Thứ Tư, 20/03/2013, 11:08 (GMT+7)
.

Chọn ngành - lời khuyên hữu ích từ người đi trước

Trước buổi tư vấn - giao lưu thân mật giữa các cựu học sinh trường THPT Chuyên Tiền Giang với những học sinh đang học tại trường, học sinh đã được khảo sát nhanh bằng các câu hỏi: Bạn đã quyết định chọn ngành/nghề nào trong kỳ thi lớn chưa? Quyết định của bạn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố nào: Hoàn cảnh kinh tế, khối thi, gia đình, bạn bè, thầy cô, sở thích, do lương cao…?

Khảo sát ban đầu cho thấy, trên 60% bạn chọn ngành nghề theo sở thích. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bạn bị tác động bởi nhiều yếu tố khác như: ngành đó lương cao, nhân lực đang thiếu, mẹ em muốn em học ngành đó, các bạn thi ngành đó rất đông… Theo các bạn đi trước thì “đó là những sai lầm không thể sửa đổi, nếu có sửa thì cũng mất rất nhiều thời gian”.

Giao lưu giữa cựu học sinh và học sinh trường THPT Chuyên Tiền Giang. Ảnh Như Lam
Giao lưu giữa cựu học sinh và học sinh trường THPT Chuyên Tiền Giang. Ảnh: Như Lam

Về việc chọn ngành, hầu hết cựu học sinh đều khuyên các bạn nên chọn ngành theo sở thích. Trương Nhựt Trung (cựu học sinh khóa 1999-2002) khuyên: Được học ngành mình yêu thích là niềm vui không có gì sánh bằng!

Trước đây, do xu thế, Đặng Hoàng Trung (cựu học sinh khóa 2002-2005) đã chọn học ngành Dầu khí. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, Trung đã nhận ra ngành này không phù hợp với mình. Trung mạnh dạn bỏ nghề, chuyển sang làm người dịch sách, tư vấn… và cuối cùng  chuyển sang ngành Giáo dục.

Trung chia sẻ: “Làm việc trong môi trường Giáo dục tôi mới thật sự là tôi!”. Trung  khuyên các bạn: Hãy mạnh dạn chọn và can đảm đi hết con đường mình đã chọn. Trải nghiệm cũng là một bài học tốt. Nếu phát hiện chọn sai, phải mạnh dạn chọn lại, muộn còn hơn không. Đó là kinh nghiệm không chỉ của Trung, mà còn của khá nhiều người.

Nguyễn Thúy Phương (cựu học sinh khóa 2002 - 2005) cũng đồng tình với việc nên chọn ngành theo sở thích. Bản thân Phương được mặc định là “người của khối C” bởi Phương học Văn ngay từ bé, từng là học sinh giỏi Văn của Trường Chuyên Tiền Giang. Tuy nhiên, kết thúc năm lớp 12, Phương chuyển sang học ngoại thương - một ngành mà mình cảm thấy yêu thích, nhưng khi tốt nghiệp ra trường Phương lại theo đuổi và gắn bó với một ngành “có vẻ” không mấy liên quan đến ngành mình đã học: Báo chí - truyền thông.

Phương đã sử dụng rất tốt kiến thức mình đã học áp dụng vào công việc hiện tại một cách tốt nhất. “Không nhất thiết phải theo khối/ngành mình đã học từ bé, cũng không nhất thiết học gì ở đại học thì phải ra trường làm việc ấy. Chỉ cần làm được những việc mình thích thì kiến thức nào cũng tốt cả” - Phương khẳng định.

Về kinh nghiệm đi phỏng vấn, xin việc, các bạn được khuyên là phải chuẩn bị ngay từ đầu, từ những năm phổ thông càng tốt. Chị Thiên Tâm (cựu học sinh khóa 1996 - 1999) chia sẻ: Khi được phỏng vấn, người phỏng vấn thường hỏi bạn trong trường phổ thông, đại học bạn đã làm được gì, có những kỹ năng nào, chứ ít khi hỏi bạn học có đạt loại giỏi không…? Kiến thức ở trường là cần thiết, nhưng học giỏi chưa chắc đã có một công việc thật sự tốt và chưa chắc sẽ làm tốt. Công ty sẽ tuyển những người có bề dày kinh nghiệm, có nhiều kỹ năng mềm và ứng xử tốt…

MINH CHÂU

.
.
.