Chủ Nhật, 14/11/2021, 14:32 (GMT+7)
.

Sự thật về thích ứng an toàn với Covid-19

Gần đây một số báo giật tít “có thể giãn cách khi số ca tăng...”; “Nguy cơ dịch bùng phát trở lại”; “Việt Nam: Nguy cơ dịch bùng phát rất lớn”; "F0 tử vong tăng, kể cả người đã tiêm vắc xin”, đây là thông tin không có cơ sở.

Vì sao có thể khẳng định như vậy?

Số ca mắc Covid-19 có tăng lên trong những ngày qua tuy nhiên đó là điều đã được dự liệu khi Việt Nam chuyển sang thích ứng an toàn. Số ca tử vong giảm rõ rệt cùng với tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin tăng lên nhanh, tình trạng bệnh viện không còn quá tải như trong các tháng cao điểm quý 3 vừa qua là minh chứng cho việc không nên quá lo ngại khi mở cửa trở lại.

Số lượng người tiêm vắc xin mũi 1 ở nước ta đã đạt con số trên 85% dân số từ 18 tuổi trở lên; số đã tiêm đủ hai mũi là 47%. Thực tế chống dịch ở các điểm nóng như Bình Dương, TP.HCM thời gian qua cho thấy, dù chỉ tiêm một mũi vắc xin thì nguy cơ mắc, và đặc biệt là nguy cơ nhiễm bệnh nặng giảm đi rất nhiều.

b

Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin. Ảnh: Thanh Tùng

Tính từ 28/10 đến 3/11 có tổng số 37.964 ca mắc, bình quân khoảng 5.600 ca mắc mỗi ngày. Từ 4/11 đến 10/11 số ca mắc là 53.272, bình quân số ca mắc trong giai đoạn này là khoảng 7.600 ca/ngày.

Trung bình 7 ngày qua, số ca tử vong vì Covid -19 ở Việt Nam là 74 ca mỗi ngày. Trong khi đó, ở giai đoạn dịch bùng phát, số tử vong bình quân là trên 300-400 ca mỗi ngày trong cả tháng 8, tháng 9/2021.

Nhìn rộng ra ở Hoa Kỳ, theo số liệu của trang thống kê toàn cầu Worldometers, tính từ ngày 5/11 đến nay số ca tử vong do Covid-19 cụ thể như sau: Ngày 5/11 có 1.381 ca; ngày 6/11 có 851 ca; ngày 7/11 có 453 ca; ngày 8/11 có 685 ca; ngày 9/11 có 1.524 ca; ngày 10/11 có 1.604 ca; ngày 11/11 có 1.062 ca; ngày 12/11 có 987 ca.

Theo Worldometers, tính tới ngày 13/11/2021, số ca nhiễm mới trong vòng 7 ngày qua ở Mỹ là 543.732, số ca tử vong là 7.166, tỷ lệ tử vong là 1,32%. Trong khi đó tại Việt Nam, số ca nhiễm mới trong 7 ngày qua là 56.332, số ca tử vong  518, tỷ lệ tử vong 0,91%.

Với tỉ lệ này, nước Mỹ đã gỡ bỏ hầu hết các lệnh cấm và đưa các hoạt động kinh tế xã hội trở lại bình thường.

Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin

Giải trình trước Quốc hội tại phiên chất vấn vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết trong tháng 11 này, lượng vắc xin sẽ về nhiều hơn và việc chính là các tỉnh, thành phố là tổ chức tiêm cho nhanh, cho an toàn. Nếu như trước đây, chúng ta còn băn khoăn về việc lựa chọn đối tượng để tiêm thì nay việc chính là phủ càng nhanh càng tốt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định lại, trong năm 2021 này, Việt Nam sẽ tiêm đạt 100% cho những người trong độ tuổi và đang hết sức nỗ lực để tiêm cho các em học sinh trong khi vắc xin cho trẻ em đã và đang về.

Các ý kiến phát biểu khi Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19 và 171 ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu lên khi chất vấn các thành viên Chính phủ từ ngày 8 đến 11/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần yêu cầu từ thực tế các địa phương các đại biểu cung cấp thêm thực tế, giải pháp cho việc phòng, chống dịch trong thời gian tới, nhưng chưa có ý kiến nào đề nghị thắt chặt lại.

