lệ, khi có mộ phần của ông bà, tổ tiên cần sửa sang, làm mới là vào dịp Tiết Thanh minh anh em dòng họ tề tụ đầy đủ, người góp công, người góp của xây dựng, tân trang lại mộ phần ông bà, tổ tiên; nấu mâm cơm cúng để tưởng nhớ ông bà".

"Tiết Thanh minh năm nay, tôi cùng anh em trong họ đã lên kế hoạch, dự kiến sẽ sửa sang mộ phần của bà cố và bà nội tôi đúng vào Tết Thanh minh (12-3 âm lịch). Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nên đành dời lại, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hạn chế ra đường và không tụ tập đông người, cùng chung tay với Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh” - ông Phong cho biết thêm.

Thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc tạm hoãn kế hoạch xây, sửa sang mộ phần gia tiên vào dịp Tiết Thanh minh và Tiết Thanh minh năm nay là cần thiết, góp phần cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

GIA TUỆ

 

.
.
.