.

Thay đổi vì người học

Cập nhật: 18:11, 04/12/2022 (GMT+7)

Với lợi thế đào tạo theo hệ thống tín chỉ, các trường đã thiết kế lại chương trình đào tạo theo hướng tinh gọn, tổ chức học một năm 3 học kỳ.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Thời gian gần đây, một số trường đại học khá thành công trong việc thu hút thí sinh nhờ cải tiến chương trình đào tạo (CTĐT) để “học đại học 3 năm” hay “Lấy bằng cử nhân chỉ sau hai năm rưỡi”.

Với lợi thế đào tạo theo hệ thống tín chỉ, bám sát chuẩn đầu ra, các trường đã thiết kế lại CTĐT theo hướng tinh gọn, tổ chức học một năm 3 học kỳ. Người học nhờ thế tiết kiệm thời gian (khoảng 1 năm) và chi phí học tập. Tốt nghiệp trước thời hạn nên sinh viên có thể sớm tham gia thị trường lao động, phù hợp với mong muốn của nhiều người điều kiện kinh tế gia đình hạn chế.

Không chỉ xây dựng lại CTĐT theo hướng thực dụng, tiết kiệm để thu hút sinh viên, nhiều trường đại học còn thiết kế đảo ngược chương trình để tăng niềm hào hứng, hạn chế tình trạng sinh viên bỏ học. Thay vì bắt đầu việc học đại học với các môn đại cương tổng quát nhàm chán, thì nay sinh viên các trường ngay năm đầu, năm hai đã tiếp cận một số môn chuyên ngành; sau 2 năm có đủ khả năng để tham gia thị trường lao động bán thời gian.

Cùng với việc cải tiến CTĐT để thu hút và giữ chân người học, trong bối cảnh quy chế đã mở cửa cho việc công nhận tín chỉ đào tạo, một số trường khối kinh tế, kỹ thuật cũng đã bắt đầu xúc tiến những điều chỉnh, sửa đổi chương trình, để sinh viên trường này có thể học ở trường khác một ngành nào đó. Đặc biệt, việc đưa học kỳ doanh nghiệp vào CTĐT ở nhiều đơn vị được xem là dấu son giúp sinh viên rút ngắn khoảng cách lý thuyết - thực hành, sớm “nhúng” vào môi trường doanh nghiệp.

Chương trình học còn nặng nề, hàn lâm với thời lượng lớn, thực tế này vẫn tồn tại ở nhiều trường đại học. Theo Tạp chí Cộng sản, một thống kê và so sánh cho thấy, thời gian học 4 năm đại học tại Việt Nam là 2.138 giờ so với Mỹ là 1.380 giờ. Như vậy, chương trình học ở Việt Nam dài hơn 60% so với Mỹ.

Thời gian học nhiều nên người học khó tránh khỏi việc rơi vào trạng thái bị áp lực hoàn thành chương trình môn học, ít có thời gian để tự học, nghiên cứu, hoặc tham gia các hoạt động xã hội khác. Vì thế, cải tiến CTĐT vì lợi ích người học như các đơn vị đang thực hiện là tín hiệu tích cực trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập.

Tuy vậy, thực tiễn cải tiến CTĐT của các trường vừa qua cũng xuất hiện một số bất cập. Có trường thay đổi một số môn trong CTĐT mới nhưng chưa cập nhật trong hệ thống đăng ký, công tác truyền thông chưa tới khiến sinh viên đăng ký nhầm, học nhầm môn (theo CTĐT cũ), đến lúc làm thủ tục tốt nghiệp mới biết mình vừa dư môn vừa nợ môn. Lại có những môn học mới đưa vào CTĐT nghe hot, nghe sang nhưng lại mang tính hình thức, làm màu để truyền thông, vì đội ngũ giảng viên, giáo trình chưa “tới”.

Xung quanh mô hình đào tạo một năm 3 học kỳ bắt buộc, vẫn còn không ít ý kiến trăn trở đề nghị cân nhắc, vì đào tạo có dấu hiệu cấp tốc. Học kỳ doanh nghiệp trong chương trình đổi mới của nhiều trường còn chưa rõ ràng, thống nhất về mục tiêu, bất cập trong quy trình đánh giá...

Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT Quy định về chuẩn CTĐT; xây dựng, thẩm định và ban hành CTĐT các trình độ của giáo dục đại học… là hành lang pháp lý cần thiết cho các trường thực hiện việc cải tiến CTĐT liên tục, chất lượng.

Bản thân mỗi trường đều xây dựng các quy trình, quy định về cải tiến chương trình. Tuy vậy, sự thận trọng, thực chất trong thực hiện cải tiến vẫn rất cần thiết để mọi sự thay đổi, điều chỉnh không gây tác động bất lợi cho sinh viên, trên hết phải vì người học. Có như thế, việc cải tiến CTĐT mới đạt mục tiêu nâng cao chất lượng, đáp ứng thị trường lao động, hướng tới tiệm cận tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trong nước cũng như quốc tế.

(Theo giaoducthoidai.vn)

.
.
.