Ngược lại, số đại biểu Quốc hội yêu cầu thực hiện Nghị quyết 128 thống nhất trong cả nước, tránh mỗi nơi mỗi kiểu, bế quan tỏa cảng chiếm tuyệt đại đa số. Điều đó cho thấy, niềm tin đang được củng cố bởi số ca mắc có tăng lên khi thực hiện thích ứng an toàn là điều đã được dự liệu trước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều thành viên Chính phủ khi trả lời chất vấn trước Quốc hội cũng thêm một lần khẳng định, không thể dự đoán được diễn tiến của dịch bệnh nhưng chúng ta có niềm tin rằng không thể quay lại cách ly như cũ mà phải thích ứng an toàn để phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới.

Nền kinh tế 90% chưa phải bình thường mới

Thế giới đã từng nói về nền kinh tế 90% thời hậu phong tỏa như một nỗi sợ hãi. Có thể 90% là tốt hơn khi đóng cứng để cách ly nhưng đó thực chất vẫn là sự chia cắt, ách tắc và sự thật sẽ không có 1 sự thích ứng nào khi nền kinh tế không vận hành đầy đủ.

Thực tế nền kinh tế lớn như Trung Quốc cho thấy khi 90% DN hoạt động lại sau 2 tháng phong toả song tất cả vẫn còn ở khoảng cách rất xa so với trước đó khi chi tiêu của người dân chỉ đạt 40%, phòng khách sạn cho du lịch chỉ bằng 1/3. Trong khi đó, các DN vẫn luôn trong tình trạng thiếu tiền, thiếu người và thiếu hàng…

Việc cách ly và áp dụng các biện pháp như cũ thực tế đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế, hoạt động xã hội, tâm lý người dân. Dịch có thể kéo dài nhưng không thể có chuyện đóng mở thất thường như trước đây. Dòng chảy kinh tế là liên tục, không ngừng nghỉ không cho phép có bất cứ 1 sự ách tắc nào.

Trên toàn cầu, sự kiểm soát chặt chẽ đã khiến vận tải biển ách tắc hàng hóa bị tồn đọng và phí vận tải tăng lên trên toàn cầu. Còn câu chuyện vĩ mô ở Việt Nam, khi đỉnh điểm làn sóng dịch thứ 4 cũng chỉ có 1 số tỉnh thành thực hiện cách ly theo chỉ thị 16, nhiều tỉnh thành khác vẫn vận hành bình thường nhưng cả nền kinh tế đình trệ và GDP đã đi xuống mà nguyên nhân rõ nhất là sự chia cắt của nền kinh tế.

Điều đó cho thấy, nền kinh tế là 1 cỗ máy vận hành liên tục. Sự thông suốt trong lưu thông, sản xuất và giao lưu là yêu cầu tiên quyết và căn bản nhất để 1 nền kinh tế hoạt động bình thường. Bất cứ một khâu nào trục trặc, ách tắc sẽ khiến cho mọi hoạt động trở nên kém hiệu quả. Hiện nay, Việt Nam đang nhận rất nhiều đơn hàng trở lại cho 1 chu kỳ tăng trưởng mới thì câu chuyện thiếu nhân lực do người lao động khó khăn khi trở lại thành phố lại đang là 1 vướng mắc mà nhiều khi nó chỉ đến từ 1 tờ giấy xét nghiệm hay quy định của cấp huyện-tỉnh.

Thích ứng an toàn trong bình thường mới phải được hiểu đơn giản là trước hết phải hoạt động bình thường với những điều kiện mới về chống dịch và có nhưng giải pháp trợ lực mới từ công nghệ mới, chuyển đổi số. Bình thường mới không có chỗ cho sự ách tắc mà phải thông suốt trên nền tảng mới. Và bình thường mới không chỉ để hoạt động tạm thời qua giai đoạn dịch mà bình thường mới sẽ là cách thức vận hành mới trên nền tảng đảm bảo an toàn, công nghệ gia tăng hiệu quả… để không chỉ với Covid mà còn chống chọi với những biến động bất thường và phi truyền thống khác trong tương lai.

Theo VietNamNet

.
.
.