Thứ Bảy, 02/01/2021, 10:16 (GMT+7)
.

Làm thế nào để thanh niên khởi nghiệp thành công?

(ABO) Chương trình khởi nghiệp thanh niên với mục tiêu ban đầu là tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên tham gia khởi nghiệp, thay đổi tư duy, đổi mới sáng tạo; qua đó cổ vũ, khuyến khích thanh niên phát huy tối đa tri thức và niềm đam mê của bản thân. Chương trình cũng nhằm huy động các nguồn lực về tài chính, nhân lực, cơ sở vật chất phù hợp với quy định của pháp luật kết hợp nguồn lực từ các chương trình, dự án để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

HỖ TRỢ THANH NIÊN KHỞI NGHIỆP

Ở Tiền Giang, Chương trình khởi nghiệp thanh niên tập trung hướng đến 3 nhóm đối tượng gồm: Sinh viên các trường đại học, cao đẳng (sẽ hỗ trợ các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp); thanh niên nông thôn có nhu cầu khởi nghiệp (hỗ trợ các dự án, đề án, mô hình kinh tế); doanh nhân trẻ, chủ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong độ tuổi thanh niên mới đăng ký kinh doanh (hỗ trợ về quản trị doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo, tiên phong hội nhập).

Nhằm tăng cường khuyến khích, cổ vũ tinh thần khởi nghiệp, phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng của thanh niên; đồng thời, hỗ trợ nâng cao chất lượng mô hình phát triển kinh tế, tìm đầu ra cho sản phẩm của các mô hình khởi nghiệp do thanh niên thực hiện tại địa phương. Tạo cơ hội để thanh niên được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, phát triển kinh tế cùng các cá nhân có mô hình sản xuất thành công. Tìm hiểu, tiếp cận các chủ trương, chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển của tỉnh Tiền Giang để vững tin trong quá trình khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

Diễn đàn
Đoàn viên, thanh niên tham gia Diễn đàn Kết nối thanh niên khởi nghiệp tỉnh Tiền Giang năm 2020.

Với đặc thù kinh tế đa dạng của tỉnh Tiền Giang, thanh niên hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng phần lớn vẫn chọn nông nghiệp làm mô hình kinh tế khởi nghiệp. Nhìn vào bức tranh tổng thể chương trình khởi nghiệp của tỉnh nhà có thể phân tích một số yếu tố cơ bản như sau:

Đối với sinh viên các trường đại học, cao đẳng, đa số đều được triển khai và hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp thông qua các phong trào, các cuộc thi khởi nghiệp, thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Qua đó, có nhiều ý tưởng hay cách làm sáng tạo được định hướng, đóng góp cho phong trào khởi nghiệp tỉnh nhà.

Tuy nhiên, thực tiễn các ý tưởng của sinh viên vẫn chưa được giải quyết triệt để do nhiều nguyên nhân. Trong đó, sự quyết tâm của sinh viên và công tác bồi dưỡng, truyền cảm hứng cho sinh viên còn thực hiện chung chung, chưa đi vào cụ thể. Bên cạnh đó, chính sách tạo cơ chế pháp lý hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp chưa có và công tác truyền thông cho phong trào khởi nghiệp chưa mạnh mẽ.

Đoàn viên, thanh niên trình bày dự án khởi nghiệp tại Diễn đàn
Đoàn viên, thanh niên trình bày dự án khởi nghiệp tại Diễn đàn Kết nối thanh niên khởi nghiệp tỉnh Tiền Giang năm 2020

Đối với thanh niên nông thôn đã thực hiện các phong trào lập thân, lập nghiệp, làm kinh tế giỏi vươn lên làm giàu chính đáng, được xem là tiền thân của chương trình khởi nghiệp. Thời gian qua, các mô hình, dự án kinh tế xuất hiện ở hầu hết các địa phương được đoàn viên, thanh niên cụ thể hóa gắn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh, phù hợp với điều kiện về thổ nhưỡng của mỗi địa phương.

Sự chủ động tìm tòi, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên được phát huy hiệu quả để tận dụng các nguồn lực sẵn có tại địa phương, đóng góp công sức thay đổi bộ mặt nông thôn và đô thị trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, đoàn viên, thanh niên hưởng ứng thực hiện hiệu quả các phong trào: “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi trẻ tham gia xây dựng văn minh đô thị” gắn với hai phong trào hành động cách mạng lớn của Đoàn là “Xung kích phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”.

