Thứ Bảy, 17/03/2012, 11:54 (GMT+7)
.
PHÂN TÍCH CHỈ SỐ PCI KHU VỰC ĐBSCL:

“Vùng trũng” về đào tạo nguồn nhân lực

Hội thảo “Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 - khu vực ĐBSCL” diễn ra ngày 13-3 tại TP. Cần Thơ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ tổ chức nhằm nhìn nhận lại thực trạng và những tồn tại trong thu hút đầu tư của các tỉnh ĐBSCL.

ĐBSCL vẫn còn xem là “vùng trũng” về chất lượng nguồn lao động.
ĐBSCL vẫn còn xem là “vùng trũng” về chất lượng nguồn nhân lực

HIỆN TƯỢNG LONG AN

Kết quả PCI năm 2011, các tỉnh, thành ĐBSCL đã có sự thay đổi về điểm số và thứ hạng, một số tỉnh thay đổi tích cực trong khi vài địa phương bị giảm sút. Năm nay, PCI đã mở rộng điều tra sang doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đo lường thêm các yếu tố liên quan đến việc thu hút đầu tư như: cơ sở hạ tầng, các thông tin về xu hướng thị trường, lao động, quyền sở hữu trí tuệ và những quyền liên quan đến hợp đồng…

Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 vừa được VCCI Việt Nam công bố: Trong nhóm các tỉnh, thành ĐBSCL chỉ có Long An là tăng vượt bậc, từ hạng 12 năm 2010 lên hạng 3 năm 2011. Đồng Tháp dù vẫn thuộc nhóm “rất tốt” nhưng bị tụt từ hạng 3 xuống hạng 4 năm 2011. Nhiều tỉnh còn lại dù vẫn thuộc nhóm từ khá đến tốt, nhưng nhìn chung chỉ số PCI còn thấp và tụt hạng.

Ngoài Long An và Đồng Tháp, 2 tỉnh khác của ĐBSCL dù chỉ số PCI thấp nhưng đã tăng hạng mạnh là Cà Mau từ hạng 51 nhảy vọt lên hạng 31 và Sóc Trăng từ hạng 17 vươn lên hạng 15. Tất cả 13/13 tỉnh, thành của ĐBSCL đều không thuộc nhóm “trung bình” và “tương đối thấp”.

Tỉnh Long An tăng từ hạng 12 năm 2010 lên hạng 3 năm 2011 được coi là một hiện tượng đáng quan tâm. Trong 9 chỉ số thành phần PCI 2011, tỉnh Long An có 5 chỉ số được xếp trong top 10 gồm: Doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng và ổn định (hạng 1/63); môi trường kinh doanh minh bạch và tiếp cận thông tin thuận lợi (hạng 3/63); rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các thủ tục hành chính (hạng 7/63); chi phí không chính thức (hạng 10/63); thủ tục pháp lý giải quyết tranh chấp công bằng và hiệu quả (hạng 8/63)...

Đối với Đồng Tháp, mặc dù giảm một hạng so với năm trước nhưng vẫn được coi sự cải thiện rõ rệt môi trường kinh doanh trong con mắt của doanh nghiệp. PCI của Đồng Tháp đã nhiều năm liền giữ thứ hạng cao và tăng dần. Trong 9 chỉ số xếp hạng PCI năm 2011, hầu hết các chỉ số của Đồng Tháp đều nằm trong top đầu. Riêng chỉ số về tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh được xếp cao nhất trong số 63 tỉnh, thành.

“VÙNG TRŨNG” VỀ CHẤT LƯỢNG NGUỒN NHÂN LỰC

Theo VCCI - Chi nhánh Cần Thơ, có 10/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL có chỉ số PCI tụt hạng so với năm 2010. Tụt hạng nhiều nhất là Vĩnh Long từ hạng 9 năm xuống hạng 54, do nhiều chỉ số thành phần bị chấm điểm rất thấp như: Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, tính năng động...

Tiếp theo là Trà Vinh tụt đến 38 bậc, từ hạng 4 xuống đến hạng 42, do 3 chỉ số thành phần bị chấm điểm rất thấp là: Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; tính năng động, tiên phong của lãnh đạo và đào tạo lao động... Hậu Giang cũng tụt hạng khá sâu khi từ hạng 8 năm 2010 xuống hạng thứ 43 (tụt 35 bậc). Bến Tre cũng bị tụt đến 20 bậc, từ hạng 10 năm 2010 xuống hạng 30 năm 2011...

Bên cạnh đó, các tỉnh còn lại của ĐBSCL có chỉ số PCI năm 2010 thấp, nay tiếp tục tụt hạng như: Bạc Liêu từ hạng 30 tụt xuống hạng 39, An Giang từ hạng 14 xuống hạng 19, Tiền Giang từ hạng 24 tụt xuống hạng 31.

PCI 2011 của Tiền Giang tụt dốc mạnh là do 5/9 chỉ số thành phần đều giảm điểm. Đáng chú ý là chỉ số tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh chỉ còn 1,93 điểm (năm 2010 là 6,27 điểm); chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp chỉ còn 2,49 điểm (năm 2010 là 4,53 điểm). Chỉ số đào tạo lao động không có chuyển biến lớn và luôn duy trì ở mức thấp, năm 2011 là 4,73 điểm so với năm 2010 là 5,37 điểm.

Điều đáng chú ý là chỉ số đào tạo lao động của các tỉnh, thành luôn ở mức thấp và duy trì nhiều năm. Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, trong 13 tỉnh, thành ĐBSCL có đến 11 trường đại học, chưa kể các trường cao đẳng, dạy nghề nhưng chỉ số đào tạo lao động chưa được cải thiện đáng kể. Do vậy, nhiều năm qua, ĐBSCL chưa thoát khỏi “vùng trũng” về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Để cải thiện chỉ số PCI, các tỉnh, thành cần tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp nhằm rút ngắn chi phí thời gian, chi phí gia nhập thị trường và đặc biệt là cải thiện tính minh bạch của chính quyền địa phương.

Song song đó, phải công bố và triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án đầu tư, tránh tình trạng quy hoạch, dự án treo nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai được thuận lợi. Các tỉnh, thành nên tiến hành rà soát lại danh mục các dự án kêu gọi đầu tư, đảm bảo tính khả thi và các điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai các dự án.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đối thoại, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm phát huy tính năng động và thiết chế pháp lý của chính quyền địa phương theo hướng đối thoại cấp tỉnh cho tất cả các doanh nghiệp để lãnh đạo tỉnh nắm bắt được nhu cầu của doanh nghiệp và đối thoại theo chuyên đề, ngành về thủ tục hải quan, thuế, đào tạo lao động...

THẾ ANH

.
.
.