.

 "Xin chữ đầu năm" từ góc nhìn "thư pháp"

Cập nhật: 11:26, 14/01/2023 (GMT+7)

Có một phong tục ngày Tết đã và đang hồi sinh mạnh mẽ trong khoảng 20 năm trở lại đây, đó là "xin chữ". Phong tục xin chữ ngày Tết có từ thời nào, không ai rõ. Trong chính sử, hoặc trong cả những bộ tư sử, gần như không thấy có ghi chép. Chỉ biết, trong tư liệu ảnh và những câu chuyện truyền miệng từ khoảng cuối thế kỷ 19 có xuất hiện những thầy khóa viết câu đối và cho chữ Tết ngoài chợ…

a
Tác giả, trong một buổi thực hành thư pháp. Ảnh: NVCC

"Xin chữ, cho chữ, mua chữ" khác biệt với "thư pháp"

Việc tổ chức cho chữ ở Văn Miếu, có thể khẳng định là ngày xưa không có. Văn Miếu là nơi thờ cúng thánh hiền, Quốc Tử Giám là nơi sĩ tử học tập, những nơi đó đều không phải nơi mang rao bán chữ nghĩa. Ngày nay, ta có thể tạm chấp nhận: Văn Miếu là một trong số ít những nơi cố gắng lưu trữ các nhân tố văn hóa cổ truyền, trong đó có văn hóa chữ Hán, chữ Nôm, cũng như việc tổ chức hội chữ và hoạt động xin chữ là một lẽ đương nhiên.

Theo tư duy dân gian, hình ảnh một người cầm bút lông viết chữ, nhất là viết cỡ lớn, mang tính "biểu diễn" mặc nhiên là "thư pháp". Có điều, chữ viết ra có được coi là "thư pháp" hay không, vấn đề này lại không đơn giản.

Thư pháp là môn nghệ thuật. Đã là nghệ thuật, phải có tiêu chuẩn về kỹ thuật và thẩm mỹ. Tiêu chuẩn kỹ thuật của thư pháp rất đa dạng, từ việc chọn giấy, chọn bút, cách dùng mực, kỹ thuật dùng bút, sự hiểu biết về nguyên lý vận động của bút… Tiêu chuẩn thẩm mỹ của thư pháp vừa cao lại vừa phong phú. Ngoài yêu cầu về chất lượng đường nét, còn có yêu cầu thức cảm về kết cấu chữ (kết tự), kết cấu tác phẩm (chương pháp), sự mẫn cảm của người viết (và người xem) với khí mạch của chữ… Hơn nữa, thư pháp còn yêu cầu rất nhiều về những yếu tố ngoài thư pháp, như kiến thức về ngôn ngữ, văn tự, lịch sử, văn học, thi ca, tôn giáo… của người viết.

Ngày nay, hầu hết người đi xin chữ chỉ xin một đến hai chữ. Quan trọng hơn, nhiều người đi xin chữ không biết chữ Hán, không biết thư pháp, và cũng không có nhu cầu thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật. Phần lớn xin chữ chỉ đơn thuần là với mục đích lấy may đầu năm. Với mục đích đó, dường như tất cả những yêu cầu trên của thư pháp là không cần thiết, hoặc không quan trọng cho lắm.

Nhân đây cũng nói thêm một khái niệm nữa, đó là "ông đồ". Thật ra "ông đồ" vốn là những người đỗ sinh đồ (tức "tú tài"), không qua được vòng 4 của kỳ thi Hương, nên không được lên kinh thi Hội, thi Đình. Vì thế, họ sẽ tìm một công việc khác, như về quê dạy học, hoặc làm giúp việc cho nhà quan… Sau này, một số ông đồ ra chợ quê ngồi viết chữ ngày Tết, phục vụ nhu cầu dán câu đối Tết của người dân, để kiếm thêm thu nhập, nên có thể coi viết chữ Tết là nghề tay trái, mang tính thời vụ. Đương nhiên, các ông đồ cũng hoàn toàn không phải là các nhà thư pháp. Thậm chí, có thể khẳng định, hầu hết các ông đồ viết chữ ở chợ quê hoàn toàn xa lạ với kiến thức và kỹ thuật của thư pháp.

