Thứ Hai, 02/05/2016, 06:35 (GMT+7)
.

Việt Nam-Mỹ vượt nỗi đau chiến tranh xây dựng quan hệ phát triển

Nhận lời mời của Thư viện Tổng thống Lyndon Baines Johnson, Đại học Texas tại thành phố Austin, thủ phủ bang Texas, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã tham dự cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam, với tên gọi "Vietnam War Summit," diễn ra từ ngày 26 - 28-4.

Đại sứ Phạm Quang Vinh phát biểu tại cuộc hội thảo Ảnh: Thanh Tuấn/Vietnam+
Đại sứ Phạm Quang Vinh phát biểu tại cuộc hội thảo Ảnh: Thanh Tuấn/Vietnam+

Hội thảo được tổ chức nhằm nhìn lại các biến cố lớn của cuộc chiến, rút ra các bài học cho hiện tại và tương lai, với sự tham dự của khoảng 5.000 đại biểu, gồm các cựu binh, nhà nghiên cứu, sử gia, cùng đại diện của nhiều tổ chức và phong trào phản chiến. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và nhiều chính khách và cựu chính khách Mỹ cũng tham dự Hội thảo.

Phát biểu tại phiên thảo luận ngày 28/4 (sáng 29/4 theo giờ Hà Nội) với chủ đề “Việt Nam và Mỹ trong thế kỷ 21: Một sự khởi đầu mới,” Đại sứ Phạm Quang Vinh đã điểm lại những cơ hội xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp từng bị bỏ lỡ như gần 230 năm trước, khi Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson, một trong các tác giả của bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, cố gắng đưa giống lúa của Việt Nam về trồng tại bang Virginia và những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng thống Harry Truman trong giai đoạn 1945-1946 đề nghị hai nước “hợp tác toàn diện.” Thay vào đó, hai nước đã phải trải qua một cuộc chiến tranh đầy đau thương, với nhiều hậu quả ghê gớm.

Về phía Việt Nam, đó là 3 triệu người chết, 4 triệu người bị thương tật, 4,8 triệu người phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin và hàng trăm nghìn người mất tích. Đây là một cuộc chiến tranh mà cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton mô tả là “đau đớn và ám ảnh,” còn Ngoại trưởng John Kerry cho là “một sự thất bại nặng nề nhất về năng lực ngoại giao và nhãn quan chính trị.”.

Tuy nhiên, lịch sử đã sang trang như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm lịch sử tới Mỹ tháng 7/2015: “Có lẽ ít ai hình dung được bằng cách nào mà hai nước Việt Nam và Mỹ có thể vượt qua được nỗi đau của chiến tranh để xây dựng một mối quan hệ phát triển mạnh mẽ và tích cực như hiện nay.”

Về chính trị, hai nước đã khẳng định ở cấp cao nhất về nguyên tắc tôn trọng “thể chế chính trị và độc lập chủ quyền” của nhau, tạo cơ sở tin cậy cho việc tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác.

Về kinh tế, thương mại, sau hơn 20 năm, trao đổi thương mại song phương đã tăng 90 lần, từ 500 triệu USD năm 1994 đến 45 tỷ USD năm 2015. Triển vọng này sẽ còn lạc quan hơn nữa sau khi các bên hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hợp tác an ninh-quốc phòng có nhiều bước tiến với việc hai bên ký kết Tuyên bố tầm nhìn chung 2015, triển khai Bản ghi nhớ (MOU) năm 2011 trên các lĩnh vực như an ninh hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, đối phó thiên tai và gìn giữ hòa bình.

Đặc biệt, hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn còn sót lại, tẩy độc và chăm sóc y tế người bị phơi nhiễm chất da cam/dioxin trở thành nội dung ưu tiên của mối quan hệ.

Giao lưu văn hóa giáo dục, thăm viếng, trao đổi kinh nghiệm ngày càng diễn ra sôi động.

Đại sứ Phạm Quang Vinh nhắc lại Tuyên bố tầm nhìn 2015, công nhận sự thành công và đóng góp nhiều mặt của cộng đồng người Việt tại Mỹ đối với mỗi nước cũng như quan hệ hai nước. Với 19.000 sinh viên, Việt Nam trở thành nước có nhiều du học sinh nhất tại Mỹ trong số các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Năm 2015, hơn 500.000 khách du lịch Mỹ đến Việt Nam. Hai nước mở rộng trao đổi ở quy mô khu vực với nhiều sáng kiến thiết thực như GHSA (y tế), LMI (môi trường, nguồn nước, biến đổi khí hậu), trong khuôn khổ ASEAN và hợp tác Đông Á, bao gồm duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực.

Trong bài phát biểu, Đại sứ cũng đề nghị phía Mỹ sớm công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường và dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí đối với Việt Nam. Đại sứ Phạm Quang Vinh khẳng định đây sẽ là bối cảnh thuận lợi cho chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Barack Obama.

Nhân dịp này, Đại sứ Phạm Quang Vinh đã có cuộc trao đổi với ông Mark Updegrove, Giám đốc Thư viện Tổng thống Johnson; tham quan Thư viện, tìm hiểu những nội dung lưu trữ liên quan đến Việt Nam; gặp gỡ lãnh đạo Đại học Texas; làm việc với Phòng Thương mại Austin; gặp hai con gái Tổng thống Johnson là bà Luci Baines Johnson và Lynda Johnson Robb; gặp và trao đổi với nhiều nhân vật từ phía Mỹ ủng hộ bình thường hóa và phát triển quan hệ hai nước như cựu Thượng nghị sỹ Bob Kerrey, Thượng nghị sỹ Chuck Robb, cựu binh Tom Vallely; gặp một số phóng viên nổi tiếng đưa tin về cuộc chiến tranh như Nick Út (tác giả bức ảnh "Em bé Napalm" được trao giải Pulitzer), David Kennerly (người giành Giải Pulitzer), và một số quan chức cố vấn an ninh của Mỹ dưới thời Johnson như cựu Giám đốc Kênh truyền hình CNN Tom Johnson, cựu Phó Thống đốc bang Texas Ben Barnes.

Đại sứ Phạm Quang Vinh cũng có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, đại diện bà con kiều bào và các đối tác Mỹ. Tại đây, Đại sứ thông báo chủ trương nhất quán của Việt Nam về tiếp tục cải cách, đổi mới, tạo điều kiện hơn nữa cho hợp tác giao thương giữa hai nước nói chung và giữa Việt Nam-bang Texas nói riêng.

Đại sứ tin rằng với mối quan hệ thương mại tăng trưởng trên 40%/năm, với thế mạnh giáo dục, khoa học-công nghệ và năng lượng, Texas còn nhiều tiềm năng trong hợp tác với Việt Nam và quan hệ hai bên sẽ còn lạc quan hơn nữa.

(Theo http://www.vietnamplus.vn/viet-nammy-vuot-noi-dau-chien-tranh-xay-dung-quan-he-phat-trien/383780.vnp)

.
.
.