.

Sứ mệnh văn hóa cao cả của báo chí

Cập nhật: 19:26, 01/01/2023 (GMT+7)

Một trong những điểm nhấn được nêu ra tại Đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ được ban hành mới đây là khẳng định vai trò tiên phong, quan trọng của báo chí trong việc phát hiện, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, cổ vũ gương người tốt - việc tốt trong xã hội.

Một xã hội văn minh, tiến bộ bao giờ cũng dựa trên nền tảng cơ bản là tôn trọng, đề cao những giá trị chân - thiện - mỹ và tất cả cá nhân, tổ chức làm nên các giá trị ấy. Một nền báo chí nhân văn bao giờ cũng lấy dòng chủ đạo thông tin người tốt - việc tốt, điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội làm kim chỉ nam trong hoạt động tuyên truyền. Bởi một trong những sứ mệnh của báo chí là nuôi dưỡng niềm tin cho công chúng, mang đến cho công chúng thông điệp tốt đẹp từ chính những tấm gương cá nhân, tập thể đã nỗ lực học tập, công tác tốt, tự nguyện cống hiến, hy sinh vì mục tiêu cao cả của cộng đồng, xã hội và đất nước.

Với đất nước gần 100 triệu dân thì xã hội ta không những không thiếu người tốt-việc tốt mà những tấm gương này thường xuyên xuất hiện ở mọi lĩnh vực, mọi hoạt động, mọi địa bàn, mọi thành phần, mọi lứa tuổi. Đừng đơn thuần nghĩ rằng, tuyên truyền những tấm gương người tốt - việc tốt, điển hình tiên tiến sẽ ít người đọc, người nghe, người xem.

Xét về bản tính của con người, ai cũng muốn học tập, tiếp thu những cái hay, cái tốt, cái đẹp của người khác. Điều quan trọng là những người cầm bút có đủ nhiệt huyết và tài năng để phác họa, lột tả được chân dung cũng như truyền tải thông điệp-thông qua những cử chỉ, việc làm, hành động cao cả của các tấm gương-đã mang đến cho xã hội, công chúng hay không.

Trên thực tế, tự thân những tấm gương người tốt - việc tốt, điển hình tiên tiến đã có giá trị. Nhưng giá trị ấy sẽ có cơ hội phát huy, tỏa sáng khi được cấp trên và các cơ quan báo chí, nhà báo động viên, khích lệ kịp thời, đúng lúc. Vì được xã hội, cộng đồng và người khác tôn trọng, ngưỡng mộ là một trong những nhu cầu chính đáng của con người và đó cũng là động lực để người được khen ngợi, tôn vinh tiếp tục phấn đấu tốt hơn.

Ảnh minh họa: TTXVN 
Ảnh minh họa: TTXVN 

Ở một khía cạnh khác, được gần gũi, tiếp xúc, trò chuyện, tìm hiểu về những việc làm hay, cử chỉ đẹp, tinh thần tự nguyện cống hiến, đức tính hy sinh cao cả vì tập thể, cộng đồng, xã hội của những con người tốt cũng khiến ngòi bút của nhà báo trở nên nhân văn hơn, từ đó cái tốt, cái hay, cái đẹp của họ cũng sẽ tác động, lan tỏa, thẩm thấu vào trái tim, khối óc của người làm báo.

Hay nói cách khác, một khi bền bỉ, kiên tâm khai thác về đề tài người tốt-việc tốt, tự thân nhà báo cũng sẽ có cơ hội học hỏi, tiếp thụ được nhiều nét đẹp nhân văn, tư duy tích cực, cách làm sáng tạo từ chính những tấm gương điển hình, những con người bình dị mà cao quý.

Điều có ý nghĩa căn bản hơn, việc coi trọng tuyên truyền đề tài người tốt-việc tốt là thiết thực góp phần hiện thực hóa một trong những tiêu chí của cơ quan báo chí văn hóa là: “Đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội”.

Trên phương diện văn hóa chính trị, việc các cơ quan báo chí thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền về đề tài người tốt - việc tốt là một cách học tập và làm theo tư tưởng, phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sáng và nhà báo lỗi lạc của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Kiên trì tuyên truyền hiệu quả về đề tài nhân văn này là các cơ quan báo chí thể hiện rõ sứ mệnh văn hóa và trách nhiệm xã hội cao cả của mình đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

(Theo www.qdnd.vn)

 

 

.
.
.