Thứ Năm, 17/12/2020, 14:26 (GMT+7)
.

Công khai trong tuyển sinh có đáng tin cậy?

Từ năm 2018 đến nay, Bộ GD-ĐT trao quyền tự chủ cho các trường trong công tác tuyển sinh, gồm tự xác định chỉ tiêu (qua 2 tiêu chí đội ngũ giảng viên, diện tích sàn xây dựng), công khai đề án tuyển sinh trên website và Cổng thông tin Tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. 

Cùng với đó là thực hiện công khai về cơ sở vật chất, quy mô đào tạo, kết quả tuyển sinh 2 năm gần nhất, tỷ lệ sinh viên có việc làm, học phí… Việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình luôn gắn chặt với việc tự chủ, nhưng hiện nay việc công khai còn mang tính hình thức.

Sinh viên năm cuối ngành Răng Hàm Mặt Trường ĐH Y Dược TPHCM học thực hành
Sinh viên năm cuối ngành Răng Hàm Mặt Trường ĐH Y Dược TPHCM học thực hành.

Trường có trường không

Việc công khai đề án tuyển sinh đã được ngành giáo dục quan tâm và làm quyết liệt cách đây hàng chục năm, nhưng đến nay rất nhiều trường vẫn e dè việc này. Trường ĐH Văn Lang (TPHCM) có lẽ là trường thực hiện công khai khá đầy đủ và chi tiết. Việc công khai giúp xã hội nhìn thấy rõ những vấn đề còn nhiều bất cập và hạn chế của trường này. Trong đó, có nhiều ngành tuyển vượt gấp 2 - 3 lần so với chỉ tiêu đăng ký.

Đáng nói là ngành quan hệ công chúng có quyết định mở ngành từ năm 2007 và quyết định chuyển đổi tên ngành mới nhất là năm 2018, nhưng hiện tại ngành này chưa có trưởng khoa, chưa có tiến sĩ đúng chuyên ngành và nhiều giảng viên cơ hữu không đúng với thực tế. Đáng nói hơn, trong tổng số 1.237 giảng viên thì 81 người chỉ có trình độ đại học. Trong khi đó, theo Luật Giáo dục đại học thì giảng viên đại học phải có trình độ thạc sĩ.

Cũng có nhiều trường công khai không đầy đủ và đúng với các biểu mẫu quy định của Bộ GD-ĐT. Trường ĐH Nam Cần Thơ có 533 giảng viên cơ hữu, nhưng có 168 giảng viên có trình độ đại học (chiếm đến 30,38%). Trường này ém thông tin thí sinh trúng tuyển vào từng ngành, so với chỉ tiêu đăng ký trong năm 2018 và 2019. Trong năm 2019, chỉ tiêu đăng ký của trường là 1.307 nhưng thực tuyển lên đến 2.235 (vượt đến 928 chỉ tiêu). 

Trong khi nhiều trường chỉ cần vào website là có ngay mục 3 công khai, đề án tuyển sinh thì rất nhiều trường lại bỏ trống thông tin này. Nhiều trường như ĐH Lạc Hồng, ĐH Ngoại ngữ và Tin học TPHCM, ĐH Công nghệ TPHCM… việc công khai đề án tuyển sinh, đội ngũ giảng viên, chỉ tiêu tuyển sinh trong 2 năm gần đây đã bị lãng quên. Cùng với đó, nhiều trường cũng bỏ lửng công tác 3 công khai (về đội ngũ giảng viên, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, công khai về tài chính, học phí…).

Yêu cầu bắt buộc

Theo Bộ GD-ĐT, quy chế tuyển sinh những năm gần đây, đặc biệt là từ năm 2020, bám sát quy định mới của Luật số 34 nhằm tăng tính tự chủ cho các trường ĐH. Từ năm 2020, các trường được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhưng phải thỏa mãn các tiêu chí, như: có chương trình đào tạo đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo quy định hiện hành; tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo của năm trước liền kề đạt từ 90% trở lên; trong 5 năm liền trước đó, không vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh; có nghị quyết thông qua chủ trương xác định chỉ tiêu tuyển sinh của hội đồng trường. 

Theo Vụ Giáo dục ĐH, việc tự chủ này phải đi kèm cơ chế cam kết về chất lượng của chương trình đào tạo và nhu cầu xã hội đối với ngành đào tạo, phải công bố trong đề án tuyển sinh và phải chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội cùng cơ quan có thẩm quyền. Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 34 Luật Giáo dục đại học quy định: Cơ sở giáo dục ĐH tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh; công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp; bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đã công bố.

Tiếp đó, Khoản 3, Điều 29 của Quy chế tuyển sinh năm 2020 ghi rõ hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những người liên quan bị xử lý kỷ luật theo quy định, nếu vi phạm một trong các lỗi: không kịp thời báo cáo, công khai đề án tuyển sinh theo quy định; tổ chức tuyển sinh không đúng với các quy định trong đề án tuyển sinh đã công bố; thực hiện quy trình tuyển sinh không đúng trình tự theo quy định của quy chế tuyển sinh và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.

TS Hoàng Ngọc Vinh, Thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục - đào tạo giai đoạn 2016-2021, cho rằng: “Công khai là yêu cầu bắt buộc đối với cơ sở đào tạo để đảm bảo sự minh bạch về chất lượng đào tạo. Thực chất là quá trình thực thi dân chủ ở cơ sở và thực hiện một phần trách nhiệm giải trình trước xã hội về chất lượng đào tạo. Người học nhìn vào đó biết lựa chọn trường và ngành học để góp phần giảm thiểu rủi ro trong quá trình học tại cơ sở đó. Một trong những thông tin quan trọng là đội ngũ giảng viên cần phải công khai minh bạch, vì đây là thông tin thuộc điều kiện đảm bảo chất lượng về phương diện trình độ, tỷ lệ sinh viên/giảng viên.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.