Chủ Nhật, 05/03/2023, 17:25 (GMT+7)
.

Thực chất trong tiếp thu, sửa đổi Luật Đất đai

Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội, do đó, việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo luật sửa đổi sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai, dự kiến vào kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5 tới đây.

Các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 14/11/2022. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 14/11/2022. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Hiện nay, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết và Công điện của Chính phủ, tại nhiều địa phương, bộ, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội đang liên tục diễn ra hoạt động lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Người dân có thể đóng góp ý kiến bằng nhiều hình thức và thông qua các kênh khác nhau...

Trên thực tế, suốt giai đoạn qua, các cơ quan soạn thảo đã tập trung công sức nghiên cứu, rà soát, phân tích và nỗ lực rất cao trong việc hoàn thiện dự thảo Luật. Đồng thời luôn xác định rõ, đây là nội dung công việc đặc biệt quan trọng, cần thực hiện thực chất, hiệu quả để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân, tạo sự đồng thuận, bảo đảm tính khả thi của Luật khi áp dụng.

Với tinh thần đó, tại các hoạt động lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân đã và đang diễn ra ở khắp mọi miền đất nước, nhiều ý kiến đã đi thẳng vào các chương, điều chưa chặt chẽ, khoa học, khả thi và những vấn đề tồn tại, đang gặp rất nhiều khó khăn, bất cập trong thực tế cuộc sống. Đáng chú ý trong đó, các ý kiến tập trung đề nghị khi sửa đổi Luật Đất đai cần làm rõ định nghĩa thế nào là giá đất theo thị trường. Đây là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm quyền lợi của người dân khi bị thu hồi đất và người dân phải được hưởng lợi từ các dự án phát triển. Từ đó, giải quyết tốt mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước, người dân phải di dời cũng như nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Nhiều đại biểu nhấn mạnh, nhất định phải có các quy định, chế tài đủ mạnh, chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp lý, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu bất chính. Bên cạnh đó, Luật Đất đai (sửa đổi) phải xây dựng được các trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất bảo đảm nguyên tắc: dân chủ, công khai, minh bạch, chính xác và có trách nhiệm giải trình. Nếu thực hiện tốt nội dung này, không chỉ góp phần phát triển nhanh mạnh, nền kinh tế-xã hội đất nước mà còn làm giảm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện đông người, phức tạp vốn đang diễn ra trong nhiều năm qua tại nhiều địa phương.

Một trong những nguyên tắc, phương châm quan trọng trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai được đông đảo người dân quan tâm, ủng hộ là việc lấy ý kiến cần thực chất, tránh hình thức, làm cho có, cho xong. Việc tổng hợp ý kiến góp ý phải trung thực, khách quan. Trong quá trình xây dựng, sửa đổi, tuyệt đối tránh hợp thức hóa những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai hiện nay, đồng thời phải đánh giá rất kỹ lưỡng thực trạng trên tinh thần lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng, doanh nghiệp, nhân dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể.

(Theo nhandan.vn)


 

 

.
.
.