Đối với thanh niên đang thực hiện khởi nghiệp bằng các dự án kinh doanh thì hiện nay cũng đã có những chính sách nhất định để hỗ trợ, góp phần hình thành bức tranh khá toàn diện về chương trình khởi nghiệp của thanh niên toàn tỉnh.

NHỮNG KHÓ KHĂN

Tuy nhiên, khi đặt vào thực tế các phong trào và hoạt động thực tiễn của các địa phương đã xuất hiện rất nhiều khó khăn, vướng mắc trở thành rào cản đối với chương trình khởi nghiệp của thanh niên hiện nay.

Trước hết, nói về ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên, thời gian qua khi xây dựng các mô hình, dự án khởi nghiệp chưa thể hiện được tính chiều sâu và ít có ý tưởng mang tính đột phá. Do đó, còn gặp khó khăn trong việc tranh thủ các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt tư duy liên kết các mô hình để tỷ lệ thành công cao hơn chưa được thực hiện nhiều, chủ yếu xuất hiện nhỏ lẻ, theo tính chất đáp ứng nhu cầu tại địa phương.

Bên cạnh nhiều thanh niên chủ động thực hiện khởi nghiệp thì cũng còn không ít thanh niên chưa thể hiện được vai trò xung kích, đi đầu trên các lĩnh vực kinh tế mà chủ yếu tự thích ứng với điều kiện hiện tại, dẫn đến ý chí vươn lên trong cuộc sống chưa cao. Những năm gần đây, các ý tưởng khởi nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều nhưng chưa nhận được sự định hướng đúng đắn, kịp thời dẫn đến tình trạng chương trình khởi nghiệp của thanh niên đã được "ươm mầm" nhưng vẫn không phát triển được thành "cây xanh".

Thanh niên
Thanh niên với Dự án khởi nghiệp Đặc sản tôm chà Xứ Gò, đoạt giải Nhì tại Cuộc thi "Dự án Sáng tạo khởi nghiệp thanh niên nông thôn" lần thứ III năm 2020. Và sản phẩm được trưng bày tại Hội chợ Công thương vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Tiền Giang năm 2020.

Nói về tư tưởng khởi nghiệp, thanh niên khi tham gia khởi nghiệp đều xác định được chí hướng, mục đích và giải pháp thực hiện cho bản thân, đó là phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, tham gia thực hiện nhiệm vụ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp theo đặc thù của địa phương.

Bên cạnh đó, trình độ của đoàn vên, thanh niên được nâng lên, lực lượng tri thức trẻ đang có chí hướng lập nghiệp tại quê hương ngày càng nhiều, góp phần làm phong phú thêm hoạt động khởi nghiệp của thanh niên. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ hiện nay khi xây dựng mô hình, dự án kinh tế thường gắn liền suy nghĩ với vấn đề lợi nhuận nhanh, mô hình mau đạt được kết quả mà bỏ qua tính bền vững, lâu dài của mô hình. Vì vậy, hiện tượng khởi nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, không nằm trong quy hoạch cũng xuất hiện không ít.

Một vấn đề quan trọng khác là thanh niên khởi nghiệp hiện nay còn khá cầu toàn, chưa mạnh dạn thử thách, tự tin trải nghiệm, sẵn sàng gia nhập cộng đồng khởi nghiệp của tỉnh và khu vực. Nhất là tư tưởng ngại thất bại cũng là vật cản khiến cho môi trường khởi nghiệp của tỉnh chưa thật sự năng động.

Bên cạnh đó, đa số thanh niên còn trông chờ vào nguồn vốn để bắt đầu khởi nghiệp mà chưa tự mình bắt đầu với năng lực nội tại và sự sáng tạo của bản thân. Đoàn viên, thanh niên cần phải hiểu rõ, hỗ trợ không có nghĩa là bao cấp, mà chương trình khởi nghiệp sẽ giúp các bạn tiếp cận kiến thức, kỹ năng và chỉ một phần nguồn lực để khởi nghiệp.

Tổng kết lại, chương trình khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những bước tiến nhưng còn nhiều thách thức, khó khăn cần tháo gỡ để "cán cân" khởi nghiệp của thanh niên có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong tổng thể chương trình khởi nghiệp.

Khởi nghiệp của thanh niên là chương trình có ý nghĩa sâu sắc, góp phần khuyến khích tinh thần lập thân, lập nghiệp của tuổi trẻ tỉnh nhà, đặc biệt khi yêu cầu cuộc sống ngày càng nâng cao đòi hỏi thanh niên phải hành động để theo kịp xu hướng phát triển của xã hội.

L. OANH

 

.
.
.