Thứ Năm, 19/07/2012, 15:19 (GMT+7)
.

Đưa nội dung về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam vào trường học

Nội dung về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam sẽ được đưa vào giảng dạy tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp năm học 2012-2013.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân - học sinh, sinh viên” đầu năm, đầu khóa, cuối khóa trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp năm học 2012-2013.
 
Một trong những nội dung mà Bộ yêu cầu phải đưa vào tuần sinh hoạt này là vấn đề về chủ quyền biển, đảo và chiến lược biển của Việt Nam. Bên cạnh đó còn các nội dung như: giáo dục pháp luật; giới tính; phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội; phòng, chống tác hại của trò chơi điện tử với nội dung xấu...

Đảo Đá Lớn trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Phùng Long
Đảo Đá Lớn trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Phùng Long

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nội dung về 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa từ cấp Tiểu học đến cấp THPT. Cụ thể, cấp Tiểu học chỉ đơn thuần là giới thiệu tên các quần đảo này trong hệ thống biển, đảo của nước ta; đến lớp 8 (cấp THCS), phần nội dung kiến thức về tài nguyên biển, vị trí địa lý cũng đã đưa nội dung về 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vào sách giáo khoa địa lý; cấp THPT, các bài học về vị trí, tài nguyên biển, các miền, phần khai thác kinh tế biển... kiến thức địa lý tự nhiên về Hoàng Sa và Trường Sa được đưa vào sách giáo khoa địa lý của các lớp.

Trong các bài về biển, đảo Việt Nam, nội dung về Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của nước ta và địa phương nào quản lý cũng đã được giới thiệu.

Đưa thêm tài liệu vào trường phổ thông

1. Bắt đầu từ năm học 2012-2013, Sở Giáo dục - Đào tạo Khánh Hòa sẽ triển khai giảng dạy nội dung về chủ quyền Trường Sa cho học sinh các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh.

Ở cấp THCS, trong bài "Kinh tế - Xã hội Khánh Hòa" (giai đoạn 1653-1858), có câu hỏi liên hệ cuối bài: “Hãy kể tên các huyện, thị, thành phố hiện nay ở Khánh Hòa?”, qua đó, các học sinh sẽ được biết huyện Trường Sa là một đơn vị hành chính của tỉnh...

Ở cấp THPT, có chuyên đề: “Biển đảo Khánh Hòa - thế mạnh phát triển kinh tế của tỉnh”, có bài đọc thêm “Hoàng Sa và Trường Sa, phần lãnh thổ thiêng liêng không tách rời của Tổ quốc Việt Nam”…

Các nội dung trên được giảng dạy trong các tiết nội khóa. Kiến thức Trường Sa còn được thiết kế giảng dạy ngoại khóa. Nội dung ngoại khóa bao gồm kiến thức tổng thể như: tầm quan trọng của biển, đảo, lịch sử, chủ quyền Trường Sa, một số hình ảnh về Trường Sa hôm nay và trách nhiệm thế hệ trẻ trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Chương trình ngoại khóa cũng là chương trình bắt buộc. Sở còn khuyến khích các trường tổ chức cho giáo viên, học sinh đi thăm huyện Trường Sa.

2. Tại Đà Nẵng, chương trình dạy về Hoàng Sa cũng đã được đưa vào trong tiết học về địa lý, lịch sử địa phương cho học sinh THCS và THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT trong năm học 2011-2012.

Các tiết học đều được dạy về vị trí địa lý theo những văn bản chính thức của Chính phủ ban hành. Còn tài liệu chính thức sử dụng cho những tiết học về Hoàng Sa vẫn đang được Sở nghiên cứu, biên soạn. Sau khi tài liệu này được xét duyệt, sẽ đưa vào giảng dạy đại trà cho học sinh.

Trong thời gian qua, thông qua những tiết học ngoại khóa, học sinh các cấp của Đà Nẵng có nhiều cơ hội tìm hiểu về biển đảo, trong đó có những nội dung về Hoàng Sa, Trường Sa

P.V

(Tổng hợp)



 

.
.
.