.

2 năm thực hiện CTHĐ Quốc gia Vì trẻ em: Đạt và vượt kế hoạch

Cập nhật: 13:09, 09/12/2013 (GMT+7)

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước, cùng sự phối hợp các ngành, các cấp tham gia nên ngày càng được xã hội hóa. Sau 2 năm tỉnh ta thực hiện Chương trình hành động Quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 2011 - 2020, nhiều mục tiêu vì trẻ em đã được thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra, được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp đánh giá cao.

Bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao học bổng “Em không phải bỏ học”.
Bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao học bổng “Em không phải bỏ học”.

Thực hiện mục tiêu chăm sóc sức khỏe và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, trong những năm qua, nhiều chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em được chính quyền các cấp, các ngành quan tâm và ngân sách Nhà nước đầu tư ngày một tăng. Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe được coi trọng cả về nội dung và hình thức, đặc biệt là truyền thông giáo dục sức khỏe từ cộng đồng được tổ chức thường xuyên, đã từng bước làm thay đổi hành vi, tập quán nuôi dưỡng và chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Qua đó, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng (SDD) dưới 5 tuổi thể thấp còi từ 26,4% (năm 2012), ước thực hiện đến cuối năm 2013 giảm xuống còn 25,4%; thể nhẹ cân từ 13,9% (năm 2012), ước thực hiện đến cuối năm 2013 giảm xuống còn 13,5%. Hạn chế đến mức thấp nhất trẻ em SDD nặng.

Qua nhiều năm thực hiện, việc khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi dần được ổn định và đi vào nền nếp. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 144.498/146.149 thẻ khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em, chiếm tỷ lệ 98,9%.

Công tác phòng, tránh tai nạn thương tích trẻ em đã được tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng, thông tin nhiều nội dung liên quan đến những hậu quả, sự thiếu trách nhiệm của gia đình và cộng đồng xã hội, dẫn đến trẻ em bị tai nạn thương tích, mà phần lớn các tai nạn này đều có thể phòng tránh được. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước.

Tiếp tục thực hiện mô hình “Trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng” giai đoạn 2011 - 2015 ở 25 xã (phường, thị trấn) thí điểm; đồng thời chi hỗ trợ 37,8 triệu đồng vốn cho 21 gia đình, nhằm tăng cường khả năng bảo vệ và chăm sóc trẻ em để các em có điều kiện ổn định cuộc sống...

Tỉnh cũng đã thiết lập các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Tiểu ban Nhi khoa của Ban Điều hành các hoạt động phòng, chống AIDS tỉnh đã ký hợp đồng trách nhiệm tổ chức các hoạt động với các đơn vị, đoàn thể và tham mưu cho Sở Y tế trong việc quản lý, điều hành các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong việc phối hợp hoạt động liên ngành và trực tiếp chỉ đạo các hoạt động chuyên môn cho tuyến cơ sở.

Toàn tỉnh hiện có 165 trường hợp nhiễm HIV/AIDS và còn một số lượng không nhỏ trẻ em có nguy cơ cao với HIV như: Trẻ sống trong gia đình có người nhiễm HIV; trẻ em là con của người nghiện chích ma túy, mại dâm; trẻ em mồ côi, trẻ em sống lang thang... Những trẻ em này luôn nhận được sự chăm sóc, tư vấn thích hợp; được tiếp cận với giáo dục, hỗ trợ học nghề, hưởng các chính sách xã hội theo quy định hiện hành và được chẩn đoán, điều trị các bệnh có liên quan đến HIV/AIDS.

Tiếp tục thực hiện Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trong đó có 100% đơn vị huyện (thành, thị) có cơ sở y tế cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tối thiểu theo hướng dẫn của ngành Y tế; công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ có thai luôn được duy trì, theo dõi phơi nhiễm HIV và trẻ nhiễm HIV...

