Thứ Sáu, 04/10/2013, 10:10 (GMT+7)
.

Những bí thư đoàn trường tiêu biểu trường THPT Thủ Khoa Huân

Viết nên trang sử Trường THPT Thủ Khoa Huân 30 năm (8-10-1983 - 8-10-2013), có công của những bí thư đoàn trường tài hoa và “máu lửa”. Xin điểm qua những guơng mặt tiêu biểu trong 30 năm qua.

* Thầy Lê Quang Minh, dạy Địa lý, làm Bí thư Đoàn trường trong những năm cơ sở vật chất nhà trường rất thiếu thốn. Thầy quê ở Quận Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, thay vì dạy ở nơi mình sinh trưởng, thầy xin về Tiền Giang dạy để có điều kiện phụng dưỡng bà ngoại ở TP. Mỹ Tho.

Những năm ấy, tinh thần hiến dâng “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên” đã gắn kết thầy với Trường THPT Thủ Khoa Huân. Là con nhà giàu trí thức, tướng “bạch diện thư sinh”, giờ đối mặt nơi “hóc bò tó”, đêm mưa ếch nhái “ca liên khúc” não ruột… ấy vậy mà thầy Minh “chì” lắm, việc gì thầy cũng nhào vô làm. Đoàn trường gánh toàn việc nặng như: Đào ao nuôi cá, khiêng đất đắp nền, làm mương… Thầy và trò cùng làm, mặt mày nhễ nhại, lấm lem sình đất vẫn hát, cười lạc quan.

Thầy Triệu Văn Hoàng.
Thầy Triệu Văn Hoàng.

Thầy Minh nói năng lịch sự, nhỏ nhẹ nhưng dứt khoát, kiên quyết, sống gương mẫu nên lôi cuốn mọi người. Đồng nghiệp rất nể trọng chuyên môn của thầy: Có thể dạy Sinh, Hóa, ngoài môn Địa lý.

Thầy là hội tụ, trung tâm đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp và học sinh. Cùng với thầy Tuy, thầy Minh góp công viết nên những trang sử đẹp nhất của Trường THPT Thủ Khoa Huân.

* Bí thư Đoàn trường để lại dấu ấn, có phong cách khó quên là cô Trương Trúc Hiêm. Cô cũng được đào tạo từ Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

Cô Trúc Hiêm dám đổi mới. Cụ thể như: Dạy khiêu vũ, tổ chức diễn kịch, hoạt động văn nghệ sôi nổi, dám mở lối mới, kích hoạt bầu máu nóng của lớp trẻ trong trường. Có một số người không đồng tình, nhưng đặc biệt là được thầy Tuy trong Ban Giám hiệu nhà trường khuyến khích, khen ngợi và được nhiều học trò ủng hộ, đã tiếp sức cho cô Trúc Hiêm.

Đến nay, cô vẫn “cháy”, lập nhóm “những người yêu rác” làm sạch đẹp trường lớp, vẫn tổ chức phong trào văn nghệ sôi nổi… Trương Trúc Hiêm là một người “máu lửa”, có năng lực trong công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu niên. Ý tưởng của cô là “làm”, hành động cụ thể, không rao giảng, không lý thuyết chung chung…

* Thầy Phạm Hữu Hiệp dạy Vật lý, cũng từng làm Bí thư Đoàn trường. Ưu điểm của thầy là có năng khiếu văn nghệ. Tiếc rằng lúc đó phong trào này chững lại do Ban Giám hiệu nhà trường chưa hỗ trợ nhiều nên thế mạnh của thầy chưa phát huy đến mức cao nhất. Bài học được rút ra: Hiệu trưởng phải chăm chút cho Bí thư Đoàn trường thì mới “kích hoạt” phong trào Đoàn tỏa sáng.

* Cô La Thị Linh Kiều làm Bí thư Đoàn trường trong thời gian khá dài. Không có lợi thế về hình thể nhưng trời ban cho cô giọng nói truyền cảm. Cô Kiều dạy môn Lịch sử, kiến thức, năng lực sư phạm tốt, vì vậy phát ngôn chất lượng, thuyết phục.

Đặc biệt, cô được dàn “đệ tử” giỏi, hết lòng giúp đỡ “sư phụ” trong mọi việc. Trên đà phong trào Đoàn thời cô Kiều, trường lập được CLB Văn, giao lưu trong tỉnh. Chị Thu Trang, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh ưu ái CLB Văn của trường.

* Người làm Bí thư Đoàn trường hiện tại là thầy Triệu Văn Hoàng. Thầy quê Cẩm Sơn (Cai Lậy) trong một gia đình truyền thống cách mạng. Từ năm 2006 đến nay, sự phối hợp hoạt động trong trường có những lúc chưa đồng bộ, thầy Hoàng gánh trên vai nhiều “sức ép”. Có người nói này nọ, so với cái đã “xưa”, nhưng thầy đã “trụ” vững, được đa số tín nhiệm. Năm 2012, thầy là Bí thư Đoàn cơ sở  tiêu biểu của tỉnh, được ra Hà Nội dự Đại hội Đoàn toàn quốc.

Trong không khí khẩn trương cho Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập trường, những gương mặt tràn đầy niềm vui sức trẻ, những áo xanh tình nguyện vây quanh, thầy Hoàng xúc động tâm sự: “Vui mừng và tự hào vì được tín nhiệm, vì sắp đến trọng lễ của trường. Nhưng tôi cũng rất lo, vì bây giờ làm công tác Đoàn không dễ, khó tập hợp thanh niên. Xưa lấy số đông, lấy lòng người lôi cuốn thanh niên. Giờ lấy một vài người, lấy “hạt giống” tài năng mà lôi cuốn mọi người. Thủ lĩnh Đoàn phải đi vào chiều sâu, vừa giỏi chuyên môn (dạy uy tín), vừa phải có tài vận động, năng khiếu văn nghệ…

NGUYỄN THANH XUÂN

.
.
.