Thứ Năm, 15/07/2021, 20:37 (GMT+7)
.

Tinh thần cống hiến trỗi lên mạnh mẽ

(ABO) Hơn lúc nào hết, trong giai đoạn đất nước “dầu sôi lửa bỏng” do dịch bệnh Covid-19 thì đang rất cần sự cống hiến của tất cả mọi người, nhất là đội ngũ y, bác sĩ - những người đang ngày đêm nơi tuyến đầu phòng, chống dịch.

Trong bối cảnh đó, câu chuyện bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tùng (56 tuổi) đã nghỉ hưu một năm, xin Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy được quay lại công tác, với tinh thần làm việc không giới hạn thời gian, “còn sức còn làm” để làm “hậu phương”, tiếp thêm niềm tin cho đàn em ra tuyến đầu chống dịch Covid-19 được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, đã truyền cảm hứng cho nhiều người về tinh thần cống hiến khi đất nước gặp khó khăn.

a
Bác sĩ Kim Tùng quay trở lại bệnh viện để làm “hậu phương” cho đàn em ra tuyến đầu chống dịch. Ảnh: TUOITRE.VN

Hơn nửa cuộc đời chị đã cống hiến cho những bệnh nhân, sự cống hiến ấy, với nhiều người đã là quá đủ. Nhưng với bác sĩ Kim Tùng, nhìn dịch Covid-19 lan rộng trong cả nước nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng, chị đau lòng. Vì vậy chị muốn đóng góp một chút sức lực cho nơi mình sống, lớn lên, tiếp tục cống hiến vì thấy sức mình còn có thể. Thế nên chị đã xung phong, góp sức cùng nhân dân thành phố chống dịch.

Khi nói về sự cống hiến, người ta thường nghĩ đến tuổi trẻ, những người trẻ. Thế nên, sự quay trở lại bệnh viện để làm “hậu phương” cho đàn em ra tuyến đầu chống dịch của bác sĩ Kim Tùng đã gây xúc động cho nhiều người, thúc đẩy tinh thần chống dịch rất mạnh mẽ cho đội ngũ y, bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng và đội ngũ y, bác sĩ của TP. Hồ Chí Minh nói chung.

Trước đó, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc ghi nhận nhiều ca mắc trong cộng đồng. Trước tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Y tế chuẩn bị nhiều kịch bản để ứng phó. Vì vậy, Sở Y tế đã có thư ngỏ kêu gọi cán bộ y tế hưu trí tình nguyện tham gia chống dịch. Hưởng ứng lời kêu gọi, chỉ sau một thời gian ngắn đã có 251 cán bộ thầy thuốc nghỉ hưu viết đơn tình nguyện tham gia “mặt trận chống dịch Covid-19”.

Vào tháng 3-2020, khi dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp ở Hà Nội, cũng đã có khoảng 280 y, bác sĩ mong muốn cùng tham gia với các lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch, trong đó có những người đã ở tuổi 70, có những người đã nghỉ hưu được 20 năm...

Thế mới thấy, sức mạnh của tinh thần vì cộng đồng, sức mạnh của sự đoàn kết, trên dưới một lòng của dân tộc Việt Nam khó nơi đâu có được. Thế mới thấy, sự cống hiến không phải chỉ dành cho người trẻ, mà khi đất nước trong thời điểm khó khăn, thì tinh thần xung phong ra tuyến đầu để ra sức cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân lại trỗi lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Và tinh thần cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân cũng không chỉ là “đặc ân” dành cho tuổi trẻ, cho người trẻ, mà bất luận là ai, ở tuổi nào, tinh thần ấy cũng đều trỗi dậy một cách mạnh mẽ nhất, quyết liệt nhất khi đất nước khó khăn. Điều đó được chứng minh không chỉ trong “cuộc chiến chống giặc Covid-19”, mà đã được khẳng định qua hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của ông cha ta.

Một lần nữa, những câu thơ “Nếu là con chim, là chiếc lá/ Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh/ Lẽ nào vay mà không trả/ Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” của nhà thơ Tố Hữu lại vang lên trong hành khúc “ra trận” trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19”.

Với tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, mọi người bất luận già hay trẻ đều nêu cao tinh thần xung phong ra tuyến đầu phòng, chống dịch, cống hiến sức mình cho đất nước, vì sự an toàn cho nhân dân thì ngại gì “giặc Covid-19” có mạnh đến đâu, chúng ta nhất định chiến thắng!

THIÊN QUANG



 

.
.
.