Thư pháp và "dân gian hóa thư pháp"

Thư pháp là bộ môn nghệ thuật hàn lâm. Xét đến các nhà thư pháp trong lịch sử, từ Trung Quốc sang đến Việt Nam, đều là tầng lớp quý tộc hoặc quan lại. Trong bối cảnh thời xưa, việc biết chữ thôi có thể cũng đã là một điều xa xỉ. Tiền bạc bỏ ra để mua sách vở, giấy mực không phải là ít, chưa kể còn phải tìm thầy dạy. Tính hàn lâm của thư pháp còn thể hiện trong những yêu cầu về chiều sâu của nghệ thuật, đó là những thứ cần được giáo dục từ sớm, và tầng lớp bình dân không được hưởng chế độ giáo dục đó. Tóm lại, trong một khoảng thời gian rất dài của lịch sử, thư pháp là nghệ thuật dành cho nhóm nhỏ văn nhân và quý tộc.

Ở Việt Nam cũng vậy. Dù đâu đó trong sử sách vẫn nhắc tới thư pháp, nhưng không nhắc tới thị trường xin chữ - cho chữ ngày Tết, có lẽ cũng vì lý do giấy khổ lớn (và giá rẻ) được sản xuất tương đối muộn. Đến tận thời Nguyễn, những người có tiếng về thư pháp như Cao Bá Quát cũng không thấy nói đến chuyện đi cho chữ. Những câu chuyện về cho chữ đều lấy bối cảnh khoảng thế kỷ 19 trở về sau. Một số văn nhân (chưa chắc đã học thư pháp bài bản) cho chữ ngoài dân gian (có thể chưa phải là dịch vụ, mà chỉ là người nào ngưỡng mộ đến xin và gửi chút tiền quà) cũng có thể tạm coi là một bước đánh dấu quá trình "dân gian hóa thư pháp".

Đến nay, hoạt động xin chữ - cho chữ được mở rộng hơn rất nhiều. "Vật cực tắc phản", khi thư pháp được mở rộng đến tầng lớp bình dân, tất yếu sẽ xảy ra vấn đề mà bài viết đã đề cập bên trên: không phải ai tham gia hoạt động xin chữ - cho chữ cũng là người biết thư pháp. Thị trường không yêu cầu cao đến vậy. Đồng thời, sáng tác thư pháp là công việc tỉ mỉ và phức tạp, rất khó để coi việc viết một hai chữ trong vài phút là sự sáng tác nghệ thuật nghiêm túc. Nói ngắn gọn, sự mở rộng về số lượng rất dễ đi kèm với sự giảm sút về chất lượng.

Vậy, "dân gian hóa thư pháp" là xấu, hay là tốt?

"Dân gian hóa thư pháp", hay hoạt động xin chữ - cho chữ là hoạt động xã hội mang tính phổ biến, và không bao giờ là dễ dàng để nhận xét một hoạt động xã hội theo kiểu nhị nguyên (hoặc tốt hoặc xấu).

Việc dân gian hóa có thể sẽ đồng thời đưa đến sự ảnh hưởng theo cả hai hướng. Hướng tiêu cực là khiến nghệ thuật hàn lâm khó phát triển, nền nghệ thuật hàn lâm thiếu đi một "đầu tàu" dẫn dắt thực thụ. Hướng tích cực là trong số hàng nghìn, hàng vạn người đi xin chữ, sẽ có những người cảm thấy có hứng thú tìm hiểu sâu hơn.

Trong số những người có hứng thú tìm hiểu sâu, sẽ có một vài người thật sự đến với thư pháp. Trong số rất nhiều người hằng ngày tiếp xúc với những biểu hiện bên ngoài của văn hóa - kể cả đôi khi biểu hiện đó không thể hiện đúng bản chất lắm - có thể sẽ có một số người muốn thật sự tìm hiểu những giá trị tầng sâu.

Và có lẽ, đối với những cá nhân vẫn đang cố gắng nâng niu hồn xưa dân tộc, chỉ cần thế thôi cũng đã ấm lòng…

Theo nhandan.vn

 

.
.
.