Thứ Tư, 30/03/2022, 08:42 (GMT+7)
.

Phát triển bền vững cây thanh long

 

a
Nông dân xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An thu hoạch thanh long. (Ảnh THANH PHONG)

Sau một thời gian dài thua lỗ vì giá thấp, nhiều chủ vườn thanh long ở các địa phương đã phá bỏ diện tích sản xuất, nhất là tại "thủ phủ" thanh long Bình Thuận. Nguyên nhân là việc tiêu thụ thanh long liên tiếp gặp khó, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc-thị trường tiêu thụ tới 80% sản lượng thanh long của cả nước-chịu cảnh ách tắc nặng nề.

Cụ thể, từ cuối năm 2021, giao thương hàng hóa tại các cửa khẩu phụ, đường mòn, lối mở thường xuyên được điều chỉnh. Có nhiều thời điểm, hàng nghìn xe hàng thanh long phải nằm chờ không thông quan được, khiến một số xe hàng phải quay về tiêu thụ trong nước với giá rẻ và cũng không ít hàng hóa hư hỏng do chờ đợi quá lâu. Hàng lên biên giới không thông quan được khiến giá thanh long lúc thấp nhất chỉ ở mức 2.000-3.000 đồng/kg, người trồng lỗ nặng. Từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động thông quan vẫn chưa được nối lại thường xuyên và nhanh chóng nên xe hàng tồn tuy có giảm nhưng chưa chấm dứt hoàn toàn cảnh ùn ứ tại cửa khẩu phía bắc.

Người trồng thanh long buộc phải tìm hướng chuyển đổi, muốn thay thế cây thanh long bằng cây trồng khác. Tuy nhiên, nếu điều này diễn ra tự phát thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của địa phương cũng như sinh kế của nông dân vì thanh long từng được xem là cây trồng làm giàu cho nhiều nông hộ. Chưa kể, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường cần nguồn cung với mức giá cao thì liệu các vùng trồng có còn đủ diện tích để đáp ứng? Lúc đó, liệu có tiếp tục xảy ra tình trạng người dân đổ xô đi trồng lại - chuyện vốn dĩ đã lặp đi lặp lại ở không ít cây trồng khác?

Chính vì vậy, tại thời điểm này, câu chuyện trồng tiếp hay chặt đi, giữ lại hay phá bỏ; giảm diện tích bao nhiêu là vừa đủ rất cần dựa trên quy hoạch chi tiết và sự khuyến cáo từ cơ quan chức năng chứ không thể là hoạt động tự phát từ phía nông dân, nhằm tránh gây thiệt hại cho người trồng cũng như bảo đảm định hướng phát triển cây thanh long về lâu dài. Có ý kiến cho rằng, cây thanh long đã hết "thời hoàng kim"; nhưng sự thực là nếu cứ tăng diện tích, sản lượng bất chấp quy hoạch, không theo tín hiệu thị trường thì không cây trồng nào có thể duy trì "thời hoàng kim" dài lâu cả.

Từ chuyện cây thanh long hiện nay có thể thấy, tình trạng phát triển "nóng", tăng diện tích ồ ạt, không theo quy hoạch chắc chắn sẽ dẫn đến hệ luỵ về thị trường, giá cả cho tất cả các loại cây trồng. Do vậy, tổ chức lại sản xuất, rà soát quy hoạch và tập trung đầu tư cho các vùng chuyên canh; xây dựng nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu là việc không thể chậm trễ thêm nữa.

Thay vì trồng nhiều thì trồng đủ; thay vì chạy theo năng suất, sản lượng cao thì chú trọng chất lượng, mẫu mã; thay vì xuất khẩu tiểu ngạch nhiều rủi ro thì đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch với các hợp đồng mua-bán rõ ràng, minh bạch... Không chỉ Trung Quốc, nhiều thị trường tiềm năng khác như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Ấn Độ, Australia... cũng rất ưa chuộng thanh long nói riêng và trái cây nói chung của Việt Nam. Thế nên, nếu sớm cơ cấu lại sản xuất, đẩy mạnh công tác dự báo thị trường, xúc tiến thương mại thì không khó để duy trì "thời hoàng kim" cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam.

Theo nhandan.vn


 

.
.
.