.

Lắng nghe để sửa đổi

Cập nhật: 18:17, 18/07/2022 (GMT+7)

Sau những tháng ngày tranh luận sôi nổi trên các phương tiện thông tin đại chúng, môn Lịch sử cấp trung học phổ thông (THPT) trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cuối cùng cũng trở thành môn bắt buộc thứ 8 với 52 tiết.

Kế hoạch số 770/KH-BGDĐT ngày 11-7-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc này cho thấy đây là quyết định đúng, thể hiện tinh thần cầu thị, tôn trọng và lắng nghe dư luận.

Đây không phải là lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT đưa ra kế hoạch, thông tư để sửa đổi, điều chỉnh những bất hợp lý trong công tác quản lý giáo dục. Đặc biệt, trong giai đoạn đầy thách thức của chặng đường 5 năm (2021-2025) được xem là quan trọng đối với giáo dục nước nhà khi thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là: Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Bởi vậy, tinh thần biết lắng nghe, dám nghe những điều phản biện của người đứng đầu ngành được dư luận đánh giá cao.

Thế hệ trẻ tham quan bảo tàng để hiểu hơn về lịch sử dân tộc. Ảnh: ĐÀO DUY TUẤN.
Thế hệ trẻ tham quan bảo tàng để hiểu hơn về lịch sử dân tộc. Ảnh: ĐÀO DUY TUẤN.

Trước đây, Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT phần đánh giá bằng nhận xét yêu cầu giáo viên phải nhận xét từng học sinh, khiến giáo viên quá tải đã được điều chỉnh lại. Hay, những thông tư liên quan đến việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập từng gây nhiều bức xúc đã được nghiên cứu, xem xét và sửa đổi... Công bằng mà nói, những chỉ đạo mang tính tháo gỡ vướng mắc ấy không chỉ bớt “làm khổ” giáo viên, học sinh và xã hội mà còn góp phần đem lại niềm tin trong nhân dân.

Có những quy định chưa gắn với thực tế thì sửa cho đúng. Tuy nhiên, tốt nhất không nên sai để khỏi phải sửa. Giáo dục là lĩnh vực đặc biệt, không thể cứ “sai đâu sửa đấy” như thời gian qua. Trước những quyết sách mới, bên cạnh sự bàn bạc của nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, cũng rất cần tìm hiểu ý kiến của các nhà giáo, học sinh và dư luận xã hội; đặc biệt cần có lộ trình toàn diện trước khi thực hiện. Mọi quyết sách về giáo dục đều rất nhạy cảm, nó động chạm đến toàn xã hội, động chạm đến các con-niềm tin yêu thiêng liêng nhất trong mỗi gia đình. Vì vậy, học sinh, gia đình, giáo viên cần được chủ động thực hiện các quyết sách, tránh kiểu “lửa cháy tới đâu thì chạy tới đó”.

Mong rằng, những văn bản do Bộ GD&ĐT ban hành sẽ ngày càng gắn với thực tế, thúc đẩy giáo dục phát triển, nhận được sự đồng thuận của xã hội.

(Theo qdnd.vn)

.
.
.