Thứ Sáu, 04/09/2020, 11:27 (GMT+7)
.

Phải chạm cho được vào đối tượng thanh niên chậm tiến

(ABO) Qua 10 năm thực hiện, Chiến lược phát triển thanh niên của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Cụ thể như: Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nông thôn và thanh niên thành thị đã giảm đáng kể, tỷ lệ thanh niên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở mức cao.

Bên cạnh đó, công tác định hướng nghề, dạy nghề và giới thiệu việc làm được tổ chức đồng loạt, đáp ứng yêu cầu của người lao động. Đồng thời, các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong thanh niên ngày càng tăng và có chiều sâu, phục vụ cho nhu cầu cấp thiết của xã hội…

Theo Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Dũng: Việc thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên giai đoạn 2011 - 2020 của UBND tỉnh đã tạo ra những chuyển biến tích cực, giúp thanh niên hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của bản thân đối với gia đình, xã hội, nắm bắt ngày càng nhiều hơn các đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước để vận dụng vào đời sống, đạt tỷ lệ 100% đối với thanh niên công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, 70% đối với thanh niên nông thôn, đô thị.

aa
Qua 10 năm thực hiện, Chiến lược phát triển thanh niên của UBND tỉnh Tiền Giang đã tạo ra những chuyển biến tích cực.

Rõ ràng, qua những số liệu trên khiến chúng ta không thể không vui mừng, phấn khởi. Từ đó cho thấy, việc chúng ta triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với thực tiễn, phù hợp với sự kỳ vọng của xã hội đối với thanh niên trong giai đoạn mới hiện nay.

Tuy nhiên, những kết quả trên dường như vẫn chưa được trọn vẹn. Bởi vẫn còn đó những thanh niên hay tụ tập đua, kéo xe, vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự. Vẫn còn đó những thanh niên nghiện ngập các loại ma túy, từ đó nảy sinh tệ nạn trộm cắp, cướp giật, tham gia mua bán ma túy. Vẫn còn đó những thanh niên vô công rỗi nghề, tụ tập nhậu nhẹt, sẵn sàng mang “hàng nóng” thanh toán nhau chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ…

Tổ chức Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp Thanh niên đã chạm tay đến đối tượng thanh niên chậm tiến này chưa? Đã có giải pháp gì để tiếp cận với các đối tượng này, để thuyết phục họ khoác lên mình chiếc áo Đoàn, tham gia hoạt động Đoàn, Hội với nhiều việc làm có ích cho xã hội chưa? Nếu có thì giải pháp đã đủ mạnh chưa, để có thể cảm hóa được những thành phần thanh niên chậm tiến này? Đó là những câu hỏi đặt ra rất cấp thiết, khi mà tội phạm ngày càng trẻ hóa, với sự vi phạm pháp luật ngày càng nghiêm trọng hơn.

aa
Đoàn viên - thanh niên tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Biết rằng, tiếp cận đối tượng thanh niên chậm tiến đã khó, lôi kéo họ từ “vùng tối” bước ra ánh sáng, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội càng khó hơn. Nhưng khó là cái sinh ra để ta chiến thắng nó chứ không phải để ta chịu thua nó. Nếu quyết tâm làm, chắc chắn chúng ta sẽ có giải pháp.

Mong rằng việc thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên trong thời gian tới sẽ góp phần làm giảm tệ nạn xã hội trong đối tượng thanh niên chậm tiến, ngày càng có nhiều hơn thanh niên chậm tiến đến với tổ chức Đoàn, Hội và trở thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội…

THIÊN LÊ

.
.
.