Chủ Nhật, 15/11/2020, 09:14 (GMT+7)
.

Đừng để tai nạn giao thông xảy ra do chậm khắc phục nguyên nhân!

(ABO) Hôm nay, ngày 15-11, là ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông. Đây là năm thứ 9, Việt Nam cùng thế giới tổ chức hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông để bày tỏ niềm thương xót với những người xấu số khi tham gia giao thông và chia sẻ mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân của họ.

Đây cũng là cơ hội để mỗi chúng ta nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè về sự trân quý không gì so sánh được của cuộc sống. Đồng thời, cũng là dịp để nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Nhân sự kiện này, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kêu gọi mỗi người Việt Nam, hãy vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì sự an toàn của bản thân, tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông để ngăn chặn thảm họa tai nạn giao thông.

Rõ ràng tai nạn giao thông đang là một vấn nạn kéo dài, gây nhức nhói cho toàn xã hội. Hậu quả của tai nạn giao thông không chỉ dừng lại ở thiệt hại về kinh tế, xã hội, mà còn làm tổn thương đến hình ảnh một đất nước an toàn trong mắt bạn bè, đối tác.

Nỗi đau từ tai nạn giao thông khó có thể nguôi ngoai theo năm tháng đối với những người trong cuộc, bởi phút chốc phải mất đi trụ cột trong gia đình, con mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ già mất con... Chưa kể nhiều người phải chịu tàn tật suốt đời, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Bên cạnh đó, nhiều gia đình phải lâm vào cảnh khốn cùng, kiệt quệ về kinh tế do có người thân bị tai nạn giao thông, phải tập trung nguồn lực chữa trị.

Chính vì vậy, vấn đề kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, xem đó là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt mà cả hệ thống chính trị phải tập trung vào cuộc, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Theo đó, trong những năm qua, tình hình tai nạn giao thông trong cả nước đã cơ bản được kiềm chế và kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Tuy nhiên, kết quả chưa bền vững và chưa có tính ổn định, vẫn còn nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra, gây chết người, thậm chí là chết nhiều người. Cụ thể, mỗi năm cả nước ghi nhận gần 8.000 người bị tai nạn giao thông cướp đi mạng sống cùng với gần 20.000 người bị thương tật suốt đời.

a
Một vụ tai nạn giao thông gây chết người trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Hoàng Long

Riêng tại Tiền Giang, trong 9 tháng năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 309 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 198 người, bị thương 163 người. So với cùng kỳ năm 2019, tăng 40 vụ, tăng 17 người chết và tăng 15 người bị thương.

Vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta đã rất quyết tâm, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp mà tình hình tai nạn giao thông trong cả nước nói chung và ở Tiền Giang nói riêng vẫn chưa kéo giảm bền vững? Liệu các nguyên nhân chúng ta xác định được và các giải pháp đặt ra để kéo giảm tai nạn giao thông đã đầy đủ, toàn diện chưa, hay vẫn còn những nguyên nhân, giải pháp khác mà chúng ta đã nhìn thấy nhưng vẫn chưa quyết liệt thực hiện?

Đừng để những vụ tai nạn giao thông đau lòng, gây chết người chỉ vì “tránh vũng nước”, hay vì “sụp ổ gà trên đường”, hoặc đoạn đường thiếu ánh sáng, ngã ba không có tín hiệu đèn giao thông... Đừng để những vụ tai nạn giao thông đau lòng xảy ra do chúng ta đã nhìn thấy nguyên nhân mà chậm khắc phục! Đó là cách chúng ta “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại” một cách thiết thực nhất! 

THIÊN LÊ


 

.
.
.