Thứ Hai, 07/01/2013, 14:33 (GMT+7)
.

Chương trình "Lội ngược dòng" tiếp sức cho học sinh yếu kém

10 năm qua, Chương trình “Lội ngược dòng” ở xã Thới Sơn (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã “hà hơi, tiếp sức”, giúp cho cả trăm em học sinh có học lực yếu, kém của xã vươn lên khá, giỏi.

Đặc biệt sau 4 năm đi vào tổ chức thực hiện, chương trình đã lan tỏa sâu rộng, được nhiều mạnh thường quân chung tay góp sức, từ đó phần thưởng của chương trình cũng tăng lên và có thêm nhiều học sinh yếu kém được tiếp sức để nỗ lực “lội ngược dòng”.

Ảnh 1 Bà Hồ Thị Đông - Chủ tịch HKH TP. Mỹ Tho trao phần thưởng cho các em học sinh năm học 2011-2012
Bà Hồ Thị Đông - Chủ tịch Hội Khuyến học TP. Mỹ Tho trao phần thưởng cho học sinh năm học 2011-2012.

“Lội ngược dòng”

Chú Bảy (Nguyễn Văn Hai), người “sáng lập” Chương trình “Lội ngược dòng” nhớ lại: Bùi Quốc Đạt học sinh lớp 9, trường THCS Thới Sơn là một học sinh yếu nhiều năm liền. Nhưng từ khi nhận được sự quan tâm của chương trình cùng sự giúp đỡ của nhà trường, Đạt như được “hà hơi, tiếp sức” nên nỗ lực phấn đấu học tập.

Đến cuối năm học 2007-2008, từ một trong những học sinh yếu kém nhất lớp, Đạt đã đứng vào tốp 10 học sinh có thành tích học tập tốt nhất của lớp. Điều đáng phấn khởi hơn khi trong kỳ thi chuyển cấp, Đạt đã đậu vào trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho.

Nhận phần thưởng là bộ sách giáo khoa của chú Bảy tặng, Đạt cứ ngỡ trong mơ vì trước kia không bao giờ em dám mơ có ngày mình được nhận thưởng. Đạt vui một, còn chú Bảy vui mười, vì thấy việc làm của mình đã có kết quả.

Cô Tư Quý, bà ngoại của em Phan Trần Thùy Nhung, học sinh lớp 9 trường THSC Thới Sơn nhớ lại: Gia đình dù khó khăn, nhưng vẫn cố gắng lo cho Nhung ăn học với hy vọng sau này tương lai Nhung sẽ đỡ vất vả hơn cha mẹ.

Gia đình ai cũng kỳ vọng vào Nhung, nhưng em học càng ngày càng xuống dốc. Năm học 2011-2012, được Chương trình “Lội ngược dòng” quan tâm giúp đỡ, từ một học sinh yếu của lớp, Nhung đã vươn lên trở thành học sinh khá, ngoài mong đợi của gia đình.

Cô Tư Quý phấn khởi: “Nhờ có Chương trình “Lội ngược dòng” động viên, giúp đỡ nên cháu tui đã quyết tâm nỗ lực học tập để không phụ lòng các chú, các bác trong chương trình. Nếu không được chương trình động viên, giúp đỡ kịp thời thì cháu tui không biết sẽ ra sao”.

10 năm qua, có khoảng hơn 100 học sinh (tiểu học và THCS) có học lực yếu kém đã vươn lên khá giỏi. Chú Bảy nhớ lại: Lấy ý tưởng từ một cuộc tranh tài của các vận động viên với tinh thần và nghị lực hết sức mạnh mẽ tại Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật (Para Game), chú thiết nghĩ, tại sao những con người đó họ không may thiếu đi một phần của cơ thể lại có thể giỏi như vậy.

Từ đó, chú Bảy đã nghĩ đến một chương trình với niềm tin là các em có học lực yếu kém sẽ vươn lên đạt khá giỏi. Và Chương trình “Lội ngược dòng” ra đời.

Chú Bảy nhớ lại: Trong năm đầu, chương trình “treo phần thưởng” là dành cho các em học yếu kém nằm ở tốp cuối lớp, nếu cuối năm phấn đấu vươn lên đạt học lực khá giỏi thì được thưởng. Được động viên tinh thần đúng lúc, nhiều em đã có sự cố gắng để vươn lên đứng vào tốp 10 em giỏi nhất lớp. Tuy phần thưởng chỉ là một bộ sách giáo khoa, nhưng đã mang lại giá trị tinh thần to lớn để giúp các em có thêm động lực vươn lên.

Đậm tính nhân văn

“Lội ngược dòng” đã nhận được sự ủng hộ của các mạnh thường quân, cùng chung tay đóng góp cho chương trình. Phần thưởng chính vì thế cũng tăng lên và đối tượng được nhận hỗ trợ cũng được mở rộng.

Chương trình không chỉ trao những phần thưởng cho các em “lội ngược dòng” từ tốp cuối vươn lên tốp đầu của lớp, mà còn trao cho các em có thành tích học tập từ yếu kém lên trung bình và khá, với mỗi suất là 20 quyển tập và 50 ngàn đồng.

Chú Bảy bồi hồi nhớ lại: Do chương trình còn khá mới mẻ, nên thời gian đầu đã gặp không ít khó khăn. Nhưng với tâm huyết của mình dành cho các em học sinh yếu kém, chú Bảy kết hợp cùng nhà trường đã cố gắng đi vận động từng em học sinh yếu kém ở bậc tiểu học và THCS đến nhà để chú dạy kèm miễn phí vào các ngày cuối tuần.

Chú luôn tạo không khí thoải mái, gần gũi để các em có thể tiếp thu bài học tốt nhất. Từ một chương trình tự phát, đến năm học 2007-2008, “Lội ngược dòng” đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của Hội Khuyến học xã Thới Sơn. Từ đó, chương trình đã kết hợp với Hội Khuyến học của xã để thực hiện.

Ông Nguyễn Phục Dũng, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Thới Sơn chia sẻ: “Lội ngược dòng” là chương trình có giá trị về mặt tinh thần rất lớn, mang đậm tính nhân văn. Bởi vì chương trình không chỉ chia sẻ một phần gánh nặng của thầy cô, mà còn đem lại niềm hạnh phúc cho phụ huynh và gieo vào lòng các em học sinh niềm tin để vững bước trên con đường học vấn.

Chủ tịch Hội Khuyến học TP. Mỹ Tho, bà Hồ Thị Đông cũng phấn khởi cho biết: Chương trình đã khơi dậy tinh thần trách nhiệm của nhà giáo; tiếp sức cho các em học sinh yếu kém vươn lên. Hội Khuyến học TP. Mỹ Tho sẽ nhân rộng mô hình “Lội ngược dòng” trên khắp địa bàn thành phố để giúp các em học sinh yếu kém có niềm tin và động lực phấn đấu.

Chú Bảy cho biết: Năm học 2012-2013, chú và Hội Khuyến học xã Thới Sơn đã thống nhất “treo giải thưởng” cho những học sinh yếu kém “lội ngược dòng” xuất sắc, đứng vào tốp 10 em giỏi nhất lớp, với phần thưởng 1 triệu đồng. Đồng thời, chương trình cũng thưởng cho giáo viên chủ nhiệm nếu lớp có học sinh yếu kém nhưng cuối năm vươn lên khá giỏi.

HỮU THÔNG

.
.
.