Ở mục tiêu giáo dục chất lượng và hiệu quả có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm dần; tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi, học sinh tốt nghiệp, học sinh giỏi ngày càng cao. Toàn ngành GD&ĐT đã từng bước được củng cố và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học; đồng thời tiến hành phổ cập giáo dục bậc trung học cơ sở (THCS) trong toàn tỉnh. Cụ thể: Tỷ lệ trẻ em từ 3 đến 5 tuổi vào mẫu giáo đạt 68,6%; tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi là 95,6%; tỷ lệ trẻ em tốt nghiệp bậc tiểu học là 99,99% và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp bậc THCS là  97,91%...

Tiền Giang có dân số 1,7 triệu người, trong đó  trẻ em 0 đến dưới 16 tuổi chiếm tỷ lệ 22,7% dân số của tỉnh. Cụ thể, có 146.149 em trẻ em 0 đến dưới 6 tuổi; trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 4.494 em (chiếm 1,16%); trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác là 32.089 em (chiếm 8,3%), trong đó trẻ em thuộc diện hộ nghèo là 31.803 em (chiếm 8,2%).

Mục tiêu chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được các cấp, các ngành, các đoàn thể quan tâm, thông qua việc thực hiện nhiều hoạt động thiết thực như: Thăm hỏi, tặng quà cho học sinh nghèo hiếu học, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang gặp khó khăn; tặng học bổng cho trẻ em nghèo…

Riêng Sở LĐ-TB&XH, tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng theo Quyết định 267/QĐ-Tg.CP của Thủ tướng Chính phủ cho các huyện (thành, thị) và 25 xã điểm thực hiện mô hình này; tổ chức cho trẻ em vượt khó học tốt tham dự Trại hè “Ước mơ hồng” liên tỉnh tại Đồng Tháp; tổ chức đoàn đến thăm và tặng quà cho 1.015 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các huyện (thành, thị) và Trung tâm Công tác xã hội tỉnh nhân dịp Tết Trung thu năm 2013...

Nhằm tạo môi trường lành mạnh cho trẻ phát triển, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 64 xã (phường, thị trấn) đạt chuẩn phù hợp với trẻ em. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hoạt động này chủ yếu phối hợp lồng ghép với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”..., không thực hiện riêng lẻ, vì chưa được phân bổ kinh phí riêng để thực hiện.

Thực hiện mục tiêu chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho trẻ em, trong thời gian qua, ngân sách tỉnh, huyện (tương đương) đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao các huyện (thành, thị).

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng 64 nhà văn hóa ở các xã (phường, thị trấn) văn hóa, với tổng vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng. Các nhà văn hóa này thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; trong đó có phục vụ vui chơi, sinh hoạt cho trẻ em, đặc biệt là nhân dịp các ngày lễ, tết…

Ngành GD&ĐT phối hợp với Đoàn Thanh niên đẩy mạnh các hoạt động thể dục - thể thao, đặc biệt là duy trì tổ chức giải bóng đá truyền thống “Thiếu niên - Nhi đồng” và kết hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí đa dạng và phong phú cho trẻ em như: Hội diễn văn nghệ, Ngày hội “Tuổi thơ làm theo lời Bác”, Hội thi “Tiếng hát hoa phượng đỏ”, Hội khỏe Phù Đổng, thi kể chuyện, đố vui, cắm trại, dã ngoại về nguồn, tìm hiểu lịch sử… thu hút hàng ngàn trẻ em tham gia. Riêng Nhà Thiếu nhi tỉnh, hàng năm tổ chức phục vụ hàng chục ngàn lượt trẻ em đến vui chơi giải trí và học năng khiếu.

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em từng bước đi vào cuộc sống, đã thật sự nâng cao nhận thức của từng gia đình và cộng đồng xã hội về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn còn nhiều thách thức. Công cuộc đổi mới đã tạo ra nhiều cơ hội mới, nhưng cũng có những khó khăn, phức tạp.

Sự phân hóa giàu - nghèo; sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin; lực lượng cán bộ, viên chức làm công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, không có lực lượng cộng tác viên hỗ trợ…, đã ảnh hưởng không ít đến hiệu quả trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong thời gian qua.

THỦY HÀ - CHÂU HẢO

.
.
.